- Giấy mua bán xe bằng giấy viết tay trong trường hợp của bạn vừa nêu không được pháp luật công nhận, bạn vẫn được coi là chủ sở hữu của xe gắn máy đó.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Năm 2001, tôi có mua chiếc xe gắn máy do Trung Quốc sản xuất. Năm 2010, tôi làm đơn bán xe này có giấy viết tay thỏa thuận giữa người mua và người bán, nhưng không ra địa phương ký. Giấy đăng ký xe tôi còn đứng tên.

Năm 2012, chiếc xe này chủ mua cũ của tôi đã bán sang tay cho người khác và chiếc xe này đã gây tai nạn giao thông nặng. Vì giấy chủ quyền xe còn đứng tên tôi nên bây giờ xảy ra tai nạn như vậy, tôi có bị phần lỗi hay liên quan gì không? (xe đã bán và có giấy bán xe sang tay). (trungtrucbh@yahoo.com)

Luật sư tư vấn:

Tại thời điểm bạn bán xe năm 2010 theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-BCA-C11 ngày 11/3/2009 quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại khoản 3.1.5 quy định: Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có xác nhận của đơn vị công tác hoặc có chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định.

Do vậy, giấy mua bán xe bằng giấy viết tay trong trường hợp của bạn vừa nêu không được pháp luật công nhận, bạn vẫn được coi là chủ sở hữu của xe gắn máy đó.

Căn cứ điều 623 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì:
Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn vẫn còn là chủ sở hữu xe. Do vậy, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới với những người mua xe kia gây ra tai nạn. Trương hợp này Bạn và người mua xe có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường cho người bị nạn.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).