- Dù tại thời điểm này, việc dịch chuyển lao động trong ASEAN còn chậm nhưng 10 năm tới, cơ hội sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Người lao động Việt Nam có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, VietNamNet tổ chức Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng văn hóa xã hội, cơ hội việc làm trong ASEAN”. Bàn tròn có sự tham gia của hai khách mời:

- Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.


Phần I của bàn tròn đã đăng hôm qua, 3/8, nhìn lại những hạn chế cần cải thiện của lao động Việt Nam nhằm chớp cơ hội việc làm trong ASEAN.

Phần I bàn tròn: 

Theo dõi cuộc trò chuyện phần II tại các video sau:

Video 1:

Video 2:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong lĩnh vực du lịch có rất nhiều công việc cụ thể như lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biên món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành,… với nhiều những cấp độ khác nhau. Xin ông chia sẻ thêm, lĩnh vực nào, nghề nào trong 6 nghề thuộc ngành du lịch này đang có mức độ lưu chuyển mạnh mẽ nhất? Người lao động Việt Nam ở nghề du lịch nào đang chiếm ưu thế, có thể sang làm việc tại 9 quốc gia còn lại?

Ông Trần Phú Cường: Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ câu chuyện nói chung của xuất khẩu lao động của Việt Nam sang các nước ASEAN để chúng ta có một bức tranh tổng thể hơn.

Nếu như theo số liệu mà chúng tôi có được thì đến thời điểm này số lượng lao động của chúng ta sang các nước ASEAN làm việc chỉ chiếm khoảng 1/10 số lượng lao động của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Và số lượng này chỉ chiếm khoảng 5% lượng dịch chuyển lao động trong nội khối ASEAN. Đấy là toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực mà lao động Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN. Điều đấy cho thấy là nếu chỉ trong lĩnh vực du lịch thì con số đó còn nhỏ hơn rất nhiều.

Theo dự báo của tổ chức Lao động Thế giới ILO, nếu chỉ xét 8 ngành nghề ký trong thỏa thuận MRA để tạo điều kiện thuận lợi tự do dịch chuyển trong ASEAN, tổng số lao động chỉ chiếm hơn 1% lượng lao động dịch chuyển trong Asean (1,3% đến 1,5%). Điều đấy cho thấy rằng tỷ trọng lao động du lịch nói chung và một số ngành nghề sẽ chiếm rất nhỏ.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, chúng ta có sự dịch chuyển lao động trong khu vực nhưng ảnh hưởng của thỏa thuận MRA đã được ký nó hầu như không có. Bởi vì toàn bộ chính sách hiện nay đối với xuất nhập khẩu lao động của chúng ta vẫn duy trì các chính sách từ trước đến nay đã có, những gì liên quan đến thỏa thuận MRA này thì chưa có gì mới cả. Chúng ta vẫn đang áp dụng tất cả cơ chế chính sách đã có cho xuất nhập khẩu lao động.

{keywords}
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch


MRA như tôi đã nói ban đầu là cái khung tạo thuận lợi cho dịch chuyển chứ không phải yếu tố quyết định việc dịch chuyển. Việc có dịch chuyển lao động được hay không còn tùy thuộc vào chính sách của mỗi nước trong việc nhập, xuất khẩu lao động. Và chính vì thế mà ảnh hưởng trực tiếp của MRA là chưa thể xác định được. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết là 6 nghề trong ASEAN hiện nay đưa ra để có thỏa thuận công nhận trình độ lẫn nhau trong MRA là 6 nghề có khả năng thu hút nhiều lao động nhất.

Tôi nghĩ đối với Việt Nam hay bất kỳ một nước nào trong ASEAN, cả 6 lĩnh vực này đều có cơ hội rất lớn. Tất nhiên nó cũng tùy thuộc vào số lượng lao động tham gia vào mỗi nghề. Ví dụ như nghề lễ tân cũng thu hút nhiều lao động rồi nghề phục vụ buồng thu hút khá nhiều lao động, nhưng nghề chế biến món ăn thì chắc chắn không thể nhiều bằng những nghề đó. Các nghề này khi chuyển sang MRA như vậy đều có điều kiện thuận lợi hơn cho lao động có thể dịch chuyển trong khối ASEAN.

Nhà báo Phạm Huyền: Cũng nhân câu chuyện ông Cường vừa chia sẻ, nghề phục vụ buồng hay lễ tân thì có thể lưu chuyển nhiều nhưng sự lưu chuyển trong nghề đầu bếp thì khó vì nghề đầu bếp cần một trình độ cao hơn. 

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến đánh giá trên các phương tiện truyền thông về xuất khẩu lao động, Việt Nam chỉ xuất khẩu được lao động phổ thông và chúng ta sẽ nhập khẩu trở lại những lao động chất lượng cao. Bản thân ông là người làm việc liên quan đến đào tạo dạy nghề, ông cảm thấy gì về nhận định này?

Ông Đỗ Văn Giang: Về mặt quản lý, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có Cục Quản lý lao động nhà nước chuyên thực hiện nhiệm vụ về xuất nhập khẩu lao động cho các loại đối tượng. Có thể, các lao động này trải qua lớp đào tạo theo chương trình đặt hàng của bên phía đối tác nhập khẩu lao động, họ được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, về tất cả những gì liên quan.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề

Trên thực tế trong khu vực cũng có các ví dụ như để được làm việc ở Malaysia hay Indonesia, người lao động phải học tiếng, phải có kỹ năng theo yêu cầu của các nước này rồi còn phải thi và giới chủ bên đó chấp nhận tuyển cụ thể từng trường hợp. Tôi cho rằng đó là cách làm cũng từ lâu rồi, đã được Bộ chú ý và Tổng cục Dạy nghề cũng có giai đoạn kết nối lao động- việc làm như vậy. Còn hiện nay, chúng tôi lại chỉ là cơ quan ban hành chính sách tạo điều kiện để cho các trường có cơ hội liên kết, đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Ví dụ, các trường có thể liên kết với các cơ sở ở các nước phát triển hơn ta là Thái Lan, Singapore, hoặc là Đài Loan để đào tạo nhân lực tốt hơn và các em có thể sang các nước đó làm việc.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách, có không ít ý kiến cho rằng những hợp tác trong lĩnh vực lao động trong khu vực ASEAN thì mới chỉ là trên giấy và đi vào thực tế thì còn chưa nhiều. 

Việc dịch chuyển lao động tự do được nói đến nhiều tại thời điểm công bố thành lập Cộng đồng ASEAN, cho thấy một tương lai việc làm rất rộng mở, tự do sang các nước làm việc, lương cao hơn nhưng trên thực tế, vẫn chưa thể diễn ra được như vậy. Ông nghĩ như thế nào về điều này? Tại sao những vấn đề này lại chuyển biến chậm như vậy?

Ông Đỗ Văn Giang: Theo tôi, việc hội nhập đã diễn ra từ lâu đến tháng 12/2015, Cộng đồng ASEAN mới được chính thức thành lập. Vì nó mới được thành lập một cách chính thức, đến thời điểm này, chưa được hai năm nên tôi rằng, các công việc để chuẩn bị sẵn sàng theo các thỏa thuận bằng văn bản cũng chưa thể triển khai dài rộng và sâu sắc được.

Điểm nhấn quan trọng là tôi nhận thấy các quốc gia cũng chưa hẳn quá sẵn sàng để có đủ các điều kiện thực hiện các vấn đề đã được đưa ra trên giấy tờ. Đó là điểm mà tôi cho rằng là chắc chắn quốc gia nào cũng nhận định như thế.

Ví dụ như Malaysia biết mình có thế mạnh nào đó thì phải chú trọng đầu tư vào thế mạnh đấy để thu hút lao động. Ngược lại Việt Nam biết thế mạnh của mình thì phải đầu tư. Nhưng chưa ai dám mạnh dạn để đưa ra những cái quá cụ thể cho những việc đào tạo này.

{keywords}
Nhà báo Phạm Huyền, ông Trần Phú Cường, ông Đỗ Văn Giang 


Tuy nhiên, về cơ chế chính sách để thúc đẩy đào tạo nghề và hợp tác đào tạo nghề với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam cũng đã sẵn sàng mở cửa, thể hiện từ văn bản của Chính phủ, các Bộ, để các đơn vị đào tạo có năng lực ở trong nước chủ động tìm kiếm liên kết.

Ví dụ Trường Cao đẳng Việt Mỹ ở Sài Gòn, theo đánh giá của tôi đó là một trong những trường có tay nối với đào tạo ở nước ngoài, nhưng trường này kết nối với Trung Quốc và Mỹ nhiều hơn. Còn một số trường khác cũng làm được điều đấy ví dụ như Trường Cao đẳng nghề số 8 ở Đồng Nai, họ cũng kết nối được với Úc. Như vậy, mọi thứ diễn ra phải từ từ, không thể nóng vội được. Bởi vì các điều kiện đảm bảo để thực hiện và sự sẵn sàng quốc gia là điểm mấu chốt.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy từ câu chuyện thực tế của ngành du lịch, ông Cường nghĩ như thế nào về ý kiến hiện nay cho rằng mặc dù chúng ta cam kết như vậy nhưng rõ ràng các quốc gia vẫn có xu hướng bảo hộ lao động. Họ cũng cần phải giữ việc làm cho lao động của nước họ. Có thể đó cũng là lý do để làm chậm quá trình tự do lưu chuyển này?

Ông Trần Phú Cường: Tôi thấy rằng kinh nghiệm gần 20 năm công tác của tôi trong lĩnh vực du lịch đặc biệt là hợp tác quốc tế. Tôi thấy rằng trong hợp tác hội nhập với ASEAN thì không nhanh được, mỗi ngày chúng ta nhích lên một chút. Nhưng nhìn lại thành quả qua từng đấy năm thì lại đạt được thành quả rất là to lớn. Thế nên chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng là trong một lúc mà chúng ta có thể đạt tới ngay kết quả từ việc ký thỏa thuận MRA như vừa qua.

Tôi lấy một ví dụ là khi chúng tôi đàm phán để ký thỏa thuận này và cùng với đó là gắn việc phát triển 6 bộ tiêu chuẩn nghề chung ASEAN, tính tới thời điểm này đã là 10 năm rồi. Tức là chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để đi tới một sự đồng thuận trong các nước ASEAN. Đấy là việc chuẩn bị, còn bây giờ vào giai đoạn triển khai, còn nhiều vấn đề trong cả khối cũng như từng nước phải chuẩn bị, từ trong nội bộ đến trong cả hệ thống của khu vực.

{keywords}
Ông Trần Phú Cường và ông Đỗ Văn Giang tại bàn tròn trực tuyến


Ví dụ mới gần đây, các nước ASEAN ký được hiệp định để thành lập ra Ban thư ký khu vực điều phối việc triển khai MRA trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay nó vẫn đang ở bước là xây dựng một hệ thống và tuyển dụng nhân sự để vận hành hệ thống đó. Rõ ràng mọi việc cần có một lộ trình kế hoạch và chúng ta cũng không kỳ vọng là nó có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

Về phía Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta phải ban hành ra các bộ tiêu chuẩn quốc gia bởi chỉ có bộ tiêu chuẩn quốc gia mới có thể so sánh tương đương trong khu vực ASEAN, thông qua một khung tham chiếu trong ASEAN- bộ tiêu chuẩn chung trong Asean.

Sắp tới. tôi được biết là Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ ban hành chính thức 2 bộ tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên là nghề buồng và lễ tân và sau đó là 4 bộ tiêu chuẩn tiếp theo cho 4 nghề du lịch còn lại để hoàn thiện đầy đủ số lượng 6 bộ, từ đó, chúng ta sẽ so sánh, đối chiếu để được công nhận tương đương với ASEAN. Đó là việc cần làm nhưng cũng không thể làm ngày một ngày hai được mà cần có một quá trình để chuẩn bị và thực hiện đúng theo lộ trình.

Đồng thời, khi các yếu tố đó đã được đảm bảo triển khai, cũng cần đảm bảo cho quá trình vận hành chung cho ASEAN cũng như trong từng nước phù hợp với điều kiện hội nhập.

Ví dụ như Singapore, khi trao đổi với các bạn Singapore trong triển khai MRA này, nước bạn nói rằng người ta ký như thế nhưng người ta chưa chắc đã triển khai. Bởi vì thứ nhất đây không phải thỏa thuận bắt buộc. 

Thứ hai là họ có chính sách riêng của họ, nhất là trình độ phát triển của họ tương đối cao hơn các nước trong khu vực. Và điều rất quan trọng ảnh hưởng đến vấn đề này là việc có thể nhập khẩu lao động của các nước vào làm việc tại Singapore hay không. 

Tuy nhiên, hiện, hạn ngạch về nhập khẩu lao động của Singapore đã gần hết rồi. Thế thì dù có lao động đủ điều kiện về kỹ năng nghề và các điều kiện khác để nhập khẩu nhưng do hạn ngạch hết rồi thì họ cũng không thể thu hút được. Điều đấy cho thấy rằng việc có thể chuyển dịch được lao động du lịch trong khu vực ASEAN phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và nó phải có lộ trình chuẩn bị trong nội khối ASEAN cũng như của từng nước ASEAN.

Vì vậy, chúng ta có thể không nhìn thấy ngay một kết quả cụ thể, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì 10 năm nữa chúng ta vẫn như thế thôi. Quá trình này có thể dài nhưng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ để hy vọng rằng 10 năm sau lao động trong lĩnh vực du lịch sẽ dịch chuyển dễ dàng hơn rất nhiều trong khu vực ASEAN.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy tương lai trong 10 năm tới hay 20 năm tới, theo ông, khi một người làm việc trong lĩnh vực du lịch hay 7 lĩnh vực còn lại sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN sẽ được hưởng những lợi thế đặc biệt gì và ngược lại họ cũng sẽ phải đối mặt với những cái rủi ro gì?

Ông Trần Phú Cường: Để hình dung ra 10 năm tới có lẽ cũng hơi khó. Tuy nhiên tôi thấy là ở thời điểm hiện tại lao động trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Bởi vì du lịch ở Việt Nam đang rất phát triển và nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà Nước cũng như từ xã hội rất mạnh mẽ, có những cái ưu tiên, có những cái thuận lợi để cho du lịch phát triển. Chính vì thế mà các tập đoàn lớn, các dự án lớn về phát triển du lịch ngày một nhiều hơn. Cùng với đó là nhu cầu về lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng rất đáng kể. Chính vì vậy mà tôi nghĩ rằng cơ hội cho lao động du lịch Việt Nam trong nước cũng là cơ hội lớn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng việc tự do hơn trong dịch chuyển lao động cũng sẽ tạo ra một cơ hội cho người lao động du lịch của nước ta nhất là đến những nước có mức sống cao hơn, có mức thu nhập cao hơn, trình độ phát triển hơn như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Rõ ràng mức thu nhập hiện nay của chúng ta so với các nước này còn thấp hơn đáng kể, khi lao động của chúng ta có thể sang các nước đó làm việc thì mức thu nhập của lao động chúng ta sẽ gia tăng. Ngoài ra họ cũng nâng cao được khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa tích lũy kinh nghiệm và bản thân họ cũng phải tự trau dồi tự đào tạo để phù hợp với các yêu cầu của các nước nhập khẩu lao động.

Tôi nghĩ rằng đến 10 năm sau thì thuận lợi này, cơ hội này sẽ càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì bao giờ cũng có những rủi ro, thách thức.

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng việc lao động của chúng ta hiện nay xuất khẩu sang các nước nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nước nhập khẩu lao động, đặc biệt phụ thuộc vào hợp đồng lao động mà người chủ doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở Việt Nam cũng như sự ổn định của doanh nghiệp đó.

Nó sẽ có rủi ro là khi có biến động khách quan, ví dụ doanh nghiệp đó phải giải thể chẳng hạn thì các hợp đồng ký với lao động Việt Nam có thể bị hủy bỏ và lao động của chúng ta có thể là mất việc làm. Cũng có lý do mang tính chủ quan ví dụ như lao động của chúng ta có thể không thích nghi được với môi trường sống mới, quốc gia mới như vậy và thậm chí là không đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng cũng như các nhu cầu của luật pháp nước sở tại thì cũng xảy ra rủi ro.

Tuy nhiên, lao động của chúng ta cũng phải nhận thức được những điều này, tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết từ việc nắm rõ luật pháp của nước sở tại đến các điều khoản hợp đồng lao động ký với các doanh nghiệp rồi thông tin các cơ quan đầu mối, cơ quan ngoại giao của nước ta ở nước sở tại để có thể sẵn sàng xử lý các tình huống nếu không may xảy ra.

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng là để có thể tận dụng được cơ hội việc làm trong các nước ASEAN thì lao động ở Việt Nam sẽ phải chuẩn bị rất nhiều từ mặt thông tin cho đến năng lực bản thân. 

Từ đầu chương trình, ông Cường cũng có nhắc đến vấn đề về kỹ năng mềm về ứng xử văn hóa, về thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay, khoảng cách này giữa lao động Việt Nam với lao động Thái Lan hay lao động Singapore hẳn còn lớn.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề của ông Giang, ông nghĩ như thế nào về việc tới đây các cơ sở trong nước sẽ phải có những cải cách như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động có kỹ năng mềm tốt?

Ông Đỗ Văn Giang: Thực ra vấn đề kỹ năng mềm đã được chúng ta đề cập trong lĩnh vực giáo dục từ lâu rồi. Tuy nhiên trải qua thời gian, qua sự biến động thay đổi của xã hội cũng như thay đổi của hệ thống thì cũng có những cơ sở đào tạo chưa làm tốt được điều đó.

Về bản chất khi xây dựng tiêu chí đào tạo, chúng tôi cũng đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị và có hướng dẫn bằng văn bản, ngoài ra, cũng có rất nhiều những dự án đào tạo việc làm đã đưa các loại kỹ năng mềm ví dụ như kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ... vào chương trình đào tạo. Các trường tự chủ việc đó sao cho phù hợp với thời gian đào tạo và với ngành nghề đào tạo.

Ví dụ như lĩnh vực du lịch, trong rất nhiều buổi làm việc với các trường, tôi đều nêu một quan điểm rất chung là lĩnh vực du lịch là dịch vụ, mà dịch vụ thì càng cần có kỹ năng mềm tốt hơn ví dụ như tâm lý giao tiếp, khả năng quản lý lãnh đạo, khả năng đưa đón, kỹ năng nói chuyện điện thoại, kỹ năng mềm về ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung. Đó là chiến lược mà nhà nước đã có quan tâm và bản thân Tổng cục cũng rất quan tâm.

Tôi cũng đồng tình với ông Cường nói là tất cả đều phải đi theo lộ trình, nó không thể vội được. Bản thân những người đã được đào tạo ra phải biết vận dụng những điều đấy trở thành tình huống thực tế ở những vị trí việc làm thực tế.

Tôi tin, nó có sự chuyển biến dần nhưng có hiệu quả để đảm bảo được sự hội nhập đó trong tương lai.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy ông có nghĩ rằng trong thời gian tới để có thể tận dụng những cơ hội việc làm trong khu vực ASEAN thì bản thân những cơ sở đào tạo trong nước có cần chính sách hỗ trợ gì từ phía nhà nước, từ phía chính phủ không?

Ông Đỗ Văn Giang: Thực ra như tôi đã nói từ đầu thì giáo dục nghề nghiệp cũng như văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động là mở để cho các trường tự chủ. Tất nhiên dạy nghề là tự chủ 100% nhưng một số trường đại học vừa rồi thì rất là khó vì dạy nghề liên quan đến nhiều vấn đề.

Tôi nghĩ về mặt nhà nước cũng đã mở và hệ thống văn bản gần đây cũng tương đối đầy đủ để thực hiện việc đó rồi. Quan trọng là người đứng đầu của nhà trường phải dám nghĩ đến những việc chúng ta đang nói, dám làm những việc chúng ta chưa từng làm hoặc bây giờ sẽ phải làm để đảm bảo chất lượng đầu ra cho chính học sinh sinh viên của mình. Đó chính là thương hiệu của trường.

Tôi lấy ví dụ ở Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội bây giờ chuyển thành Cao đẳng Cơ điện Hà Nội ở Mai Dịch Cầu Giấy, cũng do sự chuyển biến nhận thức, trong khoảng 2015 trở về đây đã có rất nhiều em tốt nghiệp thạc sỹ rồi, tốt nghiệp đại học rồi lại quay vào đó để học nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đều khẳng định vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là vấn đề đầu tiên trong ba vấn đề được quan tâm.

Chúng tôi đã kết nối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Du lịch. Chương trình về tiêu chuẩn 6 nghề du lịch như ông Cường vừa nói, trong đó, vai trò của Bộ LĐ-TB&XH cũng rất quan trọng và cần thiết. Tôi muốn chia sẻ thêm ở đây là cần phải có sự kết nối, kết nối giữa bản thân các bộ, các cơ quan quản lý nhà nước và các trường.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy các ông kỳ vọng như thế nào về tương lai sắp tới, tác động của Cộng đồng văn hóa xã hội trong ASEAN đối với lĩnh vực lao động việc làm trong ngành du lịch nói riêng cũng như rộng hơn là lao động việc làm nói chung ở Việt Nam?

Ông Trần Phú Cường: Ở thời điểm hiện nay, kỳ vọng mong muốn nhất của tôi là nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng, lợi ích và thách thức chúng ta phải hiểu rất rõ và chúng ta cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bước đi lộ trình để chúng ta đạt được mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng một thị trường lao động du lịch rộng mở và cởi mở. Nó thuận lợi cho người lao động và đem lại lợi ích thực cho người lao động. Điều đấy thể hiện là chúng ta sẽ có một thi trường lao động tự do dịch chuyển và lao động Việt Nam có thể dễ dàng được tiếp nhận trong thị trường khu vực ASEAN.

Và ngược lại khi phát triển du lịch, chúng ta có nhu cầu nhập khẩu lao động thì cũng dễ dàng hơn thuận lợi hơn trong việc lựa chọn những lao động có tay nghề tốt trong khu vực ASEAN để phục vụ cho các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn hình dung ra một Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa xã hội của ASEAN sẽ mang lại cho ngành du lịch nhiều lợi ích.

Tất nhiên ngoài cơ hội việc làm thì nó cũng mang lại điều kiện vật chất ví dụ lương cho người lao động, ví dụ như những chính sách đãi ngộ cho người lao động cũng sẽ được nâng lên, không chỉ ở các nước khác trong ASEAN mà ngay tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng một khi đã là cộng đồng thì nó sẽ mang lại lợi ích rộng mở chung cho toàn khu vực, các lợi ích và thách thức cũng rất lớn. Chúng ta phải nắm bắt những cơ hội để phát huy những điểm mạnh nhất của chúng ta và chúng ta khai thác cơ hội đó, đồng thời phải cố gắng hạn chế hết những rủi ro thách thức để đạt những mục tiêu xa nhất.

Nhà báo Phạm Huyền: Đối với ông Giang, ông kỳ vọng như thế nào?

Ông Đỗ Văn Giang: Tôi rất đồng tình với quan điểm của ông Cường, đã nói cả vi mô cả vĩ mô rồi.

Tôi thấy rằng, tác động của việc xây dựng cộng đồng này đã làm thay đổi nhiều thứ về mặt nhận thức kể cả chính sách của Đảng và việc điều hành của Nhà nước. Chính công tác tuyên truyền tốt đã có tác động rất lớn như vậy.

Thứ hai là nếu nhận thức của mọi người không thay đổi, không sẵn sàng thì dù có được đào tạo ở bất cứ đâu mà không đáp ứng được vị trí việc làm ngay trong nước thì chúng ta cũng thua ngày trong sân nhà chưa kể chúng ta còn thua ở sân nước bạn nữa.

Cho nên quan trọng là chúng ta phải quyết tâm và chúng ta vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Về mặt đó thì bản thân Tổng cục Dạy nghề chúng tôi cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trong việc học nghề như thế nào và quyền lợi của người học nghề như thế nào, về vị trí việc làm, lương,.. vấn đề đó các trường phải làm, chúng tôi chỉ là tạo một cú hích để cho các trường tự làm việc đấy.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn các vị khách mời!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Huy Phúc, Bạt Tuấn, Thúy Hồng

Email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn