Hai câu chuyện về siêu dự án bảo tàng lịch sử quốc gia mới dự tính trị giá nửa tỉ USD (trên 11.000 tỉ đồng) và một nhà hát 5 triệu USD (tương đương 117 tỉ đồng) xây dở dang rồi bỏ hoang là câu chuyện nóng được bàn tán nhiều trong những ngày qua.
Nhà hát 117 tỉ bỏ hoang cả nửa năm nay. Ảnh: Zing |
Hồi đầu năm, dư luận có dịp sôi sục về chuyện huyện Đan Phượng Hà Nội 'chơi sang' chi tới hơn 117 tỉ đồng để xây 1 nhà hát trên tổng diện tích sàn 7.100 m2, có sức chứa ngang ngửa Nhà hát Lớn. Công trình bắt đầu được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012, sau 2 năm thì dừng hẳn và đắp chiếu từ đó đến nay do... thiếu vốn.
Trong khi nhiều đơn vị thiếu chỗ biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam không có sân khấu riêng, có nhà hát ở trung tâm thành phố đã xuống cấp hoặc không dùng đúng chức năng thì thật tréo ngoe khi một số tiền không nhỏ từ thuế của người dân lại bị đổ vào một nhà hát cấp huyện rồi bỏ hoang làm chỗ trú cho chuột.
Chợt nhớ đến đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020" trị giá gần 11.000 tỉ. Theo đó, tổng số vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng.
Đặc biệt trong dự án có đề cập đến việc xây mới 51 nhà hát (11 nhà hát có quy mô lớn từ 2000-2500 ghế; 4000 nhà hát có quy mô lớn từ 1000-2000 ghế) tại các tỉnh, thành phố. Không biết chúng có bị rơi vào cảnh xây dựng rồi bỏ hoang phí như nhà hát ở huyện Đan Phượng vừa rồi?
Tuy nhiên, dư luận lại đang chú ý đến một thông tin khác, cũng liên quan đến các công trình công cộng có giá trị lên đến cả ngàn tỉ đồng. Mới đây cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Và theo dự kiến ban đầu, số tiền đầu tư cho dự án công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là 11.277 tỉ đồng (tương đương nửa tỉ USD). Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng bởi số tiền này chỉ dùng để xây vỏ bảo tàng và chưa bao gồm việc xây dựng nội dung trưng bày bên trong.
Kế hoạch xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia đã khởi động cách đây 8 năm, và theo dự kiến ban đầu nó sẽ hoàn thành vào năm sau. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà siêu bảo tàng này đến giờ vẫn chưa khởi công. |
Thực ra đây không phải là tin mới, bởi cách đây 3 năm, câu chuyện siêu bảo tàng lịch sử quốc gia 11.277 tỉ đã từng gây xôn xao trong dư luận. Bảo tàng được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới Tây Hồ Tây Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10 ha và được cho là bảo tàng lớn nhất từ trước đến nay.
Nhiều chuyên gia đồng tình với việc cần thiết phải có
một bảo tàng xứng tầm quốc gia, nhưng lại đặt câu hỏi về việc có cần thiết phải
đầu tư lớn như vậy và xây dựng ở thời điểm này. Chuyên gia truyền thông Nguyễn
Đình Thành, thạc sĩ quản trị văn hóa tốt nghiệp tại Pháp từng đặt vấn đề trên
Vietnamnet rằng 'nên chờ 20 năm nữa' hãy xây bảo tàng quốc gia lớn như vậy. Vì xét điều kiện lúc này thì chưa phù hợp.
Dư luận hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về hiệu quả của một siêu bảo tàng. Bởi, một bảo tàng hút khách không nằm ở cái vỏ hoành tráng, số tiền đầu tư 'khủng' mà là trưng bày gì, có gì để thu hút người xem. Số tiền 11.277 tỉ dự kiến xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia mới chỉ là chi phí xây cái khung, chưa tính chi phí dành cho việc trưng bày. Và làm thế nào để lấp đầy một siêu bảo tàng rộng lớn và mang tầm quốc gia vẫn là câu hỏi khó ngay cả với các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bảo tàng Hà Nội |
Câu chuyện xây bảo tàng rỗng ruột vắng hoe từ câu chuyện của bảo tàng Hà Nội vẫn là bài học nhãn tiền mà đến nay vẫn được nhắc đi nhắc lại như một dấu ấn buồn của ngành bảo tàng. Cách đây 5 năm, bảo tàng Hà Nội đã kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngoài số tiền đầu tư lên tới 2300 tỉ đồng cùng kinh phí xây dựng nội dung trưng bày khiến cho công trình này lên tới trên 3000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm vận hành, bảo tàng Hà Nội vẫn chủ yếu chỉ là cái vỏ với hiện vật khiêm tốn và rất ít khách ghé thăm.
Bảo tàng Hà Nội là minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện xây những công trình hoành tráng, tốn kém nhưng rỗng ruột, thiếu sức hút và không có hiệu suất sử dụng cao. Chính vì vậy, câu hỏi nhiều người đặt ra là khi hoàn thành, liệu bảo tàng lịch sử quốc gia có rơi vào hoàn cảnh tương tự như bảo tàng Hà Nội?
Hạnh Phương