- Gia đình tôi chuẩn bị làm lễ thượng thọ cho ông cố. Cha tôi muốn nhà cửa vui vẻ, tạo không khí nên có dự định mua một ít pháo nhỏ về chơi dịp này. Tuy nhiên bà nội tôi ngăn lại vì cho rằng pháp luật đã cấm, nếu mua là phạm pháp. Xin luật sư cho biết pháp luật quy định cấm pháo ra sao? Cấm bắn những loại pháo thế nào?

{keywords}
Luật pháp cấm pháo như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 4 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghi cấm về quản lý và sử dụng pháo như sau:

“1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.”

Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định các loại pháo và sản phẩm pháo được sử dụng như sau:

“1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.”

Hành vi sử dụng pháo trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 1000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Ngoài ra hành vi đốt pháo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự (BLHS) và hướng dẫn tại phần II Thông tư Liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao với khung hình phạt đến 02 năm tù nếu:

“- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1 kg đến dưới 5kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

- Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”

Tư vấn bới Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc