Ít nhất chúng ta đã có sự đồng thuận rằng dư địa của cuộc đổi mới 30 năm qua đã kịch trần. Không còn đường nào khác ngoài việc phải thay đổi để đột phá qua cái trần để bước sang không gian phát triển mới. Giờ là lúc phải hành động và hành động nhanh lên!

"Đừng phủ nhận sạch trơn những gì VN làm được"!

Tiếng nói lẻ loi và nỗi sốt ruột của bộ trưởng

VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ và TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Khó có được Viettel thứ hai

Nhà báo Việt Lâm: Quay trở lại chủ đề tái cơ cấu kinh tế. Một trong bốn trọng tâm của chương trình tái cơ cấu là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Năm qua, một trong những điểm sáng được nhắc đến nhiều là cổ phần hoá được một số tập đoàn, tổng công ty lớn như Vinaphone, Mobiphone. Theo ông Nguyễn Đình Cung, cổ phần hoá DNNN đã đủ để tái cơ cấu DNNN thành công hay chưa?

TS Nguyễn Đình Cung: Thực ra, QĐ 39 của Thủ tướng về tái cơ cấu DNNN có 4 nội dung: Thứ nhất, áp đặt nguyên tắc thị trường và kỷ cương nhà nước vào hoạt động của DNNN.

Điều này có nghĩa là DNNN phải hoạt động hoàn toàn bình đẳng theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và chịu sự thưởng phạt theo thị trường. Đây là điểm đầu tiên và quan trọng nhất để thay đổi động lực và cách thức ứng xử của doanh nghiệp nói chung và người quản lý nói riêng, từ đó dẫn đến thay đổi phân bổ nguồn lực. Sức ép của thị trường sẽ buộc DN thay đổi để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ hai, thay đổi mô hình quản trị, áp dụng nguyên tắc và công cụ quản trị hiện đại (hiện đại ở đây theo nguyên tắc OECD) để từ đó khi thị trường vận hành thì các động lực bên trong phản ứng lại theo thị trường.

Thứ ba mới là cổ phần hóa, thứ tư là thoái vốn. Trong thời gian vừa rồi, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến cổ phần hóa và thoái vốn với hy vọng cổ phần hóa và thoái vốn có thể áp đặt thị trường và thay đổi quản trị. Nếu như, nhà nước rút hoàn toàn hoặc rút đa số, để những yếu tố tư nhân vào, từ đó chuyển môi trường hoạt động sang cạnh tranh của doanh nghiệp và thay đổi cách thức quản trị, đó là thay đổi về chất của cổ phần hóa.

Rõ ràng, đến nay chúng ta mới đạt được thay đổi về số lượng, còn chất lượng cổ phần hoá chưa đạt yêu cầu. Đúng là khi chuyển sang công ty cổ phần có thay đổi nhất định về quản trị nhưng chưa phải là thay đổi căn bản. Mà vì chưa thay đổi một cách căn bản nên rất khó huy động được nguồn vốn hay những nhân tố bên ngoài vào DNNN.

Vấn đề này khó ở chỗ không trách ai được. DNNN là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Bởi vậy, chỉ khi thay đổi được vai trò, chức năng của nhà nước, từ đó thay đổi vai trò, chức năng của DNNN thì mới có thể thực hiện một cách tổng thể và toàn diện tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa.

TS Lưu Bích Hồ: Phải nói thẳng là các ông quản trị DNNN lâu nay quen lối làm ăn cũ rồi, không biết cách quản trị hiện đại là như thế nào. Tôi nghĩ còn phải mất công bồi dưỡng, đào tạo bộ máy những người đứng đầu DNNN.

TS Nguyễn Đình Cung: Khi đã áp dụng khuôn khổ nguyên tắc quản trị hiện đại thì đương nhiên anh phải chấp nhận quy luật đào thải. Dưới áp lực của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì những người không đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí và không hoàn thành mục tiêu mà chủ sở hữu đặt ra đương nhiên họ sẽ bị sa thải và những con người mới sẽ thay thế chứ không phải đi đào tạo những con người đó.

Việt Lâm: Trên thực tế, mình cũng có một số các mẫu hình cụ thể mà tập đoàn nhà nước có khả năng đổi mới, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh và thu hút người tài như Viettel. Tại sao một tập đoàn nhà nước như Viettel làm được mà những tập đoàn nhà nước khác không làm được?

TS Lưu Bích Hồ: Qua báo cáo của Tổng Giám đốc Viettel trong một dịp hội thảo, tôi thấy họ có rất nhiều yếu tố mà các tập đoàn khác không có. Trước hết, người đứng đầu và bộ máy lãnh đạo ấy phải có kiến thức, có hiểu biết về quản trị. Hai là, họ chọn lựa cán bộ nhân viên cực kỳ chặt chẽ. Ba là kỷ luật làm việc. Họ xuất than từ quân đội nên nề nếp về kỷ luật làm việc rất nghiêm. Yếu tố quan trọng nữa là họ dám ra đại dương, họ dám ra nước ngoài đầu tư, thu hút bên ngoài, cạnh tranh quyết liệt với VNPT.

Cũng có người nói vì Viettel thuộc quân đội nên có tiềm lực lớn. Tôi không nghĩ là quân đội o bế gì họ mà ngược lại chính họ đã đóng góp cho quân đội rất nhiều. Những mô hình như vậy lại không tổng kết và tìm cách nhân rộng ra.

TS Nguyễn Đình Cung: Khả năng nhân rộng thực ra là khó. Trước hết, theo quan sát của tôi, Viettel đến sau trên thị trường dịch vụ bưu chính viễn thông và anh muốn vượt lên trong 2 ông khổng lồ thì ông phải thay đổi về chiến lược, về công nghệ,.. Áp lực cạnh tranh buộc người ta phải thiết kế cách thức quản lý nội bộ hoàn toàn tương thích như là những công ty khác xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu, như thế nó tạo ra kết dính trong nội bộ công ty.

Thứ hai, về mặt quản lý nhà nước, trên Viettel chỉ có một Bộ Quốc phòng, không có nhiều đầu mối như các tập đoàn khác. Trên họ chỉ có một cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu, nên một người làm một người chịu trách nhiệm. Đó là những yếu tố căn bản của quản trị hiện đại. Đối với các tập đoàn khác, vì ở trên đầu họ có nhiều cha nhiều mẹ quá nên quản lý chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn về mục tiêu. Khi anh mâu thuẫn về mục tiêu thì ở giữa hành động làm sao được.

{keywords}
TS Lưu Bích Hồ và TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một cổ mấy tròng

TS Lưu Bích Hồ: Bây giờ đang có quan điểm bỏ bộ chủ quản, địa phương chủ quản đi. Anh Cung nghĩ sao?

TS Nguyễn Đình Cung: Vấn đề ở đây không phải là bỏ bộ chủ quản. Đó là cách nói hoàn toàn sai. Một người bỏ vốn đầu tư không bao giờ từ bỏ quyền sở hữu của mình. Ngược lại, họ phải thực hiện bằng được, có hiệu quả, hiệu lực quyền chủ sở hữu của mình mới đúng. Yêu cầu đầu tiên của khung quản trị hiện đại là thực hiện được hiệu lực, hiệu quả quyền chủ sở hữu của mình. Quyền của mình như thế nào thì phải thực hiện cho đầy đủ.

Theo nguyên tắc quản trị thì chỉ một chủ sở hữu, một cơ quan thực hiện chuyên trách độc lập, chứ không phải phân cho vài ba, thậm chí 5-7 bộ như hiện nay. Ví dụ nếu giao Bộ Công thương thì chỉ duy nhất bộ này thực hiện tất cả các quyền của chủ sở hữu, chứ không phải là chia sẻ cho Bộ Tài chính một ít, Bộ Kế hoạch đầu tư một ít, Bộ Nội vụ một ít…Trên cơ sở đó, vì là sở hữu toàn dân nên thiết kế một thiết chế giám sát sự sở hữu đó.

Việt Lâm: Nghe vậy tôi lại thấy thông cảm phần nào cho các tập đoàn nhà nước. Lâu nay, họ bị dư luận chỉ trích vì hoạt động kém hiệu quả nhưng chính họ cũng chịu một cổ mấy tròng.

TS Nguyễn Đình Cung: Những người có năng lực thì rất khó chịu trong một thể chế như vậy. Họ bị hạn chế rất nhiều thứ. Ngoài ra, họ không được trả lương tương xứng.

Việt Lâm: Tôi nhớ đã từng có nhiều thử nghiệm cải cách như quy đầu mối quản lý phần vốn nhà nước trong các tập đoàn về một tổng công ty SCIC do Bộ Tài chính quản, hay cho phép các tập đoàn được thuê Tổng Giám đốc nước ngoài, trả lương theo cơ chế thị trường. Tại sao các thí nghiệm cải cách này lại không đi đến nơi?

TS Nguyễn Đình Cung: Vấn đề là chúng ta toàn triển khai theo kiểu manh mún. Muốn CEO làm việc hiệu quả thì phải thay đổi bảy, tám nhân tố khác chứ có phải chỉ thuê được họ về là xong đâu. CEO của DN tư nhân hoạt động hiệu quả vì họ có toàn quyền quyết định. Tất nhiên là DN vẫn có cơ chế giám sát, nếu ông quyết sai thì thổi còi ngay lập tức. Nhưng trong phạm vi quyền hạn thì CEO được tự do hành động. Đằng này, đi một bước phải hỏi một bước, đụng một việc là phải xin ý kiến, mà cũng không biết xin ý kiến ai, thì đối với những CEO quen làm việc trong môi trường quốc tế họ không thể thích ứng được. Cho nên, thể chế như thế nó đẩy người ta ra một cách tự nhiên.

Áp lực thay đổi

Việt Lâm: Nếu nhìn vào lịch sử trong những thời khắc quan trọng, Đảng và nhà nước đã thực hiện được những cải cách thực tiễn, táo bạo để vượt qua khó khăn. Chẳng hạn, năm 1986 khi bị dồn vào chân tường, chúng ta thực hiện được cuộc đổi mới lần thứ nhất. Hay đến năm 1999, trước cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á, chúng ta ra được luật doanh nghiệp, khai phóng cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo quan sát của hai vị khách mời, liệu bây giờ chúng ta có thể lạc quan rằng một lần nữa chúng ta sẽ có đủ ý chí để chuyển lời nói thành hành động và vượt lên lần nữa hay không?

TS Lưu Bích Hồ: Dân tộc mình có một đặc điểm là bình thường thì khó bật lên, nhưng đến khi gặp khó khăn lại bật lên được, không chịu lùi bước. Chúng ta đã bật lên được với cuộc đổi mới lần thứ nhất. 30 năm đã qua, chúng ta đã trải qua nhiều, thấm thía đủ rồi, những cản trở, cơ hội cũng thấy hết rồi. Tôi tin và tôi có hy vọng chúng ta sẽ bật lên được vì tình hình kinh tế - xã hội hiện tại không cho phép chúng ta dừng lại.

Hai là, chúng ta đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và chuẩn bị hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Đây đều là những cam kết hội nhập ở đẳng cấp cao. Áp lực hội nhập buộc chúng ta không thể không cải cách.

Ba là, tôi kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ sắp tới sẽ đủ bản lĩnh để khởi xướng đổi mới trước yêu cầu bức xúc phải tiếp tục cải cách như hiện nay.
Cả đời tôi làm chiến lược và tôi luôn nghĩ rằng phải có niềm tin chiến lược ở dân tộc, ở Đảng và nhà nước mình. Không thể khác được, phải đi lên. Muốn như thế thì phải hành động thôi. Cả bộ máy phải xoay chuyển, từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp. Nhiều người kêu khó thay đổi lắm nhưng tôi tin cuộc sống sẽ đẩy chúng ta phải thay đổi.

{keywords}
TS Lưu Bích Hồ. Ảnh: Lê Anh Dũng

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi nghĩ có mấy yếu tố để tin tưởng.

Thứ nhất là nhu cầu nội tại bên trong thúc đẩy đổi mới. Thời gian qua, chúng ta đã thảo luận và càng ngày càng sáng tỏ dần trên nhiều vấn đề. Ít nhất chúng ta đã có sự đồng thuận rằng dư địa của cuộc đổi mới 30 năm qua đã kịch trần và đã đến lúc chúng ta phải thay đổi để đột phá qua cái trần và bước sang không gian phát triển mới.

Nhu cầu bên ngoài thì áp lực của các hiệp định thương mại tự do đã cận kề. Những hiệp định đó thực chất là những thể chế kinh tế mới, chứ không giống các hiệp định trước đó chỉ là buôn bán hàng hoá, dịch vụ. Muốn tiếp nhận và tận dụng được những cơ hội từ những hiệp định đó thì chúng ta phải cải cách thể chế bên trong tương xứng. Ngược lại, nếu không thay đổi tương xứng thì không những không tận dụng nổi cơ hội mà nguy cơ lại xuất hiện thêm.

Ai cũng thấy thời điểm đổi mới đã đến. Tuy nhiên, còn khác biệt trong nhận thức về tốc độ và sự đồng bộ của đổi mới. Tôi thấy bên chính phủ hiểu rất rõ, ngành lập pháp cũng ở mức độ nhất định nhưng tư pháp còn chậm.

TS Lưu Bích Hồ: Cũng phải nói thêm là những thông điệp của Chính phủ đã rất mạnh mẽ rồi. Tôi chỉ xin nhấn mạnh: giờ đã đến lúc phải hành động và hành động nhanh lên!

Xin cảm ơn hai vị khách mời!

  • VietNamNet