Đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đến tháng 6/2018...

Đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đến tháng 6/2018 của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), song một số doanh nghiệp địa ốc cho rằng, không nên đòi hỏi lãi suất cho vay thấp hơn nữa vì nhiều lĩnh vực khác cũng đang cần vốn.

{keywords}

Nhu cầu vay vốn mua nhà rất lớn, song tốc độ giải ngân rất chậm do điều kiện tiếp cận tín dụng còn chặt chẽ - Ảnh: Thu Hằng

Tỷ lệ giải ngân mới đạt 26%

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, sở dĩ HoREA đề xuất kéo dài thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đến 30/5/2018 do gói hỗ trợ “đóng” vào ngày 31/5/2016, nhưng đến 15/9, tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 26%. HoREA đánh giá kết quả này là “quá thấp, quá chậm và chưa đạt như kỳ vọng”. Bên cạnh đó, hiện chỉ có Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các NHTM tham gia chương trình được dành 3% dư nợ tín dụng của năm trước liền kề cho vay. Trong khi đó, luật nhà ở chưa có cơ chế hình thành nguồn tín dụng cho BĐS.

Ngoài kéo dài thời gian, HoREA còn đề xuất hạ lãi suất cho vay vốn xuống 4%-4,5%/năm áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng và 3-5%/năm đối với nhà ở xã hội. “Năm 2016, lạm phát được dự báo sẽ không quá cao nên lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với các ngành nói chung chứ không chỉ BĐS sẽ giảm”, ông Lê Hoàng Châu giải thích và cho rằng, mức lãi suất đề xuất trên là mức phổ biến trên thế giới.

Đồng ý với đề xuất trên của HoREA, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng GĐ Công ty BĐS HANHUD, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nếu tới thời điểm 30/5/2016, nguồn vốn của gói tín dụng vẫn còn thì nên kéo dài thời hạn để thêm nhiều người dân được hưởng lợi từ gói ưu đãi này.

Không nên đòi hỏi lãi suất thấp hơn nữa?

Theo lý giải của ông Đính, sở dĩ tỷ lệ giải ngân gói 30 nghìn tỷ thời gian qua thấp bởi với lĩnh vực BĐS, thời gian hoàn thành cho một dự án rất dài. “Từ khi chủ đầu tư có chủ trương thực hiện dự án cho tới khi thực hiện có thể mất 2-3 năm. Trong thời gian vừa rồi các dự án nhà ở xã hội khá khiêm tốn và chủ yếu là từ nhiều dự án có sẵn chuyển sang làm nhà ở xã hội. Còn với các dự án nhà ở xã hội triển khai theo chính sách thì tôi dự đoán là cuối năm nay và sang năm sẽ có hàng trăm dự án bung ra thị trường. Đặc biệt tại TP HCM và khu vực Nam Bộ”, Tổng GĐ Công ty BĐS HANHUD nhận định, đến lúc đó, tốc độ giải ngân của gói này sẽ tăng lên rất nhanh.

Còn về việc giảm lãi suất cho vay như đề xuất của HoREA, ông Đính cho rằng, hiện lạm phát thấp nhưng nền kinh tế còn yếu, mức tăng trưởng GDP 2015 được dự báo chỉ quanh mức 6,5%. Do đó, lãi suất dành cho gói này và lĩnh vực BĐS vẫn nên căn cứ trên tổng thể bức tranh chung của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, lãi suất cho vay theo gói 30 nghìn tỷ ở mức 5%/năm là hợp lý. “Mình không nên ích kỷ khi muốn lãi suất thấp hơn nữa vì còn nhiều ngành nghề khác nữa cũng đang khó khăn và rất cần vốn”, ông Đực cho hay. Ông phân tích, nguyên nhân khiến gói 30 nghìn tỷ giải ngân thấp không phải vấn đề thời gian triển khai ngắn nên nếu có kéo dài thời gian tới 2018 hay 2020 cũng không đẩy nhanh được. “Nguyên nhân quan trọng là do chính sách triển khai chưa đồng bộ. Chính vì thế, cần phải gỡ cái “nút” đang “buộc” chính sách lại”, ông Đực ví von.

* HoREA cũng kiến nghị thời hạn cho vay đối với nhà ở xã hội kéo dài lên 20 năm thay vì 15 năm như hiện nay, thời gian đặt cọc là 1-3 tháng thay vì 3-6 tháng như hiện hành, tỷ lệ vay vốn cũng tăng lên 80-20 (vay 80% và 20 vốn tự có) thay vì 70-30 như một số ý kiến đề xuất.

* Đến hết ngày 15/9, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP HCM đã ký cam kết tín dụng 4.390,55 tỷ đồng với 5.644 khách hàng. Số tiền đã giải ngân trên địa bàn là 2.562,85 tỷ đồng; Trong đó 1.921,27 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình vay; 641,58 tỷ đồng cho 5 khách hàng doanh nghiệp vay.

Theo Báo Giao thông