- Việc xây dựng xưởng vững chãi trên đất công và đất nông nghiệp tại huyện Thanh Oai đã được UBND huyện này kết luận. Tuy nhiên việc xử lý những sai phạm trên, đang khiến dư luận bức xúc.

Tin bài liên quan:

 
Báo VietNamNet từng thực tế và phản ánh đơn thư của bạn đọc Lê Trọng Hệ ở Thôn Văn Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội, về việc gia đình bà Lê Huy Trụ và Tào Thị Mai tại địa phương cố ý xây dựng hàng nghìn mét vông nhà xưởng kiên cố trên đất nông nghiệp và đất công mà chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý. Không những thế trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp này còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sản xuất đồ da…

Sai phạm rõ ràng và nghiêm trọng 

Công trình nhà xưởng này xây trên cả đất công và đất nông nghiệp


Theo nội dung thông báo kết luận “Nội dung tố cáo của công dân - Thôn Văn Khê - Xã Tam Hưng” được kí bởi ông Lê Tuấn Anh, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai về các nội dung tố cáo trong đơn của ông Lê Trọng Hệ:

“Việc ông Lê Huy Trụ và bà Tào Thị Mai từ năm 2008 đến năm 2011 tự ý chuyển đổi 1.911 m2 đất khu vực Ao Cá (1.722m2 đất canh tác, 189,3m2 đất công) xây dựng nhà xưởng mặc dù các cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm nhưng ông Lê Huy Trụ và bà Tào Thị Mai không chấp hành, tiếp tục xây dựng là vi phạm Điều 15 Luật đất đai năm 2003. Vi phạm trên thuộc trách nhiệm của ông Lê Huy Trụ và bà Tào Thị Mai".

Việc UBND xã Tam Hưng thời điểm từ 2008 đến tháng 5/2011 mặc dù có lập biên bản vi phạm, thông báo đình chỉ xây dựng nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm để cho ông Trụ và bà Mai tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, lấn chiếm đất công… không quản lý đất công chặt chẽ… Là vi phạm Điều 74, điều 182 Nghị định 181/2004/NĐ_CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Tam Hưng từ thời điểm 2008 đến năm 2011”.

Về nội dung tố cáo xưởng sản xuất của ông Trụ và bà Mai gây ô nhiễm môi trường. Thanh tra huyện Thanh Oai đã xác minh: Nước thải từ xưởng sản xuất của nhà ông Trụ và bà Mai thải trực tiếp ra rãnh nước thải của thôn.

Rác thải: Rác thải chủ yếu của xưởng là nguyên liêu thừa của quá trình làm bóng. Từ tháng 3/2012 trở về trước cơ sở sản xuất thuê xe chở ra bờ sông Hòa Bình đốt. Từ tháng 4/2012 đến nay xưởng kí hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường CTDT Nam Thăng Long thu gom vận chuyển rác thải của xưởng đến nơi xử lý theo quy định.

Lặp lại khẳng định trên, khi trao đổi với đề này, ông Lê Tuấn Anh khẳng các nội dung tố cáo của ông Lê Trọng Hệ với những sai phạm của hộ gia đình ông Trụ và bà Mai là đúng.

Trách nhiệm của các bên: Bẻ pháp luật lượn theo ý dân
?!

Trong thông báo kết luận của UBND huyên Thanh Oai, kết luận về môi trường chưa được rõ ràng...

Thế nhưng, nói về cách xử lý đối với những sai phạm trên, kết luận trên nhấn mạnh: Xử lý đảng viên, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cán bộ công chức thuộc thẩm quyền có sai phạm nêu trên.

Đối với sai phạm của hộ gia đình ông Trụ và bà Mai thì giao UBND xã Tam Hưng căn cứ tình hình thực tế của địa phương về phát triển sản xuất làng nghề, bàn bạc với nhân dân xây dựng đề án xử lý đối với công trình nhà xưởng của hộ gia đình ông Trụ nhằm ổn định tình hình địa phương.

Theo giải thích của ông Tuấn Anh thì có nghĩa là: Huyện đã yêu cầu xã lập đề án xử lý, nếu dân đề nghị dỡ công trình xã sẽ dỡ, nếu dân đề nghị giữ lại thì xã giữ.

Trao đổi thêm với ông Lê Tuấn Anh về kết luận của huyện, khi phóng viên VietNamNet đặt câu hỏi, việc xử lý nhà xưởng xây trên đất công và đất nông nghiệp bằng cách hỏi ý kiến dân (nếu dân đề nghị dỡ công trình xã sẽ dỡ, nếu dân đề nghị giữ lại thì xã giữ) có dựa theo pháp luật không? Dựa theo điều luật nào?

Ông Tuấn Anh trả lời là có dựa trên luật. Nhưng không nêu được điều luật mà cho rằng hướng xử lý vậy là vì cái tình: Tạo việc làm cho người dân địa phương.

Trong khi đó, theo lời của ông Lê Trọng Hệ trong đơn gửi các báo, thì không hiểu ai “phím” lời cho gia đình Lê Huy Trụ và Tào Thị Mai, đợt này họ tuyển thêm rất nhiều lao động địa phương đến làm việc.

Dư luận đặt câu hỏi, việc hợp thức hóa nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp và đất công với cái lẽ… vì tạo việc làm cho dân, thực chất là  “dân chủ” hay mang ý đồ khác của huyện Thanh Oai?

Trao đổi vấn đề này với  đại diện Văn phòng luật sư Hoàng Kim, vị đại diện này khẳng định: Việc xử phạt vi phạm luật đất đai phải dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định số 105/2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) quy định hành vi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất khác mà không được UBND cấp có thẩm quyền cho phép bị xem là sử dụng đất không đúng mục đích. Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền tùy theo hậu quả của hành vi thuộc mức nào còn bị buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.

Việc lấn chiếm đất công cũng bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm.

Ngoài ra, tại Điều 173 Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Theo đó, người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước… gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

  • Tĩnh Phan