Về bảo vệ môi trường, Việt Nam xếp thứ 98 trong 137 nền kinh tế, trong đó chất lượng không khí xếp 123. Tức là VN chưa là một nước công nghiệp hóa mà đã ô nhiễm dữ lắm rồi – TS Lê Đăng Doanh.

Xem thêm chuyên mục Bàn tròn trực tuyến

VietNamNet giới thiệu kỳ 1 bàn tròn “Giá nào cho việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng?” với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, thành viên UB Chính sách phát triển của LHQ và ThS. Lê Quang Bình (ĐH Princeton), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường, hiện là Chủ tịch nhóm làm việc “Vì sự tham gia của người dân”.

Mời bạn đọc theo dõi Bàn tròn trực tuyến tại clip dưới đây:

Chưa có công cụ trừng phạt kẻ gây ô nhiễm

Nhà báo Phạm Huyền: Các khách mời nghĩ thế nào về câu chuyện đang gây ồn ào dư luận và chưa có một lời giải đáp nào thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đó là vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung?

TS. Lê Đăng Doanh: Trước hết, sự cố về môi trường ở miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là một sự cố hết sức nghiêm trọng và sự cố đó sẽ còn tác hại lâu dài. Không những là cá chết mà còn có những sinh vật khác ở biển, ở các tầng sâu hơn, tác động đến cân bằng của các sinh vật. Và sự cố này cũng sẽ tác động đến đời sống của người dân ở đó.

Đương nhiên, thời điểm này, vẫn chưa có bằng chứng và cũng chưa có cơ quan chức năng nào kết luận việc cá chết là do đường ống xả thải của Formosa. Nhưng rõ ràng trong câu chuyện này chứa đựng nhiều bất ổn cần phải được nhìn nhận thấu đáo và rút ra bài học đau đớn.

Cần phải nhấn mạnh rằng ở đây, sự giám sát của cơ quan nhà nước đã hầu như không có. Trung tâm quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh không có đo đạc độc lập, mà lại nhận số liệu từ trung tâm quan trắc môi trường của nhà máy Formosa.

Trong khi đó, trên thế giới hiện nay, chúng ta đã có công nghệ gọi là "internet of machines to machines" (kết nối với máy với nhau qua internet), tức là những trang thiết bị lắp vào các nơi để đo đạc không khí, nhiệt độ, đo đạc môi trường, chất thải và sau đó, dữ liệu được tự động đăng tải lên các mạng xã hội. Đó là kết nối tự động giữa máy với máy, không cần có người.

{keywords}
Cá chết hàng loạt ở biền miền Trung diễn ra trong tháng 4/2016 (ảnh: Vietnamnet)

Thế thì câu hỏi là, tại sao sự giám sát của Nhà nước lại có thể để buông lỏng đến như vậy? Chúng ta đều biết là nhà máy thép là một trong những công nghiệp gây ra ô nhiễm rất lớn. Vậy mà chúng ta lại trao cho họ cái quyền đo đạc và cung cấp số liệu cho ta. Nếu họ không cung cấp thì ta cũng không biết gì cả hay sao? Báo chí đưa thông tin Formosa đã nhập về hàng trăm tấn hoá chất và Formosa cũng đã thừa nhận dùng hoá chất để tẩy rửa đường ống. Vậy tại sao chúng ta không nắm được ngay từ đầu mà sự việc xảy ra rồi mới hay?

Và điểm cuối cùng, vai trò của người dân ở đây hầu như không có. Tức là, khi bộ máy Nhà nước không phát hiện được thì người dân thấy rằng cá chết như vậy, cần phải có tổ chức để lên tiếng. Tôi thử đặt câu hỏi, nếu thế, các tổ chức quần chúng của mình ở đâu? Là thanh niên, phụ nữ, công đoàn, hội cựu chiến binh rồi thì hội bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hội bảo vệ người tiêu dùng. Tôi không thấy sự có mặt của tổ chức nào ở đây trong vụ việc này.

Trong kinh tế học, người ta đã phát hiện ra nghịch lý mất cân đối, đó là cái kẻ gây ra ô nhiễm thì được lợi, còn những tác động của ô nhiễm thì toàn xã hội gánh chịu. Nhưng kinh tế học chưa có công cụ để trừng phạt và ngăn chặn hành vi gây ra ô nhiễm và cũng chưa có cơ chế để đền bù cho những người dân bị hại về ô nhiễm và cũng chưa đo đạc được một cách chính xác. Đấy là một điều rất bất hợp lý.

Công lý môi trường

ThS. Lê Quang Bình: Tôi muốn bổ sung về nhận định của TS. Lê Đăng Doanh rằng dường như trong phát triển kinh tế hiện nay, người gây ra ô nhiễm thì được lợi về kinh tế, còn người không được lợi về kinh tế ấy thì lại gánh chịu hậu quả rất là lớn.

Thực ra, trên thế giới, người ta có một lý thuyết gọi là công lý môi trường, có nghĩa rằng, làm sao khi triển khai một dự án đầu tư phát triển, những người liên quan không chỉ chia sẻ về mặt lợi ích kinh tế mà quan trọng là làm sao để họ cũng chia sẻ chi phí môi trường một cách công bằng.

{keywords}
ThS Lê Quang Bình và TS Lê Đăng Doanh tham dự bàn tròn (ảnh: Lê Anh Dũng)

Để làm được điều này, sự tham gia của các bên liên quan rất quan trọng. Giả sử trong trường hợp ô nhiễm ở miền Trung, thực sự những người thiệt hại lớn nhất là những ngư dân, những người nuôi cá bè, rồi những nhóm mưu sinh dựa vào du lịch chẳng hạn. Có lẽ, những người nuôi cá bè ở Quảng Bình, Quảng Trị, thậm chí ở Thừa Thiên-Huế đã không thể tưởng tượng được một ngày nào đó, một dự án công nghiệp ở tận Hà Tĩnh có thể ảnh hưởng đến họ như vậy.

Do đó, trong quá trình thẩm định một dự án đầu tư như vậy, tất cả các bên liên quan đều phải có tiếng nói. Một trong những khía cạnh rất quan trọng là tham gia giám sát đặc biệt nguồn nước thải. Như ông Doanh có nói, việc giám sát đó phải đảm bảo độc lập và khách quan.

"Chưa công nghiệp hoá, đã ô nhiễm dữ lắm rồi"

Nhà báo Phạm Huyền: Theo luật thì các dự án đầu tư trước khi được cấp phép đều phải trải qua khâu đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội. Nhưng vì sao, trên thực tế vẫn xảy ra những vụ việc như Vedan đầu độc sông Thị Vải, và giờ là nghi án Formosa?

TS. Lê Đăng Doanh: Các tác động môi trường cho đến nay, về mặt lý thuyết là có trong hồ sơ đầu tư. Phải nói là, việc giám sát và thẩm định một dự án như vậy về môi trường đòi hỏi phải có tổ chức có tính chất chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, có trách nhiệm cao với người dân.

Rõ ràng cho đến nay, mặc dù đã có tiếng nói nhưng việc xem xét và giám sát ngay cả của Quốc hội, theo tôi là chưa đầy đủ.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, hiện nay, phát triển bền vững được xem là phải bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hãy xem cái giá về môi trường mà Trung Quốc phải đánh đổi để lấy tăng trưởng kinh tế cao như thế nào. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thiệt hại môi trường hiện tại của TQ là âm 6,5% GDP. Ở đây, họ tính tác động về giao thông, ô nhiễm môi trường làm cho không khí ô nhiễm, hạn chế tầm nhìn, không di chuyển được, máy bay không cất cánh được, không hạ cánh được, ô tô không đi nhanh được, tai nạn tăng lên nhiều, chi phí giao thông tăng lên. Tác động ô nhiễm môi trường gây ra ăn mòn cầu đường, máy móc, xe cộ, đường xá bị ô nhiễm, hủy hoại cho nên, hệ số hao mòn của các tài sản cố định, nhà cửa cho đến hấm mỏ, máy móc, cầu đường tăng lên.

{keywords}
TS Lê Đăng Doanh: (ảnh: Lê Anh Dũng)

Điểm nữa là sức khỏe, số người ốm tăng lên, số ngày nghỉ tăng lên, chi phí y tế tăng lên, tất cả các yếu tố đó được quy ra tương đương -6,5% GDP. Trung Quốc bây giờ đang phải đối mặt và phải trả một cái chi phí rất đắt và chưa biết đến bao giờ mới hồi phục được và trở thành nền kinh tế phát triển bền vững. Đấy là tấm gương cho chúng ta.

Cho nên, trong chính sách, chiến lược, trên giấy tờ, chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh chúng ta phát triển bền vững, đảm bảo một môi trường sạch đẹp và kiểm soát được ô nhiễm môi trường nhưng trong thực tế, xếp hạng bảo vệ môi trường của chúng ta xếp thứ 98 trong 137 nền kinh tế, chất lượng không khí của chúng ta xếp 123. Tức là VN chưa là một nước công nghiệp hóa mà đã ô nhiễm dữ lắm rồi.

Chỉ cần xem xét vài ví dụ cụ thể, như làng nghề chẳng hạn, chúng ta đều thấy môi trường ở đó bị tàn phá như thế nào. Dân ở các làng đúc đồng, chế biến pin, thu gom rác thải, sản xuất đồ nhựa có thể giàu lên nhanh, nhưng tỉ lệ ung thư, trẻ em ốm bệnh phải nghỉ học cũng tăng cao không kém.

Bởi vậy, nhân dịp này, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nên đặt vấn đề môi trường và phát triển bền vững một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Đưa trọng số môi trường vào đánh giá thành tích địa phương

Đó là cái giá không thể chấp nhận được.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là một bài toán lựa chọn rất hóc búa cho VN. VN vẫn đang là nước thu nhập trung bình thấp, nên nhu cầu thu hút đầu tư, nhu cầu tăng trưởng rất lớn. Và các dự án đầu tư vào công nghiệp nặng, công nghiệp gây ô nhiễm như lọc dầu, gang thép lại tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách địa phương. 

Từ góc độ là nhà quản lý kinh tế, ông nghĩ thế nào về sự lựa chọn này?

TS. Lê Đăng Doanh: Tôi xin nhấn mạnh, về mặt câu chữ lúc nào cũng đúng đắn nhưng khoảng cách từ văn bản đến hành động là quá xa. Trong trường hợp này, trách nhiệm của cơ quan thực thi và trách nhiệm của cơ quan giám sát là rất lớn.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thừng từ chối một dự án đầu tư công nghiệp dệt ở Đà Nẵng, bởi dệt sẽ dẫn đến nhuộm và gây ô nhiễm. Thế nhưng sau đó, có ngay một địa phương khác đã hứng lấy dự án này, địa phương đó đã hạ thấp tiêu chuẩn về môi trường và hệ quả là, bây giờ, dự án dệt, nhuộm này đang gây ra ô nhiễm. Nó ô nhiễm không chỉ ở tỉnh ấy mà lan sang các tỉnh xung quanh, ô nhiễm cả một dòng sông. Vì vậy, việc giám sát về môi trường phải là việc làm hết sức nghiêm túc.

Tôi nghĩ trọng số về bền vững môi trường, bền vững kinh tế phải được xem xét, bổ sung. Trong khi đánh giá, xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của các tỉnh, trọng số của GDP phải giảm xuống, đảm bảo cân bằng. Một địa phương như một nền kinh tế phải giảm bớt sự rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm duy nhất và sản phẩm đó lại gây ô nhiễm.

Chúng ta có thể xem lại, hiện nay nền công nghiệp của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào những ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm, ví dụ như công nghiệp khai khoáng.

Chúng ta cần phải xác định lại trọng số của từng chỉ số và việc đánh giá các trọng số đó phải được xem xét toàn diện, đầy đủ. Nếu như địa phương nào chỉ quá coi trọng việc tăng trưởng GDP thì thành tích của địa phương đó cũng không được coi trọng vì gây ảnh hưởng tới môi trường các tỉnh khác.

Ví dụ bây giờ toàn bộ dòng sông Cầu của chúng ta bị ô nhiễm chưa giải quyết được hay Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, bây giờ, chất lượng nước sông Thị Vải thế nào thì chúng ta cần phải xem xét.

Về mặt xã hội, cũng phải bảo đảm sự phát triển hài hòa lợi ích tránh gây ra có những nhóm thiệt thòi và có những nhóm được lợi ích quá đáng, chênh lệch giàu nghèo.

Nếu như cả ba nhóm không đáp ứng đầy đủ thì Liên Hợp Quốc cũng không công nhận anh là nền kinh tế phát triển thoát khỏi tình trạng chậm phát triển và kém phát triển, đấy là kiến nghị mà Uỷ ban chính sách đã kiến nghị lên và Đại hội đồng một lần nữa đã khẳng định lại các kiến nghị đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông Lê Quang Bình nghĩ sao khi có sự lựa chọn như thế này: tại các vùng biển gắn liền với nghề cá hay, các vùng nông thôn gắn liền với nông nghiệp thì thông thường, đời sống của người dân ở vùng đó thường là nghèo. Nếu như có dự án to, hàng tỉ USD đến và đôi khi mang đến cho người dân vùng miền đó một hy vọng đổi đời, và nếu ông là người dân vùng đó ông sẽ lựa chọn như thế nào?

{keywords}
ThS Lê Quang Bình (ảnh: Lê Anh Dũng)

ThS Lê Quang Bình: Tôi nghĩ đến một bài toán cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mình và nó cũng đúng cho các tỉnh ở Việt Nam. Bài toán ấy là làm sao để nâng cao đời sống kinh tế của người dân, phúc lợi của người dân, làm sao vẫn bảo vệ được môi trường, bảo tồn được văn hóa. Bài toán đó không dễ giải. Nếu dễ, chắc chúng ta không có những buổi thảo luận như thế này.

Thứ hai, quá trình ra quyết định rất quan trọng. Quyết định của bất cứ ai đó, của lãnh đạo hay của người dân có xuất phát từ việc tiếp nhận được đầy đủ thông tin hay không?

Nếu chỉ nhìn một phía, rằng sắp có dự án tỉ USD về tỉnh mình, thường mọi người sẽ bắt đầu tưởng tượng ra nhiều thứ như ngân sách sẽ tăng thêm bao nhiêu, công ăn việc làm là bao nhiêu. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần của câu chuyện. Còn phía ít ai nhìn thấy là cái giá có thể phải trả.

Nếu tất cả những điều đó đó được xem xét cẩn trọng, công khai, minh bạch, có sự tham gia của nhiều trí thức, chuyên gia khác nhau không chỉ kinh tế, môi trường, xã hội, văn hóa chẳng hạn thì các quyết định đó sẽ được cân bằng và đầy đủ thông tin hơn.

Như vậy quay lại câu hỏi: cái gì là quan trọng với đất nước này, cái gì là quan trọng với tỉnh, với dân cư thì phải được bàn thấu đáo. Tôi thì tôi nghĩ là những vụ như vụ ô nhiễm của miền Trung thì chắc chắn là không ai mong muốn nhưng nó là cơ hội để chúng ta thảo luận, xã hội tham gia vào thảo luận và mấy ngày hôm nay rất nhiều người tham gia thảo luận.

Những câu hỏi như chị là nhiều người đặt ra, liệu việc chúng ta đang theo đuổi GDP này có ổn hay không chẳng hạn, liệu có phải con đường duy nhất chúng ta phát triển hay không hay là còn một con đường khác?

Và khi đó, tất cả trí tuệ của xã hội sẽ được tập trung lại để làm sao chúng ta tìm ra được lời giải hợp lý nhất. Điều đó vẫn quay lại là Chính phủ, Quốc hội phải xem lại tiêu chí đánh giá thế nào là ông chủ tịch tốt, thế nào là ông bí thư tốt chẳng hạn để làm sao người ta hướng đến điều đó, không phải chỉ là GDP nữa mà là bảo vệ môi trường, văn hóa.

Tất cả điều đó phải được mang ra thảo luận. Và nếu chúng ta vẫn theo mô hình phát triển 10 năm qua thì chắc chắn nó sẽ đến điểm đổ vỡ, đổ vỡ kinh tế vì không bền vững, đổ vỡ cả môi trường, xã hội. Và lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy mà không những nhà đầu tư ra đi mà chúng ta phải đối mặt với tất cả những vấn đề mà chúng ta tự tạo ra cho bản thân.

VietNamNet

(còn nữa)

Tin liên quan