- Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội không dám khẳng định sự an toàn của đường nước sông Đà khi trao đổi với Góc nhìn thẳng. Ông cũng đưa ra ý kiến về việc người dân thi nhau dự đoán lần vỡ tiếp theo của đường ống này.

Nhà báo Thu Lý: Đường ống nước Sông Đà lại vỡ lần thứ 15 khiến cho 70 nghìn hộ dân Hà Nội rơi vào cảnh khốn khổ bởi thiếu nước trầm trọng.

Phóng viên Góc nhìn thẳng đã trao đổi với ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng quản lý hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội). Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nhà báo Thu Lý: Thưa ông với tình trạng cứ khắc phục xong lại vỡ thì liệu trong tương lai đường ống này có đảm bảo được an toàn?

Ông Lê Hồng Quân: Như các bạn đã biết, lần vỡ ống lần này là lần vỡ thứ 15. Và nếu tính đếm kỹ thì số điểm vỡ còn hơn hẳn con số 15. Nguyên nhân thì cũng đã sơ bộ đánh giá ban đầu theo kết luận của Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân là vật liệu ống không phù hợp. Và qua theo dõi của Sở Xây dựng qua các lần vỡ từ 2012 đến nay, qua 15 lần vỡ, chúng tôi theo dõi thấy rằng cũng không có một quy luật nào về mặt tần suất xảy ra vỡ, bao nhiêu lâu, bao nhiêu tháng và mùa nào thì xảy ra vỡ. Về vị trí, thì chủ yếu tập trung ở phía bên trên đường phía Láng Hòa Lạc. Đó là đoạn chịu áp lực cao nhất của đường ống. Bên cạnh đó, quan sát điểm vỡ đều thấy xây xước thân ống, xé ống, vỡ ống, có thể do vật liệu không phù hợp.

{keywords}
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì đường ống nước sông Đà vỡ nhiều lần.

Không thể đảm bảo có vỡ hay không vỡ nữa, cũng không thể khẳng định nó an toàn hoặc không vỡ nữa. Nói khác đi, trong các cuộc phỏng vấn trước đây, chúng tôi cũng có nói là nguy cơ vẫn rất tiềm ẩn và nói là nhân dân yên tâm thì chúng tôi không dám khẳng định việc này.

Nhà báo Thu Lý: Vậy thưa ông, với chất lượng như ông vừa trả lời liệu người dân thủ đô có thể yên tâm trong tương lai gần về việc cuộc sống của họ sẽ không bị xáo trộn khi mà sự cố đường ống nước có thể tiếp tục xảy ra?

Ông Lê Hồng Quân: Bất cứ một sự cố nào về hệ thống nói chung và về đường ống cấp nước nói riêng thì đều dẫn đến ảnh hưởng đối với người dân, người sử dụng tùy theo mức độ cũng như quy mô hay phạm vi phục vụ tuyến ống đó. Tuy nhiên, đối với tuyến ống cấp nước từ nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội đây là tuyến ống có đường kính lớn 1500 - 1600 và phạm vi cấp nước rất rộng trong đó hầu hết là 3 quận, một phần ở các quận khác và huyện Thanh Trì cho nên phạm vi, quy mô phục vụ như vậy khi có sự cố xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn.

Nguồn nước sạch cho nhân dân đô thị là nguồn nước thiết yếu đối với sinh hoạt nên khi cấp nước nước không ổn định, an toàn thì rõ ràng xáo trộn cuộc sống.Theo quan điểm cá nhân tôi, trừ khi có một giải pháp cơ bản là phải thay thế tuyến ống này bằng một tuyến ống khác đảm bảo chất lượng hơn thì chúng ta mới loại bỏ ảnh hưởng cũng như xáo trộn đời sống của nhân dân

Nhà báo Thu Lý: Các ông nghĩ thế nào về một công trình lớn như vậy nhưng chất lượng lại tệ đến mức mà cư dân mạng hiện giờ đang thi nhau dự đoán lần vỡ tiếp theo của đường ống nước Sông Đà?

Ông Lê Hồng Quân: Đây là công trình đầu tư xây dựng mà nhà đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex. Phía Tổng Công ty Vinaconex cũng đã đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009. Chúng tôi không đi vào đặt vấn đề việc chủ đầu tư, nhà đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai dự án có đúng hay không đúng quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng mà chúng tôi chỉ xin trả lời rằng trên thực tế có 14, 15 lần vỡ như vậy và kiển tra thực tế kiểm tra bằng mắt, thì thấy rằng chất lượng ống không phù hợp. Và như báo chí đặt vấn đề là chất lượng tệ đến vậy thì quả thực một tuyến ống có vai trò hết sức quan trong, phạm vi, quy mô phục vụ rộng như thế, từng ấy hộ dân mà chất lượng kém và xảy ra vỡ liên tục như thế để nhân dân phải nay đoán vỡ, mai đoán vỡ thì đây là điều không đáng có và quả thực về mặt đầu tư và chất lượng thì cũng khó chấp nhận.

{keywords}
Rất nhiều dụng cụ trong nhà mang đi để lấy nước sạch.

Nhà báo Thu Lý: Thưa ông, nếu như sắp tới đây đường ống nước lại tiếp tục vỡ thì theo ông cần có một giải pháp nào để những người dân sinh sống mà phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi việc vỡ ống nước này không còn bị xáo trộn cuộc sống?

Ông Lê Hồng Quân: Đặt vấn đề về giải pháp thì điều này đã từng được đặt vấn đề từ trước đây trước thời điểm này chứ không phải tại thời điểm này hay đến lần vỡ thứ 15. Trách nhiệm chủ đầu tư thì họ vẫn phải tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 của dự án cấp nước Sông Đà, trong đó có việc nâng công suất nhà máy, đầu tư xây dựng thêm một tuyến ống nữa để đưa nước về nội thành Hà Nội. Dự án đó thì Tổng Công ty Vinaconex cũng đã triển khai. Tuy nhiên, vẫn phải theo trình tự, thủ tục, quy định của Chính phủ cho nên Tổng Công ty Vinaconex dự kiến sẽ khởi công vào ngày 7 tháng 10 tới đây.

Tôi cho rằng đó là giải pháp cơ bản. Ống mà hỏng đến độ hỏng nhiều quá thì phải thay thế và chừng nào thay thế được thì lúc đó mới đảm bảo được việc cung cấp nước an toàn. Còn tất cả các giải pháp khác từ này cho đến lúc đầu tư hoàn thành tuyến ống số 2 thì các việc làm thường xuyên khi có sự cố xảy ra đó là các công ty nước sạch phải tập trung vận hành mạng lưới, phân khu và cấp nước theo giờ ở các khu vực hoặc các giải pháp khác như hỗ trợ giữa các khu vực rồi cả giải pháp bất khả kháng với những khu vực ở xa, sâu trong ngõ ngách thì huy động lực lượng xe téc. Tất cả các giải pháp đó cũng chỉ là để giảm thiểu các ảnh hưởng thôi chứ không giải quyết được cái căn bản của vấn đề.

Nhà báo Thu Lý: Xin cảm ơn ông. Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi, xin chào và hẹn gặp lại.

VietNamNet