Ngân sách địa phương theo đó sẽ thất thu nhưng ngân hàng sẽ dễ thở hơn khi xử lý nợ xấu...

{keywords}

Ảnh minh hoạ: L.Th

Theo tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, doanh nghiệp được bù trừ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bù trừ một chiều

Bộ Tài chính cho biết, trước năm 2004, tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Từ 1/1/2004, hoạt động kê khai và nộp thuế được tính riêng và không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2008, thu nhập từ chuyển nhượng BĐS còn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định này trong giai đoạn đó là phù hợp với thực tế, bởi vì khi đó lĩnh vực BĐS đang phát triển, lợi nhuận thu được từ BĐS thường là lợi nhuận siêu ngạch nên việc quy định thu nhập từ chuyển nhượng BĐS phải kê khai, nộp thuế riêng và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần nhằm tăng thu cho ngân sách và hạn chế đầu cơ (mua đi bán lại) BĐS.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, thị trường BĐS trầm lắng, thậm chí có giai đoạn rơi vào tình trạng đóng băng. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực BĐS không còn lãi mà thậm chí còn bị lỗ.

Trên thực tế, Luật thuế TNDN số 32/2013/QH12 (áp dụng từ 1/1/2014) đã cho phép doanh nghiệp được bù trừ thu nhập từ kinh doanh BĐS với thu nhập từ sản xuất kinh doanh nhưng mới chỉ một chiều. Tức là hiện doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh BĐS với lãi sản xuất kinh doanh. Còn nếu kinh doanh BĐS có lãi doanh nghiệp vẫn không được bù trừ mà phải kê khai và nộp thuế riêng.

Ngân hàng cười, địa phương mếu?

Theo “kêu ca” từ các ngân hàng, hệ thống đang phải gấp rút xử lý nợ xấu, trong đó việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay là BĐS gặp nút thắt. Khi doanh nghiệp chỉ được bù trừ một chiều như trên thì họ sẽ phải ưu tiên nộp thuế trước (trong 10 ngày từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế). Trong khi đó, sản xuất kinh doanh lại bị lỗ và nợ ngân hàng chất chồng. Nhiều trường hợp nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng.

Nếu cho phép doanh nghiệp được bù trừ hai chiều, việc bù trừ lãi lỗ sẽ thực hiện trên sổ sách của doanh nghiệp. Còn khoản tiền bán tài sản bảo đảm vẫn dùng để trả nợ ngân hàng. Nếu sau khi bù trừ vẫn còn tiền, doanh nghiệp mới kê khai, nộp thuế TNDN. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không cần phải hạch toán riêng, giảm được khá nhiều thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, việc cho bù trừ như trên sẽ gây thất thu cho ngân sách địa phương bởi BĐS do địa phương quản lý nhưng doanh nghiệp sẽ kê khai, nộp thuế tại trụ sở chính.

Để giải quyết khúc mắc này, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ nên cho nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng doanh nghiệp có thu nhập từ BĐS vẫn kê khai, nộp thuế cùng với thu nhập từ sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính nhưng cũng sẽ phân bổ nguồn thu từ chuyển nhượng BĐS cho địa phương.

Theo Báo Giao thông

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn