Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về việc Tập đoàn Kangaroo quảng cáo thổi phồng về sản phẩm máy lọc nước có khả năng ngăn ngừa rối loạn mỡ máu.


Quảng cáo thổi phồng sẽ bị xử phạt

Như Lao Động đã phản ánh thời gian qua, Tập đoàn Kangaroo quảng cáo rầm rộ, thổi phồng về hiệu quả của máy lọc nước KG 100 Omega hỗ trợ ngăn ngừa mỡ máu khiến người dân lầm tưởng về sự hiệu quả của máu lọc nước “thần”, đặc biệt hơn tập đoàn này đã lợi dụng vào việc thử nghiệm “đánh giá hiệu quả hỗ trợ giảm mỡ máu của máy lọc nước RO Kangaroo trên các bệnh nhân rối loạn mỡ máu điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội”, do ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội làm chủ đề tài để quảng cáo về hiệu quả của máy lọc nước này “là phương pháp hỗ trợ điều trị ngăn ngừa rối loạn mỡ máu”.

Trao đổi với PV Lao Động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Vấn đề này tiêu chuẩn của Bộ Y tế quản chặt lắm. “Họ cứ quảng cáo thế thôi chứ muốn được đưa ra thị trường phải được cấp phép, lưu hành; phải được công bố nghiên cứu chính thức, đánh giá an toàn, rồi đến mức độ hiệu quả tiêu chuẩn cụ thể...”.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Quốc hội.

Trả lời về việc Tập đoàn Kangaroo sử dụng xác nhận của Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội để quảng cáo khiến người dân lầm tưởng đây là máy lọc nước “thần”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết: Phải xem lại xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào quy chế về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị và thuốc rất chặt chẽ và có điều luật cụ thể, còn anh làm sai hay cố tình làm sai thôi. Nếu sai thì phải xử lý. “Kangaroo là trang thiết bị nhỏ nếu vi phạm quảng cáo thì sẽ bị xử lý theo quy định” - Bộ trưởng Tiến nói.

Lãnh đạo bệnh viện được lợi gì khi xác nhận?

Cùng trao đổi về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tỏ ra bức xúc: Theo tôi cần phải làm rõ việc xác nhận của ông Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về hiệu quả của máy lọc nước này là vô tình hay cố ý. Nếu vô tình thì chỉ xác nhận việc thực nghiệm chiếc máy lọc nước đó có hiệu quả như thế nào, ví dụ như máy lọc nước này có lọc sạch không, có đảm bảo không? chứ sao lại xác nhận máy lọc nước chữa được bệnh. “Còn nếu cố tình xác nhận theo kiểu lập lờ vì lợi ích doanh nghiệp, gây sự hiểu lầm cho người dân là không thể chấp nhận được”, ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Khá, cần xem xét việc xác nhận này, lãnh đạo bệnh viện “được lợi gì?”. Bên cạnh đó, cần phải xem xét đến việc Tập đoàn Kangaroo lợi dụng vào việc thực nghiệm này hay ông Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội mơ hồ, cố tình gây sự hiểu lầm như vậy.

(Theo Lao động)