- Bố mẹ tôi kết hôn 28 năm, mẹ mất do một tai nạn giao thông không để lại di chúc gì. Nhưng tôi biết tâm niệm của mẹ từ trước đến giờ vẫn là muốn để lại toàn bộ tài sản cho tôi, tôi là con duy nhất của bố mẹ.
Chỉ có điều, khoảng 2 năm trước mẹ con tôi mới biết thời gian bố tôi vào Nam làm việc, bố có quen một cô và họ có con riêng với nhau. Tôi chỉ là con gái, còn con riêng của bố là con trai, năm nay 14 tuổi.
Mẹ tôi mất một năm thì bố có ý muốn đón mẹ con cô kia ra bắc sống. Tôi kịch liệt phản đối nhưng tôi nghĩ sớm muộn gì bố tôi cũng đón họ ra. Năm nay tôi 25 tuổi, nếu tôi muốn ra ngoài sống riêng, muốn lấy phần tài sản mẹ tôi để lại có được không? Người con riêng của bố sẽ được hưởng gì từ tài sản của bố mẹ tôi? Có được hưởng bằng với tôi không?
Thực sự tôi không muốn chia tài sản với bố, nhưng nếu bố đón họ ra sống cùng, tôi không thể sống chung với họ. Xin tư vấn giúp tôi. Thanh Ngân, Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Theo thông tin bạn cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Do mẹ bạn mất đi không để lại di chúc, nên theo quy định tại Điều 675 Bộ luật dân sự, tài sản của mẹ bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.
Cụ thể, tài sản đó sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự bao gồm: Bố mẹ đẻ (nếu còn sống), bố mẹ nuôi (nếu có), chồng, con đẻ, con nuôi (nếu có).
Con riêng của bố bạn không thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn nhưng nếu khi còn sống mẹ bạn có chăm sóc nuôi dưỡng như con đẻ thì theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự, người con riêng đó cũng được hưởng 1 phần di sản mẹ bạn để lại. Tuy nhiên, theo như bạn nói thì mẹ bạn không nuôi dưỡng, không chấp nhận con riêng của bố bạn nên người con đó không được chia tài sản do mẹ bạn để lại.
2. Để được nhận phần tài sản thừa kế của mẹ để lại, bạn và những người thừa kế khác sẽ phải cùng nhau thống nhất thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng.
Trường hợp những người thừa kế không thống nhất được việc phân chia di sản thừa kế, bạn có thể khởi kiện yêu cầu TAND có thẩm quyền giải quyết.
Tư vấn bới Luật sư: Hoàng Tuấn Anh. Công ty Luật TNHH Gia Phạm. Số điện thoại: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).