Tôi có hộ khẩu tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 2004, tôi có kết hôn với anh Đỗ Thanh Sơn (hộ khẩu tại phường Dữu Lâu). Chúng tôi đăng kí tại UBND phường Dữu Lâu. Tháng 4/2011, anh Sơn làm đơn li hôn, tôi kí vào đơn và được Tòa án nhân dân thành phố chấp thuận. 

TIN BÀI KHÁC

Do trong thời gian chung sống, chúng tôi ở với bố mẹ chồng, không có tài sản chung nên khi li hôn, tôi không nhận được bất kì tài sản nào từ phía anh Sơn. Tòa án quyết định con gái tôi (năm nay 7 tuổi) do tôi nuôi dưỡng và hàng tháng anh Sơn phải có trách nhiệm đưa 500.000đ cho tôi để cùng nuôi con. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, anh Sơn chưa gặp lại con và tôi cũng chưa hề nhận được một đồng tiền nào từ phía anh Sơn. Hiện nay, anh Sơn đang làm bảo vệ cho một công ty tư nhân và đã có gia đình mới.

Nay tôi muốn anh Sơn thực hiện trách nhiệm đối với con và muốn kiện anh Sơn không làm đúng những điều tòa án tuyên, tôi phải làm sao? Tôi cần gửi đơn đến đâu?

Khi kết hôn, do phải sống chung với bố mẹ chồng trong căn nhà chật chội, chúng tôi đã làm đơn ra phường xin được cấp đất. Nhưng thời điểm này, phường mới ra quyết định cấp đất cho vợ chồng tôi (dù đã li hôn). Bố chồng cũ của tôi có yêu cầu tôi kí nhận không có liên quan gì đến mảnh đất nói trên để phường cấp cho anh Sơn và vợ mới.

Tôi phải làm gì, thủ tục như thế nào để được hưởng lợi từ mảnh đất trên?

(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo khoản 1 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”.

Theo Mục 11, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92): a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

b. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

c. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Như vậy, sau khi có bản án của Tòa mà chồng bạn không tự nguyện việc cấp dưỡng nuôi con thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án thành phố Việt Trì thi hành bản án theo quy định của Điều 6 Luật thi hành án dân sự năm 2008, Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.

Về việc yêu cầu chia tài sản sau ly hôn thì nếu bạn chứng minh được quyền sử dụng đất đó do bạn và chồng cũ tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, đã xin cấp Giấy chứng nhận trong thời kỳ hôn nhân nhưng do thủ tục cấp giấy chậm nên sau khi ly hôn mới cấp giấy thì bạn vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).