- Tôi chỉ có một lời khuyên cho VN: hãy mở cửa! Tất nhiên, những nhóm hưởng lợi từ hệ thống hiện hành sẽ không bao giờ sẵn lòng mở cửa sân chơi của mình, cho nên cần đến vai trò của chính phủ - Cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, GS Ju-ho Lee góp ý.
>> Kỳ tích Hàn Quốc và giấc mơ người Việt
>> Đóng cửa trường nếu tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao
VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn với GS Ju-ho Lee
Chấp nhận từ bỏ quyền lực
Nhà báo Việt Lâm: Quay trở lại câu chuyện tự chủ đại học. Một trong những giải pháp quan trọng mà ông đã làm là để cho các trường tự tuyển chọn hiệu trưởng (president). Nói thật ban đầu khi mới nghe tôi cảm thấy khá ngạc nhiên vì rõ ràng quyền chỉ định hiệu trưởng đang nằm trong tay ông, là quyền lực, quyền uy của ông. Người ta vẫn nói rằng không ai dễ dàng và tự nguyện từ bỏ quyền lực cả. Vậy điều gì đã thúc đẩy ông làm vậy?
Gs Ju-ho Lee: Đây là một câu hỏi rất hay và đụng tới một vấn đề thực sự quan trọng. Thú thực thì chúng tôi đã từng tranh luận khá găng về điều này. Hầu hết mọi người đều đồng ý để Bộ chỉ định trực tiếp hiệu trường các trường đại học. Nhưng tôi không tin rằng đấy là một ý kiến hay nếu chúng ta muốn tuyển chọn được những nhà lãnh đạo giỏi cho các trường đại học. Để tìm được một lãnh đạo giỏi, các trường cần có một ủy ban tìm kiếm, để tìm ra người thích hợp nhất cho công việc đó. Thông qua tuyển lựa cạnh tranh, bạn có thể mời được người giỏi nhất. Và như thế cũng sẽ dễ dàng tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu vị hiệu trưởng đó làm việc không hiệu quả.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi tôi tuyên bố xóa bỏ việc chỉ định trực tiếp hiệu trưởng các trường đại học, cũng có không ít người hoài nghi rằng liệu có khi nào Bộ ngầm giới thiệu các ứng viên mà mình ưa chuộng hơn để làm hiệu trưởng hay không. Điều mà chúng tôi đã làm là thuyết phục mọi người ở các trường đại học là chúng tôi không bao giờ can thiệp vào quá trình lựa chọn lãnh đạo đại học. Tôi là bộ trưởng vào thời kỳ đó và tôi đã không bao giờ can thiệp vào tiến trình đó, để hệ thống mới không thể bị coi là trò làm màu.
Vậy tôi có thể hiểu triết lý cải cách của ông là nhà nước can thiệp ít đi và các trường đại học tự chủ nhiều hơn đúng không?
Đúng vậy. Tự chủ đến trước nhưng sau đó trách nhiệm giải trình phải đi cùng. Như tôi đã nói, công khai thông tin là một giải pháp gây sức ép để các trường hoạt động có trách nhiệm. Nếu anh không cung cấp được giáo dục có chất lượng để sinh viên có được công việc tương xứng khi tốt nghiệp, anh sẽ bị đóng cửa.
Như thế tức là tỉ lệ sinh viên có việc làm tốt sẽ là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của trường đại học?
Đúng vậy. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để đóng cửa các trường đại học yếu kém. Có thể đối với các đại học nghiên cứu sẽ đánh giá theo bộ tiêu chí khác. Nhưng nếu bạn thực sự muốn loại bỏ các trường chất lượng kém, tiêu chí này sẽ gây áp lực buộc các trường phải nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy để nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên.
Nhưng lúc nào tiến trình cải cách cũng có thể đối mặt với cản trở, chỉ trích và chống đối. Đó là những gì mà VN chúng tôi đã trải nghiệm. Theo kinh nghiệm của ông thì tiêu chí nào để đánh giá rằng cải cách đã đi đúng hướng để nghị trình cải cách không rơi vào tình cảnh đẽo cày giữa đường?
Tôi nghĩ rằng khía cạnh quan trọng của cải cách là sự cởi mở. Bởi lẽ, ở thời điểm này, cải cách có thể thành công nhưng cũng có thể bị đảo ngược vào thời điểm khác. Khi bạn mở cửa hệ thống, có thể bạn sẽ có thêm các nguồn lực từ bên ngoài để bạn luôn có áp lực thường trực phải cải cách. Có thể mở cửa một cách táo bạo chưa khả thi đối với VN. Vậy thì VN có thể chọn cách tiếp cận mở cửa dần dần để hệ thống giáo dục đại học của mình tiệm cận được với các chuẩn mực của thế giới.
Hãy để các trường tự thử nghiệm mô hình mới
Ông đã đề cập đến một bài học khá quan trọng. Cải cách là quá trình học hỏi và thích nghi, theo đó nền tảng là các giá trị văn hóa – xã hội cốt lõi của một quốc gia, nhưng đồng thời quốc gia đó cũng phải mở cửa để học hỏi những mô hình mới. Nhưng nhiều nhà quản lý ở VN có thể sẽ hỏi ông rằng: Đồng ý là có nhiều mô hình và kinh nghiệm hay nhưng làm sao chúng tôi có thể biết được giữa rất nhiều mô hình đó, cái nào sẽ phù hợp với hệ thống hiện hành của VN?
Một câu hỏi rất hay. Tôi muốn nói rằng, khi bạn lựa chọn cách tiếp cận theo kiểu áp từ trên xuống thì bạn không bao giờ có thể chắc chắn lựa chọn nào phù hợp với hệ thống giáo dục của VN. Nhưng nếu các bạn bắt đầu từ dưới lên, tức là các nhà quản lý để cho các trường đại học tự thử nghiệm theo cách riêng của họ, có thể cuối cùng các bạn mới tìm ra liệu cải cách có tương thích với hệ thống hay không.
Vậy thì từ kinh nghiệm của ông, nhân tố nào là mấu chốt đảm bảo cải cách giáo dục sẽ thành công?
Nhân tố quan trọng nhất là lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mạnh mẽ, chúng ta có thể thúc đẩy cải cách bởi vì cải cách giáo dục thường rất khó khăn.
Vì sao cải cách giáo dục lại khó hơn cả cải cách kinh tế vậy?
Ồ, vì nó mất nhiều thời gian hơn để đánh giá được có kết quả hay không. Hai là, nó đụng chạm đến nhiều người. Ví dụ như cải cách hệ thống tài chính có thể chỉ cần phải thay đổi một vài tham số. Nhưng cải cách giáo dục thì không. Nó đòi hỏi thời gian, một nghị trình nhất quán và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ.
Câu hỏi cuối cùng dành cho ông. VN cũng đang trong giai đoạn mà Hàn Quốc từng trải qua là bong bóng giáo dục, chất lượng giáo dục đại học không tương xứng với đầu tư. Theo ông, giải pháp nào khả thi nhất với trình độ phát triển hiện tại của VN
Người VN và Hàn Quốc đều có nhiệt huyết cháy bỏng với giáo dục và không tiếc tiền đầu tư cho con em mình học hành. Đây là lợi thế vô cùng lớn để VN có thể xây dựng một hệ thống giáo dục tốt. Tôi chỉ có một khuyến nghị cho VN: hãy mở cửa! Bởi giáo dục là một quá trình học hỏi và thích nghi cho nên bạn cần phải học từ những người khác. Tất nhiên, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, nhiều người không sẵn lòng mở cửa sân chơi của mình. Do đó, chính phủ phải gây sức ép buộc những người chơi chính mở cửa cho bên ngoài.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
-
VietNamNet