- Nói đến mẹ chồng, tôi có thể kể rất nhiều về bà nhưng lại không thể định nghĩa được. 

TIN BÀI KHÁC:


Tôi kết hôn muộn, 30 tuổi mới có đứa con đầu, hành trang lấy chồng là kỹ năng thu vén, sự đảm đang, tháo vát từ mẹ. Tôi nghĩ mỗi cây mỗi hoa, miễn là mình yêu thương nhà chồng như yêu thương gia đình mình là được.

Thế nhưng sự đời không đơn giản vậy, điều đầu tiên và cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể hòa nhập được với gia đình nhà chồng đó là văn hóa. Suốt 28 năm trời ở với bố mẹ, tôi được rèn tính độc lập, sự vượt khó và phải biết hy sinh. Gia đình chồng tôi thì ngược lại, đến cái nhỏ nhất như dắt xe vào phòng lúc mấy giờ cũng phải thông qua ý kiến mẹ chồng tôi.

Ảnh minh họa
Nói đến mẹ chồng, tôi có thể kể rất nhiều về bà nhưng lại không thể định nghĩa được. Bà xem tivi nhiều, áp dụng rất nhiều khối kiến thức khoa học khổng lồ lên toàn bộ cuộc sống của gia đình, bà giảng về đức hi sinh, chịu khó… Thế nhưng, khi tôi thả con tôi vào chậu nước ấm để tắm cho cháu, bà lại dằn dỗi quay đi và nói với cả nhà về tôi “trứng khôn hơn vịt”. Tôi đi làm về muộn vì đường xa, về đến nhà bà kể công kể khổ. Bà đã từng nói vào mặt tôi rằng: “Không có tao thử hỏi mày làm được gì?”.

Tôi cũng tự hỏi: “Không có bà tôi đã làm được gì?”. Tôi thành lập công ty, dù nhỏ và chạy đôn chạy đáo để lo cho nó qua khỏi những cơn khó khăn. Tôi gánh vác mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình. Tôi cũng chưa làm mếch lòng ai. Dẫu ít, nhưng tôi cũng cố gắng chu toàn vì tôi nghĩ mình vất vả làm ra tiền, mục đích cuối cùng cũng chỉ mong làm cuộc sống tốt hơn. Chồng tôi, một công chức yên phận, tháng lĩnh 1,8 triệu tiền lương, hết giờ hành chính về với thú vui móc máy điện thoại. Cũng may, trong những lúc hiếm hoi tôi cần anh ấy cũng là người tỏ ra có trách nhiệm.

Điều khiến tôi bực mình nhất là bà rất hay nói xấu người khác trước mặt tôi mỗi khi có cơ hội. Những người ấy có lúc đã khiến bà rất hài lòng, tệ hơn nữa những người ấy lại chính là chồng bà, con gái, con rể và cả con trai bà…Thú thực, mỗi lần như thế tôi rất khó chịu, cảm giác rồi sẽ đến mình cũng là nạn nhân thôi. Và bạn biết bà thường nói xấu những người đó vào dịp nào không? Vào dịp cuối tháng lương, cần tiền và cả khi tôi biếu tiền, biếu quà…và thường tôi có cảm giác hối hận ngay sau đó.

Tôi vẫn gần như sống cùng bà, nhất là khi con trai tôi là cháu đích tôn và là đứa cháu duy nhất cho đến lúc này bà có được. Những lúc vui vẻ tôi cũng cố gắng tâm sự những câu chuyện vui, lúc căng thẳng tôi cũng chẳng ngại đối chất. Tôi không hỗn, không sai trái và sau nhiều nhường nhịn tôi cần để bà biết: “Không phải cái gì bà cũng đúng”.

Tôi không phủ nhận và cũng biết ơn khi bà đang chăm sóc con cái mình. Tôi đi suốt ngày, vậy nên sau nhiều lần thuê người giúp đưa con về với bà là khả quan nhất. Tôi thực sự chỉ không muốn bà sống bất nhất như vậy và xin bà, bà đừng nghĩ mình là người biết tuốt và đúng tuốt. Tôi chỉ mong bà sống hồn hậu như bao bà mẹ già ở thôn quê: Thật thà, chất phác và yêu thương con cháu hơn cả bản thân mình!

Bạn đọc giấu tên

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.