- Tìm cơ hội việc làm trong ASEAN, người lao động Việt Nam với ưu điểm siêng năng, cần cù thì chưa đủ. Nhưng hạn chế như tính kỷ luật kém, ứng xử thiếu chuyên nghiệp, ngoại ngữ yếu cần được khắc phục.
50 năm qua, ASEAN – Cộng đồng các nước Đông Nam Á đã trở thành một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. Và đóng góp vào sự thành công đó, không chỉ là những hợp tác về mặt chính trị, kinh tế, an ninh mà còn là những hợp tác gắn kết quan trọng trong lĩnh vực văn hóa xã hội.
Một ASEAN thực sự vì người dân và lấy người dân làm trung tâm, đó là mục tiêu cốt lõi nhất của kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, một trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN. Nói đến những cam kết của Cộng đồng ASEAN ở trụ cột này, phải nói đến cam kết về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng đến con người với những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, đến năng suất lao động và quan trọng hơn đó là cơ hội việc làm.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, VietNamNet tổ chức Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng văn hóa xã hội, cơ hội việc làm trong ASEAN”. Bàn tròn có sự tham gia của hai khách mời:
- Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Mời bạn đọc theo dõi bàn tròn phần I tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Có lẽ đầu tiên chúng ta cần một cái nhìn toàn cảnh về tác động của trụ cột văn hóa xã hội tới lĩnh vực lao động việc làm. Thưa ông Đỗ Văn Giang, ông có cảm nhận như thế nào về những thay đổi trong lĩnh vực lao động việc làm ở Việt Nam kể từ khi trụ cột văn hóa xã hội được xây dựng?
Ông Đỗ Văn Giang: Tôi nghĩ rằng, trụ cột văn hóa xã hội của ASEAN được thành lập đã dẫn tới những tác động chung đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nói riêng, hay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở giai đoạn hiện nay. Nó tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
Cơ hội ở đây là lao động Việt Nam có cơ hội kiếm việc làm nhiều hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn, được học tập trao đổi kinh nghiệm hoặc tiếp cận công nghệ của các nước phát triển hơn mình trong khu vực và còn rất nhiều cơ hội khác nữa.
Nhưng đi kèm với các cơ hội đó, chúng ta cũng có thách thức lớn trong việc chuyển mình của chính các lực lượng lao động đã được đào tạo hoặc đang được đào tạo hoặc chưa qua đào tạo. Bản thân người lao động Việt Nam cũng sẽ gặp phải những điểm vướng mắc khó khăn.
Ví dụ, đó là vấn đề nhận thức của mỗi người lao động trước sự thay đổi hay trước sự hội nhập này, là những hiểu biết về pháp luật cũng như an ninh chính trị xã hội giữa các quốc gia. Điểm này đang là một hạn chế đối với người lao động Việt Nam. Thứ nữa là năng lực ngoại ngữ của lao động Việt Nam trong tình hình hội nhập còn rất thấp so với các nước trong khu vực, rồi khả năng làm việc nhóm, sự hợp tác tương tác v.v…. Đó là chưa nói về góc độ chuyên môn tức là kỹ năng nghề như thế nào có đáp ứng được những vị trí việc làm trước thời cơ và trước thách thức lớn như vậy không?
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH |
Tôi cho rằng, đây là câu hỏi rất đúng trong tình hình chúng ta đang chuẩn bị có sự tổng kết về kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN.
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng cơ hội thì rộng mở nhưng thách thức thì phải nói là vẫn còn rất lớn. Vậy vấn đề này diễn ra như thế nào đối với lao động trong lĩnh vực du lịch? Xin ông Cường có thể cho biết ý kiến của mình?
Ông Trần Phú Cường: Tôi nghĩ việc hình thành cộng đồng ASEAN trước tiên là cộng đồng kinh tế, rồi cộng đồng văn hóa xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho tất cả các nước ASEAN.
Như chúng ta đã biết, dân số của khu vực này vào khoảng 600 triệu người, trong số đó có khoảng 300 triệu người trong độ tuổi lao động. Điều đó cho thấy rằng đây là một thị trường lao động có tiềm năng rất lớn.
Trong khi ngành du lịch của chúng tôi hiện nay theo số liệu là khoảng 2,25 triệu lao động, trong đó 750 nghìn người là lao động trực tiếp. Số lượng này đóng góp trong khoảng 29 triệu lao động du lịch trong toàn khối ASEAN. Như vậy có thể thấy rằng chúng ta sẽ có một thị trường lao động rộng mở hơn, tức là người lao động du lịch ở Việt Nam có nhiều cơ hội để làm tại các nước trong khu vực ASEAN.
Tôi thấy rằng khi chúng ta chính thức hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015 đến nay, nhận thức của lao động du lịch Việt Nam về những thuận lợi, những thách thức khi gia nhập thị trường lao động chung cộng đã có bước biến chuyển rõ rệt hơn.
Trước đây, rất nhiều doanh nghiệp cũng hiểu sẽ có những cơ hội và thách thức nhưng họ chưa thực sự hiểu sâu về vấn đề này và đặc biệt là người lao động. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng người lao động cũng cần có nhận thức hoàn chỉnh hơn nữa về những cơ hội và thách thức đối với chính mình trong việc tham gia vào thị trường lao động chung trong ASEAN.
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL |
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa ông, rõ ràng ở lĩnh vực du lịch cũng có đặc thù nhưng cũng là lợi thế hơn so với ngành nghề khác. ASEAN đưa ra 8 lĩnh vực lao động được phép tự do lưu chuyển. Trong đó có từ y, bác sĩ cho đến kiến trúc sư rồi kỹ sư, vậy với lao động trong du lịch, họ sẽ có lợi thế nào hơn trong vấn đề tự do lưu chuyển so với 7 ngành nghề còn lại?
Ông Trần Phú Cường: Tôi nghĩ, cũng như 7 ngành nghề còn lại, du lịch là một lĩnh vực được các nước ký công nhận trình độ lẫn nhau trong ASEAN mà chúng ta vẫn gọi là MRA.
Khi ký thỏa thuận này, điều quan trọng nhất là tạo ra một cơ sở pháp lý để các nước trong ASEAN có điều kiện công nhận trình độ kỹ năng nghề của lao động du lịch. Đây là điều giúp cho sự dịch chuyển tay nghề lao động trong khối thuận lợi hơn. Đấy là điều quan trọng nhất.
Đối với những các lĩnh vực nghề nghiệp khác cũng tương tự, sẽ tạo một dòng dịch chuyển lao động ở trong các lĩnh vực này thuận lợi hơn trước.
Tôi cho rằng, du lịch cũng như các ngành nghề khác, quan trọng là tay nghề của các lao động du lịch của Việt Nam có được chấp nhận hay không. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng qua cơ chế này du lịch Việt Nam sẽ có điều kiện để công nhận trong khối ASEAN và từ đó giúp cho việc dịch chuyển lao động du lịch của Việt Nam sang các nước ASEAN thuận lợi hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Như ông Cường vừa nói, một trong những vấn đề quan trọng là tiêu chuẩn về nghề. Vậy thì tiêu chuẩn về nghề của Việt Nam hiện nay đã đạt mức tiêu chuẩn nghề trong ASEAN hay chưa. Ông Giang có thể cho ý kiến thêm về vấn đề này?
Ông Đỗ Văn Giang: Tôi rất nhất trí với quan điểm ông Cường đưa ra. Tuy nhiên nói về vấn đề tiêu chuẩn nghề hay tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phải khẳng định năm 2015 Việt Nam đã xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam, năm 2016, khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được ban hành và khi ban hành thì nó đã tương thích với khung tham chiếu ASEAN và châu Âu. Đấy là một trong những điểm nhấn trong một vài năm qua để thực hiện việc hội nhập trong toàn hệ thống của Việt Nam kể cả giáo dục đại học lẫn trung cấp, cao đẳng,..
Tuy nhiên, khung trình độ quốc gia Việt Nam tương ứng với 8 bậc của khung ASEAN hiện mới được vận hành, mới đang triển khai. Trước đó, ta cũng có những quy định khác về vấn đề này.
Tôi tin rằng, trong tương lai tất cả các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ năng nghề sẽ được thực hiện tốt và khối du lịch sẽ là lĩnh vực sẽ đi đầu. Ngành này đã bước tiến nhanh so với các nước trong khu vực cả về mặt lao động.
Ông Trần Phú Cường và ông Đỗ Văn Giang tại bàn tròn trực tuyến về Trụ cột Văn hóa- xã hội ASEAN |
Tuy nhiên, trong lĩnh vực hội nhập này, chúng ta không thể đi quá nhanh được mà chúng ta phải làm từng bước, đảm bảo 8 lĩnh vực ngành nghề có thể tự do lưu chuyển mang lại quyền lợi cho người lao động. Điều ấy phụ thuộc vào chính các cơ sở hiện đang đào tạo các ngành nghề đó, hiện họ đã tiếp cận đến đâu trong việc xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ năng nghề hay kỹ năng nghề khu vực.
Về mặt cơ quan quản lý nhà nước của chúng tôi ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng dần các chuẩn đầu ra cho các ngành nghề. Trong 8 ngành nghề đó, chắc chắn ngành du lịch sẽ làm đầu tiên, sau đó, chúng tôi ưu tiên các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ ví dụ công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, dệt may… để làm sao đảm bảo sự hài hòa trong việc hội nhập vào tất cả ngành công nghiệp ở các nước đang phát triển.
Về vấn đề này, chúng ta sẽ học hỏi nhiều ở Thái Lan, Singapore, Malaysia,... Với những nước tạm thời đánh giá lĩnh vực đào tạo thấp hơn ta một chút như Lào và Campuchia, chúng ta ta lại chú trọng đến việc trao đổi giúp đỡ họ để cùng tiến bộ, đảm bảo việc xác định các tiêu chuẩn kỹ năng trong các ngành nghề cho phù hợp.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, đến thời điểm này ông đánh giá như thế nào sự chuẩn bị hội nhập ở các cơ sở đào tạo dạy nghề, một điều rất quan trọng để có thể cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao. Vậy ông nghĩ đến thời điểm này các cơ sở dạy nghề, các khối trường đại học, cao đẳng họ đã thực sự nhận thức được đầy đủ các vấn đề trong trụ cột văn hóa kinh tế xã hội, để có thể tranh thủ thời cơ trong hội nhập không?
Ông Đỗ Văn Giang: Tôi cho rằng với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hay dạy nghề trước kia, chúng tôi cũng đã tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như hướng dẫn các văn bản để xây dựng những chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề để đảm bảo cho các lứa học sinh học tốt nghiệp với các trình độ kỹ năng đáp ứng được thị trường.
Tuy nhiên không thể khẳng định 100% các cơ sở đào tạo đã hiểu và sẵn sàng một cách tuyệt đối được. Bởi bây giờ, giáo dục nghề nghiệp đang có sự vận hành mới. Đó là được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước tất cả các trường trung cấp chuyên nghiệp cũng như cao đẳng chuyên nghiệp trước kia trừ các trường trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm nghẽn khi chúng tôi thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.
Chúng tôi cũng đã kịp thời ra những văn bản để hướng dẫn và các trường về vấn đề này. Các trường hiện đang chủ động tìm đến những chương trình đào tạo trong nước để cấp bằng Việt Nam có chất lượng nhất, tức là tương ứng với chuẩn đầu ra do chính các trường đó tuyên. Theo tôi đó là điểm tốt.
Còn để đáp ứng được nhu cầu lao động cao hơn, ví dụ lực lượng lao động phải di chuyển sang các nước bạn để làm trong thị trường lao động lớn như ông Cường vừa nói, tôi xin bổ sung là, bên cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp từ lâu cũng có những chương trình được chuyển giao từ các nước tiên tiến trên thế giới, đang áp dụng đào tạo ở một số trường trọng điểm ở Việt Nam nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn.
Đó là một cách làm rất bài bản, chuyển chương trình từ nước ngoài về theo tiêu chuẩn nước bạn, giáo viên nước bạn cũng sang Việt Nam để dạy, giáo viên của mình dạy chương trình đấy cũng phải đảm bảo được với tiêu chuẩn của nước chuyển giao đó. Đấy là ở trình độ cao đẳng.
Đối với trình độ sơ cấp, từ lâu ngành giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cũng khẳng định được trình độ trong các lĩnh vực ví dụ như nấu ăn chẳng hạn… Các em đi thi cũng đạt giải rất cao kể cả trong nước, khu vực và cũng đạt giải quốc tế nữa.
Tôi cho rằng với bất kể ngành nghề nào, khi các cơ quan quản lý và nhà trường đều tích cực chuẩn bị, sẵn sàng chủ động hội nhập thì sẽ tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng được dần nhu cầu của người sử dụng lao động, của thị trường nói chung.
Nhà báo Phạm Huyền và ông Trần Phú Cường tại bàn tròn trực tuyến về Trụ cột Văn hóa- xã hội ASEAN |
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Cường, liên quan cụ thể đến lĩnh vực lao động ở du lịch, ông đánh giá như thế nào về những ưu điểm và nhược điểm trong lao động du lịch ở Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực?
Ông Trần Phú Cường: Để đánh giá về ưu điểm của lao động du lịch Việt Nam, chúng ta có thể thấy về số lượng, lao động du lịch Việt Nam cũng có một số lượng tương đối, có thể đáp ứng được các nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước trong ASEAN. Thứ hai, lao động Việt Nam cũng rất siêng năng cần cù, chăm chỉ. Thứ ba lao động du lịch Việt Nam ở các cơ sở có chất lượng thì có trình độ kỹ năng rất tốt.
Tuy nhiên nếu xét về mặt tổng thể thì lao động du lịch Việt Nam nếu so sánh với một số nước trong ASEAB thì vẫn còn một số cái hạn chế. Thứ nhất là trình độ kỹ năng của chúng ta so với các nước trong khu vực chưa phải là cao. Nếu như chúng ta so sánh với các nước dẫn đầu trong du lịch như Malaysia, Singapore, Thái Lan, trình độ kỹ năng của chúng ta về đại đa số vẫn còn thấp hơn. Chúng ta có lẽ cũng chỉ cao hơn một số nước ví dụ như Lào, Campuchia hay Myanma. Thứ hai là lao động du lịch còn hạn chế rất quan trọng là khả năng về ngoại ngữ.
Như ông Giang đã nói, chúng ta đều thấy một thực tế là, lao động Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN gặp phải hạn chế lớn về ngoại ngữ, đây là hạn chế rất đáng kể trong quá trình thực hiện công việc.
Thứ ba, lao động du lịch Việt Nam còn hạn chế là các kỹ năng mềm, thể hiện ở khả năng giao tiếp, rồi văn hóa ứng xử đặc biệt là trong các môi trường làm việc đa văn hóa như du lịch ở các nước trên thế giới và ở trong khu vực ASEAN. Đó là những hạn chế mang tính cơ bản.
Ngoài ra, một phần nào đó cũng giống như lao động ở các ngành nghề khác, khả năng duy trì tính kỷ luật của lao động Việt Nam cũng chưa phải là cao. Hiểu biết về văn hóa bản địa, rồi khả năng thích nghi với môi trường của chúng ta vẫn chưa thực sự tốt. Vì vậy mà năng suất lao động của lao động Việt Nam nói chung và lao động trong lĩnh vực du lịch nói riêng còn thấp.
Một con số chúng ta có thể phải suy nghĩ là năng suất lao động của chúng ta nói chung nếu so với Thái Lan thì chỉ bằng 2/5, so với Malaysia thì chúng ta chỉ bằng 1/5, thậm chí so với Singapore thì chúng ta còn thấp hơn rất nhiều bằng 1/15. Và chất lượng lao động của chúng ta theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á. Điểm của chúng ta chỉ khoảng 3.79 so trên thang điểm 10. Nó cho thấy rằng chất lượng lao động của chúng ta nói chung và trong ngành du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định.
Còn tiếp
Phần II: Kiếm việc ngàn USD trong TOP 4 ASEAN: Cánh cửa rộng mở
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Thúy Hồng
email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn