- Dịp Tết, người giúp việc là ‘vấn đề nóng’ đối với nhiều gia đình ở thành phố. Vì vậy sau khi đọc các bài: “Cận Tết, dịch vụ osin tha hồ chặt chém gia chủ”, “Đau đầu các chiêu trò đòi tăng lương của osin sau Tết”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.
TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa) |
Kêu ca và trân trọng
Bạn đọc Tung Xuân Đào (email tungdx40@gmail.com) viết: “Osin bây giờ phải gọi là Cán bộ osin mới đúng. Lương và thu nhập của osin còn hơn rất nhiều những thầy cô giáo ,bác sĩ vùng cao.”
Cảm nhận của email ahfamilycoltd@yahoo.com là: “Đọc bài này tôi thấy buồn thay cho các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học đàng hoàng mà ra trường lương cũng chỉ hơn 2tr/tháng, tức cũng chỉ ngang một osin và thậm chí còn chẳng được ‘làm giá’. Chưa nói đến binh lính phục vụ trong quân đội, đang ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc ở biên giới, hải đảo xa xôi và cũng chỉ nhận được mức lương thậm chí còn thua so với osin thành phố.”
Email ngkhacvu@gmail.com chia sẻ: “Bó tay với osin, mà cũng chính do các vị nên osin mới làm giá như thế. Hiện nay có nhiều dạng osin hợp đồng theo giờ và họ làm việc cũng rất có trách nhiệm, sao các vị không mướn?”
Đây là ý kiến của email hlong@gmail.com: “Chúng ta thử xem lại những người đi làm ‘osin’, hầu hết:
- Không biết chữ;
- Không nghề nghiệp;
- Không biết làm mọi việc gì chu đáo;
- Gia chủ phải đào tạo từ việc nhỏ nhất. Chưa kể có người còn có tật xấu.
Ấy vậy mà lương phải trả không được chậm mỗi tháng ~ 2 triệu đồng; ăn uống, chỗ nghỉ ngơi và mọi chi phí cho cuộc sống gia chủ bao hết - Thử hỏi tộng cộng thu nhập tháng là bao nhiêu? Trong khí đó thu nhập bình quân của người nông dân lao động cật lực có được 1 triệu đồng/tháng? Người công nhân lao động vất vả trong các nhà máy, xí nghiệp thu nhập bao nhiêu; những người giáo viên, bao nhiêu năm đèn sách thử hởi thu nhập đã bằng các vị osin chưa?”
Bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) không đồng tình với ý kiến của bạn Hlong:
“Bạn thử tìm cho tôi xem có nghề nào phải ‘trực’ toàn thời gian 24/7 ở nơi làm việc, xa gia đình người thân. Có thể có nhưng lương chắc chắn là rất cao. Bạn thử tìm cho tôi xem nghề nào mà người làm công phải làm 1 đống công việc vụn vặt không tên không có trên hợp đồng lao động. Chắc chắn là không có nghề nào tương tự như thế.
Với đặc thù của nghề này, nói xin lỗi, tôi thà làm công nhân với mức lương đừng nói là tương đương, chỉ bằng 1 nửa thôi, tôi cũng chấp nhận. Vì sao? Vì tôi có 1 khoảng thời gian trong 24 giờ của 1 ngày rảnh rỗi tự do muốn làm gì thì làm. Có đi làm nghề giúp việc nhà toàn bộ thời gian, bạn mới thấy giá trị của 2 chữ ‘tự do’
Cái đáng nói ở đây là nghề giúp việc nhà ở Việt Nam không có Hiệp hội nghề nghiệp, không có Công đoàn riêng bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ cũng như giải quyết các xung đột giữa họ và người sử dụng lao động (tức là các vị gia chủ). Họ phải tự bảo vệ mình theo cách của họ.
Theo tôi, nghề giúp việc nhà là 1 loại nghề nghiệp có tính chất lao động tay chân thuộc loại nặng nhọc nhất. Nói 1 cách triết lý, họ bán cái tự do của họ cho người muốn mua.
Nghề này ở Việt Nam không phát triển được lên chuyên nghiệp vì thiếu luật. Không có luật, ai dám giao nhà cho người giúp việc bán thời gian (vì họ có thể ‘khoắng’ sạch đồ đạc rồi ‘biến’ mà chả ai làm gì được họ dù cho có biết rõ gốc gác của họ).
Vậy, tại sao không có những công ty chuyên về cung cấp dịch vụ giúp việc nhà? Nếu có những công ty đó, chắc chắn giá thuê là không rẻ nhưng bù lại gia chủ không phải mệt đầu vì người giúp việc ‘làm giá’ hoặc ‘tính xấu’ và người giúp việc nhà không phải nai lưng ra làm hàng núi việc nhà.”
Theo email thanhoang68@vnn.vn thì: “Chẳng ai muốn làm nghề osin. Các vị cứ thử đi làm nghề này rồi hãy kêu. Chỉ cần mang tiếng đi làm ô sin là các vị đã sợ rồi. Khi nào dám bỏ việc để tự làm việc nhà thì mới hay. Thấy đắt thì đừng thuê nữa.”
Email tranh@mail.ru bày tỏ: “Tôi không đồng tình dùng từ ‘chặt chém’ để mô tả một hạng người có thu nhập thấp nhất xã hội, bảo trợ xã hội cũng không hề có. Tôi thấy họ có đòi thêm tiền lương 5-6 lần so với ngày thường thì cũng hợp lý. Đấy mới là kinh tế thị trường.
Tôi thấy ở các nước phát triển tiền lương được tính theo giờ (mà không hề thấp tý nào). Còn nếu làm thêm ngoài giờ thì lương được trả ít nhất là hai lần. Họ cũng đươc đảm bảo mọi quyền lợi xã hội.”
Chia sẻ với ý kiến trên, email dangsang.nguyen@yahoo.com.vn cho rằng: “Do yếu thế, không bằng cấp, không vốn... nên người làm công việc giúp việc nhà chịu nhiều thiệt thòi về cả danh dự, thu nhập. Chính vì thế không nên có tư tưởng xem thường họ. Chẳng hạn dùng từ ‘cháy osin’, ‘osin chém chặt’...”
Còn đây là ý kiến của email haidang297@gmail.com: “Osin, ‘người ở’ là những cách nói thiếu tôn trọng đối với những người kiếm tiền bằng việc giúp việc gia đình cho những gia đình có thu nhập cao (thực ra cũng chẳng cần cao), mặc dù công việc chẳng phải là nặng nhọc gì, tuy nhiên nó gần như chiếm hết toàn bộ số thời gian rảnh rỗi của người ta, và số tiền trả cho thời gian đó có thể coi là quá ít ỏi.
Đành rằng, người ta không học hành, không bằng cấp gì, nhưng vẫn là một công việc do một con người làm. Do vậy xin hãy coi người ta là một con người.”
Hãy là ‘người quản gia’ và ‘người chủ tốt bụng’
Theo bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) thì: “Khi bạn xem người giúp việc là osin (như trong bộ phim Nhật chiếu trên TV thì cô Osin quả là nô lệ lao động) thì người giúp việc cũng sẽ xem bạn như "ông chủ cối xay độc ác" ( phim thần thoại của một nước XHCN cũ chiếu ở Việt Nam thời bao cấp). Nếu bạn xem người giúp việc như một quản gia (giúp việc chuyên nghiệp) thì người giúp việc sẽ xem bạn như một người chủ tốt bụng. Bằng quản gia tương đương bằng trung cấp và nếu là quản gia cao cấp thì bằng đó tương đương bằng đại học. Người giúp việc chuyên nghiệp làm tất cả mọi việc mà anh ta thấy cần phải làm không chờ chủ sai bảo (đa phần quản gia là đàn ông). Chủ còn thức thì anh ta còn thức và luôn túc trực gần đâu đó để chờ phục vụ chớ không bao giờ đi ngủ trước chủ trừ phi được chủ cho phép. Chủ vắng nhà dài ngày thì anh ta được nghỉ phép có lương và phải có mặt ở nhà trước khi chủ về. Công việc của người quản gia là chăm sóc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đi chợ, sửa chữa lặt vặt, nói chung là toàn bộ việc nhà. Lương của quản gia tương đương lương của cán bộ nghiệp vụ cấp trung. Người quản gia trung thành phục vụ 3 đời chủ trong cùng 1 căn nhà là chuyện bình thường. Quản gia cao cấp có khả năng tương đương với CEO của 1 doanh nghiệp nhỏ và thường phục vụ cho gia đình siêu giàu cỡ tỷ phú. Anh ta cũng làm việc như 1 quản gia và quản lý 1 vài người giúp việc có tính chuyên môn (chỉ chuyên làm 1 công việc nhất định) như lái xe, làm vườn, giặt giũ, lau dọn phòng, đầu bếp, trông trẻ, ...Anh ta cũng được giao quản lý 1 tài khoản với số tiền nhất định để chi phí cho công việc này. Tổ chức tiệc tùng tại nhà cho chủ và con cái của chủ cũng do anh ta quán xuyến. Người giúp việc chuyên nghiệp thường không có gia đình vợ con nên nghề này cung không đủ cầu ở bất cứ nước nào kể cả những nước giàu có nhất. Ngoài nghề quản gia ra còn có nghề giúp việc nhà theo giờ của những người giúp việc không chuyên nghiệp. Nếu bạn xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc ‘Chuyện tình Paris’ thì bạn thấy là chủ nhà chả bao giờ biết mặt người giúp việc theo giờ. Người giúp việc theo giờ chịu trách nhiệm pháp lý trước công ty dịch vụ mà anh ta đăng ký hoạt động, công ty này chịu trách nhiệm pháp lý trước chủ nhà. Chủ nhà trả tiền cho công ty và công ty trả lương cho người giúp việc.”
Đồng cảm với ý kiến trên, email manhthang_mobile85@yahoo.com viết: “Với tôi osin là người rất đáng khâm phục trong bộ phim của Nhật Bản. Nên dùng từ ‘người giúp việc’ sẽ hay hơn.”
Email trangtv@yahoo.com chia sẻ: “Giúp việc là một nghề đàng hoàng. Họ vì hoàn cảnh kinh tế nghèo khó nên mới phải mưu sinh như vậy. Họ thích làm việc cho ai, với mức lương như thế nào là tùy chủ nhà thỏa thuận với họ. Đề nghị phải hết sức tôn trọng họ.”
Email diamond01982@yahoo.com tỏ thái độ không tán đồng với: “Mấy người có vẻ nhiều tiền tí là tỏ thái độ coi người giúp việc như 1 cỗ máy, 1 rôbốt. Họ cứ tưởng có tiền là có tất cả. Có khi nào họ nghĩ đến cảm giác của những người giúp việc không nhỉ?”
Ý kiến của email ionglan62@yahoo.com: “Chúng ta phải nhìn nhận osin là một nghề nghiệp hẳn hoi. Nước ta vẫn xuất khẩu osin sang các nước với các cam kết cụ thể, vì là nghề, nên họ phải có quyền đòi hỏi mức lương của mình. Ở Hà Nội làm osin với mức lương 2,5 triệu đồng không phải là cao; không nên miệt thị họ không biết chữ, không nghề nghiệp. May mắn cho bạn có thu nhập cao và thuê họ giúp việc cho gia đình. Thử hỏi không may vì một lý do nào đó bị thất nghiệp, bạn có làm nổi osin cho chính gia đình nhà bạn không? So sánh hơi khập khiễng, nhưng để bạn hãy quý osin: Không có một cô giáo nào ở nội thành Hà Nội có thu nhập dưới 2,5 t/tháng và cũng không có ai ở nội thành Hà Nội chấp nhận làm osin.”
Email fanny.phan@yahoo.de đề nghị: “Xã hội nên công nhận osin là một nghề (có thể gọi là nghề nội trợ chẳng hạn) và phải học có bằng cấp để được tôn trọng như tất cả mọi ngành nghề khác, thì lương cũng được hưởng tương ứng.”
Được cổ vũ bởi những ý kiến trên, bạn đọc Ngọc Phan (email ngockimphan@yahoo.com) mạnh dạn: “Như tôi đây rỗi rảnh cũng muốn thử nghề osin ngắn hạn trong khoảng thời gian mà nhiều gia đình có nhu cầu khi osin thường trực về quê nghỉ Tết. Tôi trên 60 tuổi, còn khỏe mạnh, có kiến thức nuôi giữ trẻ, biết sử dụng các vật gia dụng điện tử: Hút bụi, nấu cơm, chế biến thức ăn, sử dụng máy móc trong nhà bếp, microwave, và giặt giũ bằng máy móc digital...Điều kiện: Không đi chợ, công việc làm theo thời gian biểu rõ ràng, hợp lý và được sử dụng Internet. Nếu cần, xin liên lạc trước một tháng để hợp đồng cho các Tết trong tương lai"
Ban Bạn đọc