Còn nhiều “nút thắt”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, mặc dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực hơn hai tháng nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết. Do đó, khách hàng ngoại vẫn trong trạng thái tâm lý chờ đợi những quy định dưới luật được hướng dẫn như thế nào rồi mới quyết định.
Ngoài ra, các rào cản về mặt thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài và Việt kiều. Theo quy định, muốn sở hữu nhà Việt kiều phải có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt là giấy khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Tuy nhiên, việc xác minh nguồn gốc đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian, chưa nói đến việc họ phải trả một khoản phí dịch vụ không hề nhỏ để thực hiện thủ tục.
Người nước ngoài còn ngại khi mua nhà tại Việt Nam Người nước ngoài và Việt kiều đang chờ văn bản hướng dẫn để được mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Cảnh Nhật |
Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư bất động sản (BĐS), ông Đặng Chính Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Nam cho rằng, quy định giới hạn cho phép người nước ngoài được phép sở hữu hoặc cho thuê 30% căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự, nhà liền kề đang là rào cản, bởi một số khu vực tại TP HCM có lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc rất đông.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, mặc dù điều luật này hướng đến đối tượng là khách hàng nước ngoài, Việt kiều nhưng các văn bản luật chính thức lại không được chuyển sang các ngôn ngữ quốc tế nên gây khó khăn cho người nước ngoài tìm hiểu luật. Ngoài ra, một số quy định khác như người nước ngoài không được trực tiếp đăng ký thuê bao đồng hồ điện, không được vay vốn ngân hàng... cũng đang cản trở người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Sớm ban hành văn bản hướng dẫn
Để tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin về dự án, số lượng căn hộ, điều kiện mua nhà đối với khách hàng là người nước ngoài... Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục về xác định nhân thân của người mua là người nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà.
Đối với quy định về thời hạn sở hữu 50 năm, các chuyên gia cho rằng quy định này có thể làm hạn chế những người mua nhà làm tài sản lâu dài và để lại thừa kế, hoặc chuyển nhượng. Vì vậy, các cơ quan ban, ngành nên xem xét để tăng thời hạn sở hữu nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng quy định thời hạn gia hạn tối đa bằng với thời hạn sở hữu nhà lần đầu.
Dưới góc độ là chuyên gia tư vấn chiến lược, cũng là Việt kiều Canada, ông Robert Trần chia sẻ: “Muốn có được khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều, trong thời gian tới doanh nghiệp trong nước cần điều chỉnh mô hình kinh doanh. Ngoài sản phẩm chất lượng, cần phải có cách tiếp cận rõ ràng, nhân viên tư vấn cần phải làm cho khách hàng tin tưởng”.
Luật Nhà ở 2014 được xem là bước đột phá mới, các chuyên gia kỳ vọng các “nút thắt” được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, Việt kiều được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, phát triển thị trường BĐS.
Theo Báo Thanh tra
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn |