- Ngày 24/7/2012, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đã có Quyết định kháng nghị số 313/2012/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 34/2011/DSPT ngày 31/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng. Khiếu nại chính đáng của các công dân Nguyễn Thị Bông, Nguyễn Trung Tâm, địa chỉ 13/5 Đặng Tất, phường Phước Vĩnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu được xem xét.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Trước đó, bạn đọc Nguyễn Thị Bông cùng chồng nhiều lần gửi đơn và các tài liệu liên quan (đơn lần đầu tiên đề ngày 2/3/2012) tới báo VietNamNet và một số báo mong được ủng hộ.

Đội thi hành án chưa có tống đạt lần nào mà đến bắt bà Bông phải giao
nhà cho ông Quý Báu (ảnh do gia đình cung cấp)

Báo VietNamNet đã có công văn gửi TANDTC, VKSNDTC, UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho biết ý kiến trong việc xử lý để trả lời bạn đọc theo quy định của Luật Báo chí.

Cùng một số báo khác, VietNamNet đã có bài phân tích về việc cấp Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty một thành viên Màu Nắng, một “uẩn khúc” chưa được làm sáng tỏ. “Uẩn khúc” đó là Phòng Đăng ký kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa đã để ông Nguyễn Quý Báu, quốc tịch Mỹ “lách luật” thành lập CT TNHH một thành viên Màu Nắng ngày 5/5/2010, địa chỉ tại 13/5A, Đặng Tất, Phước Vĩnh, Nha Trang, trong khi ông Báu không có hộ khẩu tại địa chỉ đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh và không có hợp đồng thuê trụ sở tại địa chỉ này. Đặc biệt trong hồ sơ lưu không có văn bản xác nhận nào của chính quyền nơi DN Màu Nắng đăng ký trụ sở, vậy mà vẫn được ‘cho qua’ chỉ sau 2 tuần nộp đơn (26/4-5/5/2010). Ngay sau khi có được GPKD, mã số thuế, con dấu công ty, giám đốc Báu không kinh doanh mà lập tức tiến hành khởi kiện đòi chia tài sản thừa kế của cha, mẹ tại Việt Nam với người em trai là ông Nguyễn Trung Tâm tại địa chỉ trên.

Địa chỉ này gồm có nhà ở của bà Nguyễn Thị Bông và ông Nguyễn Trung Tâm (em ruột ông Báu) đã có sổ đỏ và phần đất đai và nhà từ đường, khi còn sống mẹ ông Báu và ông Tâm ở (khi mất không làm di chúc).

Hai cấp Tòa đã không làm rõ “uẩn khúc” đó, xử cho ông Báu thắng kiện. Theo đó, phần đất ở của hai vợ chồng ông Tâm, bà Bông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần đất đã xây dựng từ đường thờ cúng đều bị gộp vào để phân chia lại.

Hiện trường vụ cưỡng chế, cán bộ ở tòa tới tham dự (Ảnh gia đình cung cấp)
Sau khi 2 cấp Tòa xử cho ông Việt kiều quốc tịch Mỹ Nguyễn Quý Báu thắng kiện, từ đường thờ cúng và một phần nhà bà Bông đã bị lực lượng thi hành án ‘nhanh chóng vào cuộc’ phá dỡ, gây nên cảnh hoang tàn thương tâm.

Theo Luật sư Phạm Quốc Thanh- Trưởng văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn Luật sư Hà Nội thì: “Trong vụ án này, các cấp tòa dường như ‘bỏ quên’ tình tiết những người ủy quyền cho nguyên đơn là Việt kiều Nguyễn Quý Báu không hề có đủ điều kiện để chia di sản thừa kế bằng hiện vật, bởi lẽ tất cả những người ủy quyền cho Việt kiều Báu đều đang ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ. Đây là một tình tiết cần được TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và là một trong những tình tiết quan trọng làm thay đổi hoàn toàn nội dung vụ việc”.

Ý kiến Luật gia Thế Dũng cho rằng: “Nếu căn cứ vào hồ sơ và thận trọng xác minh thì ông Nguyễn Quý Báu không hội đủ các điều kiện theo qui định tại điều 1 của Nghị quyết số 1073 của UBTV Quốc hội về giải quyết giao dịch thừa kế...trước ngày 1-7-1991 có yếu tố nước ngoài. Các cấp tòa cũng không xem xét đến việc những người chị em khác đang định cư ở nước ngoài có hội đủ điều kiện do pháp luật hiện hành để ủy quyền cho ông Báu thay mặt họ tham gia tố tụng tại tòa không để được chia thừa kế? Tiếp đến là vấn đề thời hiệu chia khối tài sản thừa kế do cụ ông Nguyễn Sáu để lại. Cụ Sáu qua đời năm 1996, theo quy định của bộ luật Dân sự, thì đã quá thời hiệu. Trong khi pháp luật chưa có hướng dẫn về việc xử lý thừa kế quá thời hiệu thì các cấp tòa không thể tùy tiện phân xử được”.

Sau khi báo chí vào cuộc, TANDTC đã xem xét vụ án và có Quyết định kháng nghị số 313/2012/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 34/2011/DSPT ngày 31/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng. Xin trích dẫn một số nội dung của QĐ kháng nghị:

“Cụ Sáu chết năm 1996 nhưng đến ngày 12/4/2010 ông Báu mới khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Sáu thì thời hiệu thừa kế của cụ Sáu đã hết và không đủ điều kiện chia tài sản chung phần tài sản của cụ Sáu”.

“Lẽ ra phải xác định cụ Mùi đã cho vợ chồng ông Tâm 239m2 đất từ đó công nhận ông Tâm, bà Bông có quyền sử dụng diện tích 239m2 đất và chỉ chia thừa kế phần di sản của cụ Mùi trong diện tích 462m2 đất…TA cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định toàn bộ nhà, đất (trong đó có 239m2 đất ông Tâm đứng tên) là di sản của cụ Mùi để chia thừa kế là không đúng quy định của pháp luật”, đúng như báo VietNamNet và một số báo đã nêu.

QĐ kháng nghị của TANDTC nêu rõ: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 20/2010/DSST ngày 10/12/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.

Hoan nghênh TANDTC đã xem xét khiếu nại chính đáng của công dân và có QĐ kháng nghị kịp thời.

Song qua vụ việc 2 cấp tòa đã không làm rõ những “uẩn khúc” dẫn đến những bản án sai, những quyết định vội vàng, sai phạm luật pháp như kháng nghị đã nêu cũng cần làm rõ trách nhiệm.

Đối với công tác thi hành án, cần xem xét cụ thể nhất là có yếu tố uẩn khúc ẩn chứa đằng sau quyết định vội vàng trong việc phá dỡ nhà cửa, từ đường làm tổn hại đến tài sản và tinh thần gây bức xúc cho công dân.

Ban Bạn đọc