- Từ tháng 4 đến tháng 7/2012 Báo VietNamNet liên tục nhận được đơn tố cáo khẩn cấp của bạn đọc Lê Trọng Hệ (thôn Văn Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về việc xây dựng sai phép tại địa phương và đề nghị báo can thiệp phản ánh.

TIN BÀI KHÁC:


Xây dựng hàng trăm m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp


Theo đơn, ông Hệ tố giác gia đình nhà ông Lê Huy Trụ và bà Tào Thị Mai đã ngang nhiên xây xưởng sản xuất và nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp, lấn chiến ao mương của làng và sản xuất đồ da gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Thực tế tại địa phương, chúng tôi đã chứng kiến khu nhà xưởng đồ sộ xây dựng ngay cạnh khu đất ruộng mà người dân mới cấy xong.

Tại sao một xưởng sản xuất đồ da lớn như vậy được xây dựng trên đất nông nghiệp mà chính quyền huyện Thanh Oai lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý từ đầu?
Nhiều người dân trong làng (đề nghị giấu tên) khi được hỏi rất bức xúc về việc xưởng sản xuất nhà ông Trụ, bà Mai gây mùi hôi, khét cho làng xóm vào thời gian trước. Người dân hiền lành ở vùng quê này còn đã phải mặc nhiên chấp nhận “Đã đành sản xuất công nghiệp thì phải gây ô nhiễm môi trường”.

Gặp trực tiếp người đứng đơn, ông Hệ còn bức xúc cho biết thêm: Doanh nghiệp trên xây dựng nhà xưởng để sản xuất đồ da. Có thời gian, họ mang rác thải ra giữa đồng và đốt. Sau khi có đơn thư phản ánh của tôi thì phế thải sản xuất của công ty được một đơn vị khác đến thu gom và mang đi.

Trong một động thái gần đây của doanh nghiệp trên, họ đã thuê người dọn sạch các ao mương quanh nhà máy…Theo ông hệ, việc làm này  “có thể để đối phó với một đợt kiểm tra".

Ông Hệ cho biết, các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến bức xúc của người dân vì anh đã gửi đơn từ ngày 20/2/2012, sau đó là nhiều lần gửi đơn kiến nghị tiếp theo nhưng chưa được các cơ quan chức năng trả lời.

Không có gì khó khăn nhưng…


Đầu tháng 5/2012 chúng tôi có về địa phương, sau khi đi thực tế không gặp được trực tiếp người đi tố cáo, chúng tôi đã đến gặp chính quyền xã Tam Hưng. Lãnh đạo địa phương đi vắng, nhân viên văn phòng của xã đã “hẹn” nhưng không hề có thông tin lại với phóng viên.

Một số rác thải của xưởng sản xuất nhà ông Lê Huy Trụ (Ảnh do người tố cáo cung cấp)
Trong tháng 7, khi nhận được đơn thư phản ánh liên tiếp của ông Hệ, chúng tôi quyết định trở lại địa phương tìm hiểu thông tin. Ông Bùi Xuân Chiến –Đại diện Thanh tra huyện Thanh Oai cho biết thông tin: Đơn tố cáo của ông Lê Trọng Hệ huyện đã nhận được và vào ngày 18/4 huyện đã có quyết định giao cho Thanh Tra huyện, thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nội dung đơn. Quá trình xác minh đã xong, chúng tôi chờ phiên họp gần nhất của Huyện sẽ đưa ra và trả lời công dân sau đó.

Nói về nội dung tố cáo xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, ông Xuân cho biết về cơ bản là đúng. Khi chúng tôi hỏi các thông tin liên quan thì ông cho rằng ngoài nội dung trao đổi trong buổi làm việc nên từ chối cung cấp.

Ông Xuân viện dẫn: Thời hạn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân là 60 ngày (trừ các ngày nghỉ, lễ) từ ngày nhận quyết định thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 90 ngày (trừ các ngày nghỉ, lễ).

Khi chúng tôi hỏi, quá trình xác minh đơn tố cáo của ông Hệ có gì phức tạp không? Ông Xuân khẳng định “không có gì khó khăn phức tạp cả”!

Thừa nhận quá trình xác minh đơn thư của ông Lê Trọng Hệ không có gì khó khăn, phức tạp. Nhưng Huyện Thanh Oai đã để đến hơn 3 tháng chưa có kết luận với nội dung tố cáo của ông Hệ. Nghi ngờ có dấu hiệu bao che như đơn thư phản ánh của ông Lê Trọng Hệ là có cơ sở.

Báo VietNamNet sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin vụ việc trên để bạn đọc quan tâm được rõ.

T. Phan