- Cả đời mẹ lúc nào cũng thấy hai từ hy sinh, dù rằng sinh ra là một tiểu thư của một gia đình danh vọng nhưng mẹ hội tụ đầy đủ tố chất của người phụ nữ xưa: công, dung, ngôn, hạnh. Cuộc đời đầy sóng gió và nước mắt của mẹ bắt đầu dữ dội khi về nhà nội tôi làm dâu.

TIN BÀI KHÁC:

Vốn là một cán bộ văn hóa của huyện, hàng ngày mẹ đi làm và ở tập thể. Bố ở trong quân ngũ không ở nhà thường xuyên, trách nhiệm làm dâu lại thay chồng nên càng nặng trên vai mẹ. Lo cho các em ruột, lại phải lo cho các em chồng, lại một mình chăm sóc con thơ...bao nhiêu đồ ngon, đồ khó mua mẹ cũng cố gắng kiếm về cho gia đình nhà chồng. Tuy phải mua bằng tem phiếu nhưng mẹ được ưu tiên vì là cán bộ. Sống chẳng thẹn với cả dòng họ nhà chồng, nhưng mẹ luôn bị ông bà nội rẻ rúng, có bất kỳ chuyện gì cũng đổ lỗi cho mẹ, các em chồng nhân cơ hội ấy mà coi thường chị dâu khi bố vắng nhà. Những lá thư viết cho mẹ thay vì động viên thì bố lại trách móc mẹ không biết ăn ở, mẹ chỉ biết ôm con về cơ quan khóc thầm.

Ảnh minh họa
Mẹ phải chịu thiệt thòi khi bà ngoại mất sớm, bao nhiêu tình cảm dồn nén trong lòng mẹ dành hết cho bà nội nhưng đáp trả lại sự hiếu thuận ấy là những lời nói cay độc của bà. Và đỉnh cao là cả gia đình, này bố chồng, này mẹ chồng, này các em chồng - những người mẹ hết lòng chăm lo đã ép bố mẹ ly hôn trong một lần bố về thăm nhà. Lý do đơn giản chỉ là mẹ tôi làm về hoạt động quần chúng và bà nội tôi thích giáo viên.

Không chia tách được tình yêu của bố mẹ, ông bà càng ra sức ép với mẹ con tôi. Ông đuổi cả nhà tôi không cho ở, mẹ lại một tay thay chồng nuôi con, một tay lo đất đai xây nhà. Bố tôi vì nghĩ là con cả lại là trưởng tộc nên trước sau cũng phải ở để thờ cúng tổ tiên nên gửi tiền về cho ông bà xây nhà, trước là bố mẹ ở sau là vợ con ở. Nhưng nào ngờ khi bố về thì mẹ con tôi đã phải về nhà tập thể để nhường phòng cho vợ chồng của chú út.

Cay đắng hơn với mẹ khi cả 4 chị em tôi đều là gái. Gia đình tôi gần như không được một chút sự quan tâm nào của ông bà nữa. Bố về mất sức, mẹ không chịu được lời dèm pha của hàng xóm cũng xin về hưu sớm. Kinh tế càng ngày càng khó khăn, lúc ấy thấy nhà tôi nghèo, bà nội nhân cơ hội ruồng rẫy luôn 4 đứa cháu, có cái gì bà cũng giấu cho các em nhà chú. Ông bà tôi bảo bố mẹ không cần cho con gái ăn học, chỉ cần cho lấy chồng là xong: “Anh có lương, có nhà nước lo cho rồi, con gái cho ăn học nhiều cũng chỉ đi lo cho thiên hạ, việc gì anh phải nhọc công, cứ kệ mẹ con nó”.

Mẹ chết lặng người khi bố nghe ông bà để hai chị cả bỏ học giữa chừng. Phận gái lấy chồng lại gánh thêm cái tội không sinh được con trai nối dõi tông đường, mẹ thất thế không có quyền trong gia đình mặc dù mẹ là dâu trưởng. Ấm ức, tủi nhục để trong lòng mẹ cố hết sức làm tròn phận dâu con và kiếm tiền nuôi hai đứa con út học hành.

Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu như ông nội tôi không bị bệnh ung thư. Phận làm con trưởng, mẹ hết lòng đưa ông đi khám chữa, rồi lại chăm sóc từng bát cơm, giấc ngủ, giặt giũ khi ông đang trong giai đoạn cuối cùng. Ba tháng ròng rã, tất cả chi tiêu trong gia đình ngoài đồng lương thì mẹ phải chắt bóp cái gia đình bé nhỏ của mình để ông có những ngày đầy đủ nhất, thanh thản nhất. Mẹ còn phải chạy lo chế độ cho ông khi ông sắp mất nhờ vậy mà bà nội tôi hôm nay mới có tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước.

Ông ân hận vì đã không đối xử tốt với mẹ, đã chối bỏ trách nhiệm với 4 đứa cháu gái. Ông đã trốn bố mẹ tôi để đi vì quá ân hận. Sự qua đời của ông lại là nguyên nhân dẫn đến tranh giành đất đai giữa các chú. Bố tôi lúc đó mới thực sự thấm thía những bất hạnh mẹ phải gánh chịu bao nhiêu năm qua và bắt đầu lo cho vợ con. Tuy đã muộn, nhưng sự cố gắng của bố mẹ đã được đền đáp khi hai đứa con đã có gia đình, kinh tế ổn định, con gái thứ 3 làm trong một ngân hàng lớn và con út đang chuẩn bị lấy bằng thạc sỹ.

Mặc dù bị gia đình nhà chồng ruồng rẫy nhưng mẹ vẫn sống với họ bằng cả tấm lòng bao dung nhân hậu. Đối với bà nội – người đã hành hạ tinh thần mẹ suốt mấy chục năm qua nhưng mẹ chưa một lần hận bà, chưa một lần bỏ rơi bà. Mẹ đi chợ mua một cặp lồng riêng chỉ để đưa thức ăn cho bà lúc thì bát canh ngon, lúc thì món này, món kia vì mẹ biết rằng ngoài gia đình tôi thì không còn ai biếu bà những thứ đó. Tấm lòng nhân hậu của mẹ đã che chở chúng tôi suốt cuộc đời. Những hạnh phúc mà gia đình có hôm nay đều là công mẹ tu hành trong suốt những năm gian khổ.

Ngọc Minh
Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.