Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Nhiều bảo tàng, ít khách tham quan
Bảo tàng (BT) TPHCM tại khuôn viên Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (P.Long Bình, Q.9) sẽ có diện tích 15,45ha, thay vì phương án đặt tại khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích 1,8ha trước đây. Khi được hỏi vì sao đã có BT thành phố đặt ở Lý Tự Trọng, nay lại xây thêm BT mới, ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTT, cho biết: Đây là bước đón đầu TP phát triển về hướng Đông. Phải xây đúng nghĩa BT hiện đại, từ kiến trúc và quy hoạch bảo tàng chuyên đề. Sau này, BT Lịch sử tự nhiên Nam Bộ cũng dự kiến được xây ở quận 9 - tạo nên một thiết chế văn hóa có tính bao quát.
BT TPHCM sẽ là một trong những BT mới nhất đóng góp vào tổng số 147 BT trên cả nước hiện nay. Được biết, từ năm 2005 đến nay có 32 BT được xây mới, trong đó có nhưng BT được đầu tư khủng như BT Hà Nội hơn 3.000 tỉ đồng, BT Quảng Ninh gần 900 tỉ… Nhưng con số “khủng” nhất có lẽ thuộc về dự án BT Lịch sử quốc gia với mức đầu tư dự kiến ban đầu lên đến 11.277 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nghịch lý là: Nhiều BT, kinh phí khủng, nhưng số người tham quan BT lại ngày càng ít ỏi, vắng vẻ. Trong số 7 BT trực thuộc Sở VHTT TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đông khách nhất, mỗi ngày khoảng 2.000 người dịp cao điểm. Các BT khác thì èo uột hơn, từ BT Lịch sử VN và BT Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM cũng chỉ đón từ 300 - 350 ngàn lượt khách/năm, trung bình chỉ gần 1.000 lượt/ngày.
Các BT mới mở còn “thảm” hơn. BT Văn học VN mới mở cửa được 1 tháng, chiều 30.7 cửa chính khóa, phòng trưng bày cũng khóa, gọi mãi mới có người mở, hiện vật phủ bụi. Nhân viên bảo vệ vừa ngái ngủ vừa giải thích “BT mới khánh thành, ít người biết nên ít khách, ngày có vài khách, hôm nào có đoàn tham quan thì có vài chục người”. BT Hà Nội cũng chỉ có vài người tham quan. Theo anh Nguyễn Văn Tiến - nhân viên trông nom khu trưng bày, thì buổi sáng có 1 đoàn khoảng 20 người và “chỉ đến dịp nghỉ lễ hoặc cuối năm học thì có nhiều đoàn đến, chứ ngày bình thường thì rất ít khách tham quan…”.
Vỏ khủng, ruột rỗng
TPHCM kỳ vọng vào việc xây BT thành phố mới, vì nhiều BT đều chung cảnh mặt bằng chật chội, hiện vật không thể đưa ra trưng bày hết và cũng không đắt, độc. Chỉ riêng BT Lịch sử VN tại TPHCM và BT Chứng tích chiến tranh, mới có khoảng 1/10 hiện vật được trưng bày vì không gian quá chật.
Tuy nhiên, số lượng hiện vật nhiều chưa chắc đã "chất" và nếu không có tư duy làm BT kiểu mới, thì có khi BT xây lên không ai vào, như BT Hà Nội là điển hình của tình trạng vỏ khủng ruột rỗng. Đi vào hoạt động được 5 năm, hiện tại tầng 1 và tầng 2 BT Hà Nội không trưng bày gì, được ghi chú là đang trong quá trình chỉnh lý. Hiện vật trưng bày chủ yếu trên tầng 3 và tầng 4 khá sơ sài, khu hiện vật ấn tượng và đẹp nhất lại là của nhà sưu tầm Vũ Tấn gửi trưng bày.
Việc hình thức chưa tương xứng với nội dung của các BT đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh chỉ rõ: “Chúng ta đầu tư phần hình thức 1, nhưng nội dung mới chỉ dừng lại từ 0,3 - 0,5. Chúng ta cũng chưa mạnh dạn thể hiện nội dung trưng bày. Mỗi năm Bộ VHTTDL đầu tư cho những BT trọng điểm từ 4 - 5 tỉ đồng. Nhưng việc liên kết với giáo dục, du lịch chưa được chặt chẽ để hút khách tham quan…”.
Còn GS.TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc BT Dân tộc học VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - thì chỉ ra “sai lầm lớn nhất ở ta hiện nay là cơ chế xây dựng BT. Tại sao một thiết chế văn hóa mà lại đưa cho một ngành không liên quan gì đến văn hóa làm từ A - Z? Giám đốc BT, các chuyên gia BT chỉ có “chân” trong BQL “cho có”? Kết quả là “anh” xây cho tôi được cái nhà, nhưng khi tôi mang “đồ dùng - hiện vật” vào thì không biết trưng bày ra sao? Những BT nghìn tỉ gần đây nhất như BT Hà Nội (do Sở Xây dựng HN làm chủ đầu tư), Bảo tàng Quảng Ninh (do BQL các công trình văn hóa UBND tỉnh làm)… cho thấy cái cơ chế ấy đã làm cho nó “chết yểu” ra sao.
Cho tới nay, câu hỏi khi nào xây BTLSQG và con số 11.000 tỉ nhiều người quan tâm vẫn tiếp tục “treo” đó, như ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng BTLSQG (Bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện, chưa có đề xuất khi nào xây dựng và chưa thể khẳng định tổng mức đầu tư dự án là bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn con số 11.000 tỉ đồng”. Các nhà chuyên môn thì không đặt nặng vấn đề nghìn tỉ, như TS Nguyễn Văn Huy đã nói: “Theo tôi, trong câu chuyện này, chúng ta không nên bàn nhiều về câu chuyện nhiều tiền hay ít tiền… Một BT chục tỉ mà nội dung không tốt thì không đáng làm, nhưng một BT hàng chục nghìn tỉ đồng mà có nội dung hấp dẫn vẫn đáng làm… Với câu chuyện cụ thể của BTLSQG, nếu chúng ta không thay đổi được cơ chế xây dựng cơ bản ấy thì chắc chắn nó sẽ bị rơi vào tình trạng như dư luận đang lo ngại: Lãng phí do bỏ không”.
Ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (LSQG) - Bộ Xây dựng: Cái gì trưng bày trong bảo tàng rất quan trọng “Đúng là trên thực tế có hàng loạt các công trình đóng mác “bảo tàng ngàn tỉ” hào nhoáng nhưng sau khi xây dựng xong rồi… để đấy vì bên trong khu trưng bầy vẫn “vườn không nhà trống”, “đắp chiếu” chờ khách… rất lãng phí. Chính vì vậy khi xây dựng đề án công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2006) chúng tôi luôn xác định sẽ là công trình xây dựng bảo tàng khác với công trình xây dựng dân dụng thông thường bởi ngoài phần kiến trúc còn phần trưng bày. Bảo tàng LSQG ngay từ trong quá trình làm từ khâu lên phương án kiến trúc đã phải có nội dung trưng bày. Quá trình này cần được thực hiện song song, rút kinh nghiệm từ các công trình đã xây dựng trước đây phần trưng bày dường như bỏ ngỏ. Cái gì trưng bày trong bảo tàng rất quan trọng, quyết định sự thành công của một bảo tàng. Thực tế ngay bây giờ có cho phép khởi công công trình bảo tàng này thì cũng chưa thể nào đáp ứng được vì chưa làm xong thiết kế nội dung. Đây chính là điểm khác biệt của Bảo tàng LSQG với các bảo tàng hiện hữu. Ông Phạm Quốc Tuấn - Kiến trúc sư Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Hãy để bảo tàng là một kho lưu trữ ký ức đúng nghĩa “Đến mỗi một đất nước, để giới thiệu về nền văn hóa của đất nước mình, người ta thường đưa chúng ta đi thăm bảo tàng, vì đây là một kho lưu trữ ký ức, là trường học về lịch sử của một dân tộc, một thời kỳ, một nền văn hóa đặc trưng. Hiện nay, theo tôi, mới chỉ có một số bảo tàng của ta như bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, hay là Bảo tàng Quảng Ninh… làm được điều này, trở thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch không chỉ ở không gian kiến trúc mà cả hiện vật trưng bày. Còn lại phần lớn các bảo tàng chưa đáp ứng được, tôi thấy thật tiếc và buồn vì một nguồn lực lớn của quốc gia đã bị hao tổn để xây dựng những bảo tàng ngàn tỉ rồi để không, mà Bảo tàng Hà Nội là một ví dụ…”. P.H (ghi) |
Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh hoàn thành 10.2013 - công trình kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tác phẩm của một trong 10 kiến trúc sư hàng đầu thế giới theo trường phái Hậu hiện đại ông - Salvador Perez Arroyo, quốc tịch Tây Ban Nha. Năm 2014, đã được trao giải thưởng Công trình của năm - một giải thưởng trong làng kiến trúc Việt do trang thông tin điện tử Ashui - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tổ chức. Ảnh: Â.T |
Theo Lao động