- Lĩnh vực hợp tác kinh tế trong ASEAN ngày càng được đẩy mạnh kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập (AEC). Dù hội nhập luôn đi kèm nhiều thách thức nhưng AEC đã mang đến hơi thở mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2017 được coi là thời điểm cơ hội vàng cho sự phát triển bứt phá của cộng đồng ASEAN, bởi đây là giới mốc 50 năm hình thành và phát triển của một tổ chức đa phương được thế giới ghi nhận là thành công nhất.

Trong đó, trụ cột kinh tế có thể coi là một trụ cột quan trọng nhất. Các hợp tác kinh tế trong ASEAN được nói đến từ năm 1992 nhưng phải đến khi Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA được kí kết và cho đến khi Cộng đồng ASEAN được chính thức thành lập vào cuối năm 2015 thì các hợp tác kinh tế mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với thành tựu lớn nhất là sự tự do hóa giữa 10 nước thành viên cả về thương mại, đầu tư, lao động… Trong đó, mục tiêu đầu tiên là hình thành một cơ sở sản xuất chung, một thị trường chung thống nhất, cạnh tranh và năng động.

Nhân dịp kỉ niệm 50 thành lập ASEAN, báo VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: bài học hội nhập từ ngành công nghiệp”.

Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời:

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Vông nghiệp nặng, Bộ Công Thương.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại Công Nghiệp Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi phần I tại video sau:

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Tín hiệu tích cực từ ngành ô tô

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, Cộng đồng kinh tế ASEAN được chính thức công bố thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 với 4 mục tiêu cơ bản, trong đó có mục tiêu về thành lập cơ sở sản xuất chung thống nhất, với sự tự do lưu chuyển hàng hóa, thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế với nhau… Câu hỏi đầu tiên xin được gửi tới bà Nguyễn Thu Trang, một người từng nghiên cứu rất sâu về vấn đề, bà có đánh giá như thế nào về tác động toàn diện của trụ cột kinh tế ASEAN tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Bà Nguyễn Thu Trang: Có lẽ khi chúng ta nói về mốc năm 2015 như mốc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì chính xác hơn, đó là mốc để thể hiện sự quyết tâm của 10 nước ASEAN trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu của ASEAN. Trong đó, đặc biệt có liên quan đến các mục tiêu như: thiết lập một thị trường chung và lưu chuyển tự do các thành phần cơ bản của nền kinh tế. Mốc 2015 không phải là mốc đánh dấu đầu tiên của những cam kết ASEAN, vì thế nếu chúng ta nói đến tác động của những cam kết kinh tế trong ASEAN thì thực chất, những cam kết đã bắt đầu từ năm 1992, năm 1995 với hình thành khối mậu dịch tự do ASEAN và sau đó, năm 2010, được thay thế bằng Hiệp định Thương mại hàng hóa ATIGA.

Vì thế, nói về tác động chung của các cam kết trong khuôn khổ ASEAN nói chung và trong khuôn khổ của Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng, có thể nói tác động trong tổng thể là rất tích cực. Các cam kết đã đã mang đến một bước hội nhập đầu tiên, mở cửa thương mại đầu tiên của nước ta. Các bước hội nhập trong WTO cũng là đi sau. Vì thế, thành quả mà chúng ta hiện nay đang nhìn thấy ở quá trình hội nhập nói chung cũng là một dẫn chứng rất rõ trong câu chuyện hội nhập ASEAN.

Nói riêng về ngành sản xuất công nghiệp, có thể nói, các tác động từ cam kết trong ASEAN trong tổng thể là rất tích cực.

{keywords}
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI (ảnh: VietNamNet)

Nếu nói về việc Việt Nam mở cửa thương mại với các nước ASEAN thì có thể nói, ngay từ năm 2010, chúng ta đã có quyền tiếp cận thị trường các nước ASEAN với mức thuế 0%, khi đó là thị trường của 6 nước ASEAN và sau này chúng ta bắt đầu mở dần thị trường của mình.

Việc mở cửa thị trường như vậy đã giúp cho các ngành sản xuất công nghiệp của chúng ta có cơ hội được tiếp cận với máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu từ các nước ASEAN với giá thành hợp lý hơn. Đó là những yếu tố để tăng cường sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nó cũng là một cú hích để cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu.

Nếu chúng ta nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của nước ta đi các nước nói chung và ASEAN riêng thì chủ yếu vẫn là các sản phẩm công nghiệp. Cho nên có thể nói tác động là tích cực.

Ngoài ra, nhìn vào một góc độ khác, chúng ta mở cửa thị trường thì chúng ta phải tiếp nhận hàng hóa của các nước ASEAN vào Việt Nam với mức thuế thấp hoặc là không có thuế. Đó đương nhiên là gây ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cụ thể là trong việc cung cấp hàng hóa đến thị trường. Cạnh tranh ở thị trường nội địa gay gắt hơn.

Cho nên khi nói về các ngành sản xuất công nghiệp, chúng ta có thể nói là tác động của ASEAN nói riêng hay là tác động của hội nhập nói chung là hai chiều, có những tác động tích cực và cũng có những thách thức cạnh tranh.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhân nói đến câu chuyện về các áp lực cạnh tranh của ngành sản xuất công nghiệp, thời gian vừa qua, ngành được dư luận quan tâm nhiều nhất là ngành công nghiệp ô tô. Liệu rằng với sức ép hội nhập từ AEC, ngành sản xuất ô tô Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào để trụ vững? Xin ông Phạm Anh Tuấn có thể chia sẻ về ý kiến của mình?

Ông Phạm Anh Tuấn: Nói về các nước ASEAN liên quan đến lĩnh vực sản xuất ô tô, hiện nay có Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong những nước này, Thái Lan có sản lượng sản xuất xe khoảng 2 triệu chiếc/ năm. Indonesia 1 triệu chiếc/ 1 năm, Malaysia khoảng trên 500 ngàn chiếc, Philippines 116 nghìn chiếc, còn Việt Nam hơn 250 nghìn chiếc.

Ô tô là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập ASEAN, các nước có thể lấy phụ tùng xuất xứ sản xuất trong ASEAN để lắp xe và xuất khẩu ra thế giới. Đây cũng chính là một lợi thế cho doanh nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi hội nhập trong ASEAN sẽ vừa có thách thức vừa có cơ hội lớn.

{keywords}
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương (ảnh: VietNamNet)

Thực tế, trên cương vị là Tập đoàn toàn cầu, các tập đoàn lớn đều có phân chia thị phần. Những loại xe sản xuất ở Việt Nam thường thì ở các nước khác không sản xuất và ngược lại. Các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư ở Việt Nam sẽ có hướng điều chỉnh, tức là tìm ra loại thị phần mà mình có lợi thế để người ta sản xuất.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã đầu tư liên doanh với những doanh nghiệp khác ngoài ASEAN nhưng chưa có thị trường ở Việt Nam, chưa có phụ tùng ở Việt Nam như Hàn Quốc và một số nước khác. Để sản xuất và lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đó cũng là một cách chuyển đổi thích ứng của họ.

Ngay cả ô tô nhập khẩu vào Việt Nam theo biểu thuế MFN, tức nhập từ các thị trường khác ngoài ASEAN cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.

Nói thêm về quy mô ngành công nghiệp ô tô, nó phụ thuộc vào yếu tố GDP trên/ người, vào, mức độ bão hòa xe. Về lý thuyết chung ô tô hóa, khoảng 250 xe/1000 dân là mức độ bảo hòa. Hiện nay, Thái Lan đã gần mức độ bão hòa.

Theo thống kê của chúng tôi, chỉ có Việt Nam là trên 22 xe/ 1000 dân, Philippines đang trong giai đoạn phát triển. Tôi nghĩ, với mức độ bão hòa xe như vậy thì có sự bù đắp cho các thị trường trong ASEAN.

Gỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ: biến thách thức thành cơ hội

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng ngành công nghiệp ô tô đã những thay đổi cả hai chiều. Tuy nhiên, nói đến bất cứ lĩnh vực hội nhập nào và một ngành hàng nào thì người ta hay nhắc đến vai trò của chính sách thuế. Thưa ông Phạm Đình Thi, ông có suy nghĩ như thế nào về ý kiến của 2 vị khách, bà Nguyễn Thu Trang và ông Phạm Anh Tuấn vừa chia sẻ?

Ông Phạm Đình Thi: Trước hết, nói về những thách thức và cơ hội khi chúng ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nếu nói về nền công nghiệp ô tô mà ông Tuấn vừa chia sẻ, tôi nghĩ, ngành này có những cơ hội rất lớn.

Trước hết, phải nói rằng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện. Đây là điều kiện rất tốt để phát triển thị trường ô tô.

Điểm thứ hai, phải thấy rằng, tiềm năng kinh tế của Việt Nam đang tăng lên. Thu nhập bình quân/ người đang tăng trong khi đó, số xe/bình quân số dân của chúng ta đang ở mức thấp. Nhu cầu sử dụng ô tô của người dân là nhu cầu hết sức chính đáng và tôi cho rằng, chúng ta phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những phương tiện giao thông đường bộ hiện đại nhất.

{keywords}
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính và nhà báo Phạm Huyền (ảnh: VietNamNet)

Như vậy rõ ràng, thu nhập người dân càng cao thì cũng là cơ hội lớn thứ hai để cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Điểm thứ ba, phải nói là các doanh nghiệp Việt Nam qua quá trình hội nhập kinh tế cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và cả vốn. Năng lực quản trị đã được nâng cao.

Điều hết sức quan trọng là trong thời gian vừa qua, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, Chính phủ và các Bộ ngành đã thể hiện quyết tâm rất cao trên tinh thần phát triển ổn định, nhất quán và dài hạn. Tôi cho rằng đó là 4 cơ hội lớn cho ngành ô tô trong hội nhập ASEAN nói riêng và hội nhập kinh tế nói chung.

Về thách thức, tôi cho là chúng ta cũng có 4 thách thức. Trước hết, thách thức đầu tiên là đến năm 2018, thuế nhập khẩu đưa ô tô về bằng 0%, sẽ tạo một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp ô tô. Việc bảo hộ chính sách bằng hàng rào thuế như trước đây không còn nữa.

Thứ hai, khả năng cạnh tranh cũng như tạo dựng các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp nói chung và ô tô nói riêng của chúng ta còn rất nhiều hạn chế.

Thứ ba là khả năng quản trị của doanh nghiệp có được nâng cao qua thời gian, nhưng so với mặt bằng chung doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì còn nhiều vấn đề. Trong bối thị trường bây giờ là thị trường toàn cầu, với năng suất lao động còn ở mức thấp thì khả năng cạnh tranh của chúng ta vẫn là rất khó khăn, là thách thức lớn cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, thách thức lớn của doanh nghiệp công nghiệp hay doanh nghiệp ô tô là quy mô chúng ta còn nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên cũng có tác động đến chi phí và giá thành sản phẩm làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi trong sản xuất công nghiệp, khi có quy mô càng lớn thì giá thành càng hạ.

Đó là bài học cũng là thách thức về tiềm lực kinh tế của chúng ta.

Đối với chính sách thuế, điều nhiều người đang nhìn nhận là các chính sách thuế có tác động không? Tôi khẳng định, chính sách thuế có tác động nhưng mức độ như thế nào thì tùy theo từng giai đoạn nhất định.

Ví dụ như tôi vừa nói, thách thức lớn hiện nay thuế nhập khẩu sẽ về 0% vào năm 2018, ngành ô tô không còn công cụ bảo hộ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để phát triển ngành công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp ô tô nói riêng trong điều kiện hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, chúng ta phải có một hệ thống giải pháp. Trong đó, chính sách thuế chỉ là một giải pháp.

Tôi cũng phải nói rằng, trước hết về phía Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương sẽ phải thể hiện quyết tâm, chính sách ban hành làm sao có tính chất ổn định lâu dài và nhất quán. Có như vậy, nhà đầu tư mới yên tâm bỏ một số vốn lớn để đầu tư lâu dài.

Từ góc độ doanh nghiệp, tôi cho là các doanh nghiệp phải thể hiện sự quyết tâm cao của chính mình, như quyết tâm trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp mình, tiết giảm lại chi phí, giảm giá thành sản phẩm…, qua đó nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Không những chúng ta phải chiếm lĩnh thị trường trong nước mà chúng ta phải vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Đó là điều hết sức quan trọng trong điều kiện này.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thấy có một số doanh nghiệp khó khăn nhưng cũng có một số doanh nghiệp công nghiệp đã vươn ra chiếm ra chiếm lĩnh thị trường, kể cả chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đấy là tín hiệu tôi cho rằng rất đáng mừng trong sự phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp ô tô.

Chủ động hội nhập, thuế nhập khẩu về 0% không phải là cú sốc lớn

Nhà báo Phạm Huyền: Thực ra, việc giảm thuế 0% vào năm 2018 không phải chỉ có ngành ô tô mà còn rất nhiều ngành khác cũng phải áp dụng. Liệu rằng, những thách khó khăn ở ngành ô tô có xảy ra tương tự như với các ngành khác hay không? Thưa bà Nguyễn Thu Trang, bà nhìn nhận như thế nào về điều này, đặc biệt sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được tuyên bố thành lập?

Bà Nguyễn Thu Trang: Theo cam kết giảm thuế của chúng ta theo khuôn khổ ASEAN (theo Hiệp định) ATIGA, ngành ô tô là một trong những ngành sản xuất công nghiệp hiếm hoi mà còn đến năm 2018 mới giảm thuế.

Nhìn nhận lại, chúng ta có thể thấy là, bắt đầu từ 1/1/2015 chúng ta đã thực hiện giảm thuế khoảng 72% số dòng thuế và đến nay, đã loại bỏ khoảng 90% số dòng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam. 7% dòng thuế còn lại sẽ giảm thuế trong năm 2018, tức thuế nhập khẩu xuống 0% phần lớn là các sản phẩm nhạy cảm.

Ngoài ra, có 3% dòng thuế là sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm thì chúng ta không giảm thuế. Các sản phẩm như sản phẩm công nghiệp, chúng ta đã loại bỏ thuế gần hết theo ATIGA, chỉ còn ô tô và một vài ngành công nghiệp rất nhỏ.

Có thể nói, ảnh hưởng của cạnh tranh trong nước đối với các hàng hóa sản xuất công nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam trên thực tế đã diễn ra khoảng 2-3 năm nay.

Có thể nhìn thấy rất rõ, các doanh nghiệp đã và đang vấp phải những khó khăn ngay trên thị trường nội địa khi hàng hóa ASEAN nhập khẩu vào và trong tương lai, sẽ còn khó khăn nữa.

Bởi, hàng hóa nước ngoài từ ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam không chỉ là nhập khẩu thông thường nữa mà bây giờ, còn vào Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính thức của các hãng nước ngoài. Hệ thống phân phối của doanh nghiệp các nước như Thái Lan… đang vào Việt Nam rất mạnh. Hàng ngoại vào ta bằng những kênh bán hàng như vậy, trong thời gian sắp tới, tôi cho là cuộc cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn nữa.

Tôi có nghe một số thông tin e ngại chúng ta mở cửa trong AEC như thế này thì hàng hóa Việt Nam sẽ bị bóp chết nhưng có lẽ,quan điểm đó là hơi bi quan quá. Bởi vì các doanh nghiệp gặp khó khăn và khó khăn trong tương lai tới đây sẽ được họ xử lý như thế nào, tùy thuộc vào câu chuyện là doanh nghiệp sẽ phải thay đổi mình như thế nào để cạnh tranh tốt hơn.

Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm từ khi gia nhập WTO và kinh nghiệm trong việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do khác giữa Việt Nam với các đối tác khác ngoài ASEAN. Dưới sức ép cạnh tranh đó, các doanh nghiệp luôn tìm cách thay đổi và đôi khi cạnh tranh lại là một động lực tốt để các doanh nghiệp thay đổi và cải thiện sức cạnh tranh của mình.

Cho nên với các ngành đã mở cửa khoảng 2- 3 năm nay, chúng ta nhìn nhận nó có khó khăn, nhưng tôi tin là các doanh nghiệp cũng đang tìm cách để thay đổi. Chúng ta có thể nhìn điều này ở ngành điện tử.

Ngành điện tử điện lạnh đã loại bỏ thuế nhập khẩu xuống 0% từ cách đây một vài năm, sau đó, lượng nhập khẩu sản phẩm ngành này vào Việt Nam rất lớn. Khi đó, ngành điện tử nội địa rất khó khăn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tôi chứng kiến đã có những doanh nghiệp điện tử trong nước thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh. 

Có những doanh nghiệp thay đổi từ sản xuất phần cứng sang sản xuất phần mềm, hoặc có những doanh nghiệp bây giờ đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung và một số nhà sản xuất khác. Có nghĩa là các doanh nghiệp hiện nay đang tìm cách để thay đổi với mục đích làm thế nào để có thể cạnh tranh hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Như vậy, về cơ bản, câu chuyện giảm thuế đột ngột xuống 0% hay loại bỏ thuế đột ngột không phải là cú sốc quá lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam sau khi thành lập AEC.

(Còn tiếp: Hội nhập trong AEC: cú hích cải cách cho ô tô Việt)

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Thúy Hồng

email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn

Kiếm việc ngàn USD trong TOP 4 ASEAN: Cánh cửa rộng mở

Kiếm việc ngàn USD trong TOP 4 ASEAN: Cánh cửa rộng mở

Dù tại thời điểm này, việc dịch chuyển lao động trong ASEAN còn chậm nhưng 10 năm tới, cơ hội sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Người lao động Việt Nam có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Cơ hội việc làm trong ASEAN: Siêng năng, cần cù chưa đủ

Cơ hội việc làm trong ASEAN: Siêng năng, cần cù chưa đủ

Tìm cơ hội việc làm trong ASEAN, người lao động Việt Nam với ưu điểm siêng năng, cần cù thì chưa đủ. Nhưng hạn chế như tính kỷ luật kém, ứng xử thiếu chuyên nghiệp, ngoại ngữ yếu cần được khắc phục.

50 năm ASEAN: Từ chia rẽ đối lập đến thống nhất, đoàn kết

50 năm ASEAN: Từ chia rẽ đối lập đến thống nhất, đoàn kết

ASEAN từ một khu vực có xung đột chia rẽ đã trở thành một cộng đồng thống nhất và đoàn kết. Trong đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, dẫn đầu trong trụ cột Chính trị - An ninh.