Nhà nước xem xét xác nhận thương binh, liệt sỹ cho những ngư dân không may bị xâm phạm đến tín mạng, sức khỏe bởi hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Đã hơn một tháng, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, không chỉ dừng lại ở việc hạ đặt giàn khoan và thăm dò dầu khí trái phép, Trung Quốc còn có những hành động hung hăng, ngang ngược, khiêu khích, thách thức và ngày càng leo thang ở biển Đông.

Vào lúc 16h ngày 26/5, 40 tàu của Trung Quốc đã bao vây, đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương-981, cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Rất may, các ngư dân trên tàu đã được cứu hộ an toàn.

Sự kiện này đã làm dư luận trong nước và quốc tế lên án gay gắt, hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa an ninh hàng hải, mà con đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của những ngư dân làm ăn lương thiện, trong đó có ngư dân Việt Nam. Ngày 10/6, trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng có kiến nghị nên xem xét xác nhận liệt sỹ cho ngư dân tử nạn trên biển.

Nhận thấy, đây là kiến nghị hết sức cần thiết và có căn cứ pháp lý. Cụm từ “Ngư dân bám biển, (góp phần) bảo vệ chủ quyền” đã trở thành câu phát biểu phổ biến của những người có trách nhiệm, trong đó có lãnh đạo nhà nước, chính phủ.

Gần đây nhất, tại Phiên họp thường kỳ tháng 5 có đề cập: “Chính phủ đã cân nhắc, tính toán cho ngư dân vay vốn để đóng tàu sắt với mức lãi suất ưu đãi khoảng 3% mỗi năm, thời hạn vay là 10 năm, ân hạn 1 năm và được thế chấp bởi chính thân tàu. Với việc đóng tàu sắt, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân sẽ hiệu quả và an toàn hơn, góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển.”.

{keywords}
Nhà nước xem xét xác nhận thương binh, liệt sỹ cho những ngư dân không may bị xâm phạm đến tín mạng, sức khỏe bởi hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc.

Điều đó khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo, mặc nhiên được xem như một nhiệm vụ của ngư dân bên cạnh ra khơi bám biển để làm kinh tế. Trong tình hình biển động hiện nay, việc ra khơi bám biển của ngư dân là nguy hiểm, tài sản và tính mạng của họ luôn bị đe dọa … Cá nhân tôi cho rằng, đó là một sự dũng cảm, một quyết tâm có chủ ý của bà con ngư dân, chứ không chỉ là truyền thống yêu nước hay vì mục đích kinh tế.

Hành động này có thể được xem là hành động dũng cảm theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Theo quy định tại khoản 11 điều 4 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh này thì hành động dũng cảm được hiểu là hành động thực hiện những công việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân mặc dù biết có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Cũng theo quy định của Pháp lệnh này, nếu cá nhân nào có hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân thì được Nhà nước xem xét xác nhận thương binh, liệt sỹ.

Thời gian gần đây, báo chí đưa tin, hàng loạt tàu cá Trung Quốc với khoảng 35-40 chiếc được sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh đã có biểu hiện manh động, đẩy ép tàu cá VN khi ngư dân VN đang khai thác ở ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan trái phép ra cách giàn khoan khoảng 38-40 hải lý. Trước lực lượng tàu Trung Quốc đông hơn, hung hăng, ngang ngược hơn nhưng tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân VN vẫn kiên cường đấu tranh, bảo vệ mình an toàn để thực hiện nhiệm vụ, đấu tranh phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc, cũng như khai thác hải sản trên ngư trường của mình.

Như vậy, ra khơi bám biển của ngư dân trong lúc này là nguy hiểm, bất chấp nguy hiểm để ra khơi rõ ràng là hành động dũng cảm, đáng được cổ vũ, ghi công.

Dù trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn chưa điều chỉnh cụ thể sự hi sinh của ngư dân trong trường hợp này, nhưng như đã phân tích, tôi trong tư cách một luật sư cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng Pháp lệnh này để Nhà nước xem xét xác nhận thương binh, liệt sỹ cho những ngư dân không may bị xâm phạm đến tín mạng, sức khỏe bởi hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng, TP Hồ Chí Minh