-  Sau khi đọc bài “Thay lãnh đạo DNNN để tái cơ cấu”, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


Hô tái cơ cấu mà… chưa làm được?

Giọng sốt sắng của bạn Huỳnh Nở, email huynhno@gmail.com: Tôi rất tán đồng bài viết này. Tái cơ cấu thực chất là… sửa chữa sai lầm. Mà bản năng con người ta là không ai tự cho mình sai để sửa cả. Chính vì vậy lâu nay cứ hô tái cơ cấu mà chưa làm được. Chỉ có cách duy nhất và tốt nhất là thay lãnh đạo. Đã có bài học thành công trên khắp thế giới, tại sao không học?

Bạn Thành, email 01032001thanh@gmail.com cũng hào hứng: Mình chờ mãi mới có ý kiến đúng nhất cho tái cấu trúc DNNN, ai cũng nói nhiều nhưng hai vấn đề chính yếu đó là lãnh đạo, và mối quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước, người đại diện chủ sở hữu với người thực hiện quyền sở hữu tức chủ DN, hình như người ta… không tiện đề cập vào đề án?

Ý kiến tán đồng của Lưu Quang Đức, email anhduc1952@Yahoo.com.vn: Bài viết đã chạm đúng cốt lõi của vấn đề. Bây giờ chỉ còn là: Có làm đúng như vậy không? Có thế thì những cụm từ DNNN, Tập đoàn kinh tế nhà nước… mới không còn là nỗi ám ảnh triền miên đối với mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước đang nghĩ thực, nghĩ đúng về lòng, sỏ, mề, gan, ruột của các DNNN hiện nay. Nếu không làm được như những đề xuất tâm huyết đó, thì con đường đi lên của các DNNN và Tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ vẫn rối rắm, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ....và rồi sẽ phải bàn giao dần dần xuống đến tận… cấp xã phường!

Góc nhìn của Trịnh Hoàng Giang, email dienbienphuvietnam@yahoo.com: Thường thì các TĐ, TCT, DNNN báo cáo bao giờ cũng hay, cũng thế này thế nọ. Bao giờ cũng nói tổ chức nhân sự hiện tại là tốt nhất! Thế nhưng tổng lợi nhuận trên tổng số vốn và tài sản nhà nước (của nhân dân) thì quá ít. Nếu tính ra thì còn ít hơn… người bán trà đá. Lâu lâu thanh tra ‘sờ đến’ thì việc đã rồi! Thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng, chưa kể tham nhũng, lãng phí. Thế nên phải thay thế nhân sự, không thể ‘thí điểm’ được vì tiền là thật, lao động là thật chứ đâu phải ảo? Tóm lại, thay thế lãnh đạo đối với các đơn vị kinh tế nhà nước nhằm đạt lãi thực trên tổng số vốn và tài sản đang chiếm sở hữu.

Phạm Hải Dương, email haiduong201217@yahoo.com.vn phụ họa: Nhiều ý kiến của các chuyên gia quản lý về kinh tế rất xác đáng. Nhưng VN mình xử lý và đổi mới vẫn chậm, sức ỳ cản trở sự năng động phát triển. Công tác cán bộ là vấn đề nổi cộm gây bức xúc cho xã hội: Cán bộ lãnh đạo tham nhũng, lãng phí chưa có biện pháp răn đe nghiêm khắc như Vinashin,Vinalines đến lúc đổ vỡ lớn mới lộ ra? Cả bộ máy hùng hậu các ban bệ không phát hiện ngăn chặn kịp thời được. Thật là buồn và đau xót.

Nỗi băn khoăn của Nguyễn Kiên, email kienns2006@yahoo.com: Nghe các bác phân tích ‘chuẩn men’ luôn, nhưng giấc mơ của bác Phạm Nam Kim “cần phải thay đổi quy chế dành cho những người lãnh đạo và nhân sự trong các DNNN hiện nay. Trước hết người lãnh đạo DNNN không nên là người của nhà nước mà nên thuê ngoài. Nhà nước chỉ cử người đại diện của mình giám sát các hoạt động dựa trên những tiêu chí đặt ra” liệu có trở thành ‘đề án khả thi’, mà mỗi năm nước ta chắc có… hàng vạn ý tưởng như của bác?
(ảnh minh họa)

Muốn đổi mới, phải đổi mới con người

Suy ngẫm của Vũ Yên, email yen.traly@gmail.com: Cố TBT Trường Chinh khi xưa đã nói đại ý "...muốn đổi mới, phải đổi mới con người...". Chính nhân tố con người, nhất là con người ở vị trí lãnh đạo tạo ra sự trì trệ hay phát triển của đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Hầu hết lãnh đạo DNNN hiện nay vẫn chỉ là sắp đặt theo quy trình trượt lên. Hôm qua ông đang là giám đốc công ty nhà nước theo mô hình kế hoạch tập trung, bỗng nhiên qua đêm ông đã là giám đốc công ty cổ phần; hay ông chả có đồng vốn nào nhưng ông được cử làm chủ tịch HĐQT quyết sách ầm ầm... Điều hành doanh nghiệp vẫn là hình thức giao nhiệm vụ kế hoạch, cơ chế xin cho. Nói trắng ra rằng 100 ông giám đốc DNNN thì cả 100 ông đều lưu luyến cơ chế cũ! Chừng nào chưa có đột phá tư tưởng về con người, nhất là sắp xếp con người vào vị trí lãnh đạo, thì công cuộc đổi mới DNNN vẫn chỉ là hình thức, trì trệ vẫn y nguyên và chẳng có ai chịu trách nhiệm.

Xuân Tiếp, email xuantiep56@yahoo.com.vn lập luận: Chủ trương của Đảng, nhà nước về tái cấu trúc DNNN kể từ khi tiến hành đến nay mới là câu nói hoặc là văn bản thể hiện về mặt lý luận. Muốn tái cấu trúc DNNN việc trước hết là phải cải tạo toàn bộ hệ thống tư duy kinh tế kiểu ‘cha chung’ và lề lối quản lý mang nặng hình thức, không có cơ quan chịu trách nhiệm chính, không có con người cụ thể chịu trách nhiệm; khi sai phạm thì ngồi lại với nhau kiểm điểm rút kinh nghiệm ‘do chúng ta’ thì sẽ khó lòng thực hiện. Rốt cuộc thì một số cá nhân trong guồng máy ‘lợi ích nhóm’ thì giàu, nhà nước mất vốn, lợi nhuận và thành tích chỉ là con số ảo mà thôi. Tôi tán thành quan điểm muốn thực hiện tái cấu trúc thắng lợi thì phải tiến hành bắt đầu từ yếu tố quyết định, đó là con người, và hệ thống cơ chế quản lý DN phù hợp theo cơ chế thị trường.

Phụ họa của Bạch Ngọc Miện, email mien_hien982008@yahoo.com: Cái kiểu tư duy nếu sai phạm thì là do tập thể, còn thành tích thì được tô hồng. Câu ngạn ngữ ‘cha chung không ai khóc’là thế. Cấp trên chỉ ngồi nghe báo cáo, mà đã là báo cáo thì phải tô vẽ trang điểm cho ngọt tai! Vì vậy, muốn tái cấu trúc thành công thì phải thay ngay lập tức những lãnh đạo DNNN đã làm nghèo đất nước, chứ không nhất thiết phải thay… công nhân như trước nay vẫn hay áp dụng!

Email canhkhanh2002@yahoo.com bổ sung: Thay con người nhưng vẫn ở trong ngôi nhà đó, công việc vẫn thế thì kết quả… vẫn vậy. Phải thay đổi cả cơ chế mới mong tái cấu trúc thành công.

Phan Thanh Lâm, email toaosan@tuoitre.com.vn quyết liệt: Một cách nữa là 'ông' nào lên mà bị phát hiện ‘ăn’ thì… xử bắn; làm thất thoát tài sản cho dù bất cứ lý do gì thì cũng xử bắn!

“Với đội ngũ nhân sự hiện nay của các DNNN thì mọi chính sách của nhà nước đều… bị bẻ cong. Chỉ cần xem các giám đốc DNNN sau khi nhận nhiệm vụ bao lâu thì mua thêm nhà, đất, xe, mở tài khoản lớn, cho con du học...để biết được họ có đáng tin hay không? Tái cấu trúc DNNN là tái cấu trúc nhân sự. Tuyển lãnh đạo mới không khó, miễn nhiệm lãnh đạo cũ cũng không khó nếu đặt lợi Quốc gia lên trên ‘lợi ích nhóm’ hay lợi ích cá nhân. Do công tác nhân sự được kiện toàn từ trên xuống dưới nên cách làm cũng phải bắt đầu từ trên, người ra quyết định bổ nhiệm cũng chính là người dũng cảm ra quyết định miễn nhiệm và tuyển dụng mới, người lãnh đạo mới phải chịu trách nhiệm về hệ thống nhân sự mình chọn. Để kiểm soát nhân sự mới không thể dựa vào quan điểm chủ quan của một hay vài cá nhân mà phải dành quyền này cho tập thể giám sát và đánh giá. Muốn vậy cần phải có chính sách công khai, minh bạch mọi hoạt động của doanh nghiệp”, đó là ý kiến của Nguyễn Đức Vinh, email vinhnd09@gmail.com.

Ban Bạn đọc