Tỷ lệ thất thoát nước rất cao, cộng với quản lý yếu kém… đã được tính hết vào giá thành để bán nước sinh hoạt cho người dân.

Giá bán nước sạch ở Hà Nội đã chính thức tăng. Trớ trêu thay, đúng những ngày tăng giá nước sạch thì những người dân sống ở giữa Thủ đô lại chịu cảnh “khóc dở, mếu dở” vì không có nước sinh hoạt. Nguồn nước cấp cho bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng bị “cắt” nên khiến nhiều sản phụ phải “nhịn đẻ”. Bệnh viện chỉ ưu tiên cho các thai phụ trong tình trạng “khẩn cấp”. Và trước đó chưa đầy 1 tuần thì Bệnh viện 198 Bộ Công an cũng trong tình cảnh “xô chậu” đầy viện, phải xin nước sạch về cho bệnh nhân chạy thận… Còn người dân ở những khu vực bị mất nước sinh hoạt thì phải “nhịn” đi vệ sinh, tắm giặt… Còn biết bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười mà người dân phải gánh chịu do sự tắc trách mà chưa thể liệt kê hết.

{keywords}

Đang trong lúc này, việc tăng giá nước sinh hoạt lại như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến người dân bức xúc hơn. Khi chất lượng hàng hóa dịch vụ được nâng lên thì tăng giá đã đành. Đằng này, do độc quyền kinh doanh nên ngành nước muốn “làm giời, làm biển” gì thì người dân cũng phải theo.

Chưa kể, nói là kinh doanh nước sạch nhưng chẳng ai tin đó là nước sạch. Bởi đường ống nước suốt ngày bị vỡ, bị đục đẽo khắp nơi. Riêng đường ống nước sông Đà, từ khi xây dựng xong đến nay đã trải qua 15 lần vỡ, số lần vỡ ống nước mỗi năm lại tăng lên. Mỗi lần bị vỡ đường ống nước như vậy thì chắc chắn tỷ lệ thất thoát lại tăng lên, chất lượng nước sẽ bị ảnh hưởng chứ không thể nói là “sạch” được.

Tại sao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cung cấp nước không mấy cải thiện mà ngành nước liên tục tăng giá theo đúng “lộ trình”?.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay đang ở mức khoảng 33% và đến năm 2018 công ty này phấn đấu sẽ giảm xuống còn 30%. Mỗi ngày Sawaco sản xuất 1,7 triệu m3 nước sạch thì với tỷ lệ thất thoát được công bố sẽ có khoảng 540.000 m3 bị biến mất. Nếu lấy con số thất thoát này nhân với giá nước bình quân hiện nay là 5.300 đồng/m3, thì mỗi năm khoản tiền bị “rò rỉ” cũng lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Và nếu đến năm 2018, tỷ lệ thất thoát mới giảm được thêm 3% thì việc người dân mất tiền cho những yếu kém của ngành nước vẫn còn dài dài.

Còn tại Hà Nội, hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch là 23% (một số công bố nói rằng chỉ khoảng 18%). Nhưng như đã nói ở trên, đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, cộng với tình trạng người dân đục trộm ống, những đường dẫn nhánh bị vỡ, hỏng… lâu lâu mới được phát hiện thì con số thất thoát mà cuối cùng mỗi người dân phải gánh cũng không thể dừng ở mức nhỏ được.

Lý do tăng giá nước ở Hà Nội là để bù đắp hàng loạt chi phí sản xuất kinh doanh tăng như tiền điện, tiền lương, chi phí khấu hao, hóa chất.. Đây rõ ràng là một qui trình “ngược” trong kinh doanh. Bởi thay vì phải dùng một khoản tiền khác để cải thiện hạ tầng cấp nước, chất lượng nước sau đó mới tính đến phương án tăng giá thì ngành nước lại tìm cách “bổ” vào đầu người dân trước. Theo tính toán của ngành nước, việc tăng giá lần này cũng chỉ khiến bình quân mỗi gia đình phải trả thêm từ 15.000 – 20.000 đồng/tháng/hộ. Với cách kinh doanh như hiện nay thì muôn đời người dân không thoát khỏi cảnh bỏ tiền ra mua nước sạch lại mua luôn cả sự bức xúc./.

Theo VOV