- Tiếp theo loạt bài tìm hiểu về những vấn đề xung quanh việc giải phóng mặt bằng Cầu Nhật Tân khu vực phường Phú Thượng, quận Tây Hồ gây bức xúc dư luận, trước những “giải đáp” vòng vo và chưa rõ ràng của các cấp thực thi, người dân 3 tổ dân phố 47B, C, D cụm 7C phường Phú Thượng tiếp tục gửi thư cho Ban Biên tập. Để rộng đường dư luận, VietNamNet xin tổng hợp, trích đăng nội dung thư phản ánh của nhân dân.

Đọc bài trả lời của các cơ quan chức năng:
 



Kính gửi: Ban Bạn Đọc Báo VietNamNet

Qua theo dõi những trả lời của ông Nguyễn Văn Duẩn (Trưởng Ban giải phóng mặt bằng Quận Tây Hồ và Nguyễn Lê Minh (Phó Ban quản lý dự án cầu Nhật Tân) liên quan quan đến vấn đề đền bù và giả phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng cầu Nhật Tân người dân tha thiết trao đổi lại một số vấn đề như sau:

Văn bản số: 3453/UBND-XDĐT, ngày 08/08/2006 với nội dung: “điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất … D1, D3 thuộc khu đấu giá quyền sử dụng đất”.

Về vấn đề thiết kế và điều chỉnh thiết kế đường dẫn hoa thị và đảo trồng cỏ, Bộ GTVT đã làm trái với Quyết định 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về viêc phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, không tuân thủ Luật Quy hoạch đô thị và không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 128/TTg-CN năm 2006, bởi những lý do:

+ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 theo Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ thì đường dẫn bờ nam cầu Nhật Tân là đường dẫn thẳng, trùng với đường vành đai 2, không có đường dẫn hoa thị và đảo trồng cỏ tại khu vực cụm 7C, phường Phú Thượng. Đồng thời, điều 5 Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định “Tổ chức, cá nhân… phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt”.

+ Luật Quy hoạch đô thị (mục 1 điều 8; mục 4 điều 8; mục 1 điều 20; mục 4 điều 20) quy định chi tiết về “quyền tham gia ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với quy hoạch”, “trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị”, “ý kiến phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt”. Mặt khác, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 128/TTg-CN năm 2006 cũng yêu cầu “lấy ý kiến nhân dân”, tuy nhiên, việc ông Nguyễn Lê Minh, đại diện PMU85 cho rằng đã “phối hợp với UBND phường Phú Thượng tổ chức họp dân công khai quy hoạch dự án và tham vấn cộng đồng” hay “tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp về phương án kiến trúc và kết cấu của cầu Nhật Tân với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng”… là không đúng sự thật.

Nhân dân cụm 7C không hề hay biết những việc làm trên đây của Bộ GTVT liên quan thiết kế “đường dẫn hoa thị” và đảo trồng cỏ để lấy đất của dân. Nếu Bộ GTVT khẳng định là có việc làm trên và nhân dân đồng tình ủng hộ thì sao không cung cấp bằng chứng và nếu cần sẵn sàng đối thoại công khai dân chủ với dân để lấy ý kiến lại về việc này?

Chính ông Nguyễn Lê Minh cũng chỉ nói rằng Bộ GTVT đã làm “báo cáo đánh giá tác động môi trường” và “điều tra xã hội học” đối với 13 hộ trong tổ 47.

Điều đó cho thấy, việc làm đường dẫn hoa thị và đảo trồng cỏ tại cụm 7C được Bộ GTVT thông qua vào 12/7/2007  và UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh mở rộng chỉ giới đỏ vào 03/1/2008 bằng quyết định 19/UBND-XDĐT như vậy đã thể hiện là có dấu hiệu trái luật.

Thêm vào đó đường dẫn hoa thị tại cụm 7C chứa đựng nhiều bất hợp lý.
 
Hàng ngày vào giờ cao điểm tại ngã 3 Lạc Long Quân – Âu Cơ đã thường xuyên xuất hiện tình trạng đoàn xe xếp hàng chờ đèn đỏ kéo dài vài trăm mét; Bộ GTVT cũng thừa nhận “nút giao ngã 3 Lạc Long Quân – Âu Cơ hiện đã quá tải vậy nếu làm thêm đường nhánh hoa thị giao cắt đồng mức với đường đê An Dương Vương – nơi cách ngã 3 Lạc Long Quân – Âu Cơ khoảng 70m thì chỉ càng làm trầm trọng thêm ùn tắc cục bộ tại đây.

Thực chất đảo trồng cỏ ra đời là hệ lụy tai hại của lợi ích nhóm, “nắn cầu quốc gia” để “tránh nhà đại gia” lại được thực hiện bằng văn bản trái luật số: 3453/UBND-XDĐT, ngày 08/08/2006 với nội dung rõ ràng: “điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất … D1, D3 thuộc khu đấu giá quyền sử dụng đất”. Tại thời điểm đó đây là những khu đất trống thuộc diện đất công của Phường Phú Thượng, để tránh khu đất của các “đại gia” này, đường dẫn lên cầu mới cắt vào cụm 7C – với 200 hộ dân với khoảng 1000 nhân khẩu đã tồn tại hợp pháp trên mảnh đất của họ. Mặt khác thay vì sử dụng đất công vào mục đích công cộng với chi phí bồi thường không đáng kể mà do lợi ích nhóm đã làm thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỉ để đền bù giải tỏa.

Bộ Chính trị ra Nghị Quyết, Chính phủ phải ban hành Nghị định 11 nhằm cắt giảm chi tiêu công. Mục 4 điều 6 Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định rõ “sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 128/TTg-CN năm 2006 cũng yêu cầu “đầu tư tiết kiệm”. Một đường dẫn bất hợp lý kèm theo một đảo trồng cỏ rộng mấy hécta và chi phí đền bù cho hơn 200 hộ dân… khiến số tiền đội thêm đến vài ngàn tỷ VNĐ là trách nhiệm của ai? Lãnh đạo Bộ GTVT chắc chắn cũng từng đến thăm các nước phát triển, thử hỏi có nước nào sử dụng đất đô thị làm đảo cỏ một cách hoành tráng và lãng phí như ta không?
Ảnh chụp nhà ông Bình, số 85, diện tích 53m2, 5 tầng, diện tích xây dựng hơn 300m2, ngõ rộng 3m. Giá đền bù theo thông báo 270/TB-UBND ngày 12/8/2011 là  801 triệu VNĐ.

Về giá đền bù: Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, trên thực tế, người dân không được ai cho không mảnh đất đó, cũng không phải đất lấn chiếm mà phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt, công sức cống hiến cả đời người do đó cần phải được tôn trọng và bảo vệ theo pháp luật. Theo quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ thì giá đất đền bù cho dân phải sát giá thị trường, nếu khung giá đất của thành phố không phù hợp thì phải điều chỉnh, đảm bảo đền bù cho dân ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng nhìn vào thực tế mà thành phố Hà Nội đang yêu cầu dân bàn giao mặt bằng với giá 15 triệu VNĐ/m2, tức chỉ bằng 10% giá đất giao dịch trên thị trường hiện.
Đền bù bất công, bằng chứng là cách đây 2 năm, đất ở khu vực nhỏ lẻ, xen kẹt để xây dựng nhà phường Phú Thượng giá đất từ 50 đến 72 triệu đồng/1m2.
Trong khi dân còn bất bình về nhiều hành vi trái luật và xử ép của cơ quan chức năng như vậy mà không cơ quan nào đủ thẩm quyền giải quyết đứng ra tổ chức đối thoại với dân một cách dân chủ, công khai, tiếp thu ý kiến của nhân dân để có điều chỉnh cho phù hợp. Bản thân, thành phố Hà Nội cũng chưa một lần trả lời đơn thư khiếu nại của dân hoặc giải quyết thỏa đáng những bức xúc của dân buộc dân phải gửi đơn lên cấp hành chính cao hơn.

Việc phát sinh chi phí, làm chậm tiến độ cầu không phải do lỗi của dân vì dân không đủ thẩm quyền và không có khả năng để làm quy hoạch trái luật. Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan quyền lợi sát sườn của nhân dân, sự ổn định xã hội và lòng tin của nhân dân. Điều cuối cùng nhân dân 3 tổ dân phố 47B,47C,47D cụm 7C, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội chúng tôi mong mỏi được Lãnh đạo thành phố Hà Nội và Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để tạo sự đồng thuận.


Nhân dân 3 tổ dân phố 47B,47C,47D cụm 7C, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội


  • Tĩnh Phan ghi