Hơn 3 tháng quy định bảo lãnh theo Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng để gỡ rối cho quy định này.

Về giới hạn cấp tín dụng, HoREA kiến nghị, cần sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2010, nới trần giới hạn cấp tín dụng để tạo điều kiện thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, tại Điều 128 về giới hạn cấp tín dụng đã quy định: "Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đới với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (...), tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại...".

Về các cơ chế bảo lãnh phù hợp đặc thù của thị trường bất động sản, HoREA cũng kiến nghị 5 nhóm giải pháp.

{keywords}

Thứ nhất: Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng "quy định nội bộ của tổ chức tín dụng" theo hướng ngân hàng ưu tiên thực hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, không cần phải ký quỹ, hoặc không cần phải có tài sản bảo đảm, trong trường hợp tất cả các chủ thể liên quan đến dự án đó (Chủ đầu tư; nhà thầu xây dựng; nhà cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất; đơn vị tư vấn; người tiêu dùng), đều mở tài khoản hoạt động tại cùng ngân hàng.

Thứ 2: Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại không áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản cho các trường hợp chủ đầu tư dự án bất động sản có uy tín thương hiệu; có năng lực, đang triển khai thực hiện dự án đúng kế hoạch, tiến độ, và "tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, bên được bảo lãnh không vi phạm trong quan hệ cấp tín dụng, thanh toán tại tổ chức tín dụng” (như đã quy định trước đây tại khoản (2.c) điều 17 Thông tư 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đã không được tiếp tục quy định trong Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015).

Thứ 3: Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép trường hợp người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai không yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng, thì không bắt buộc chủ đầu tư thực hiện bảo lãnh ngân hàng (Trường hợp này xảy ra đối với các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và được người tiêu dùng tin cậy).

Thứ 4: Do đặc thù hoạt động của thị trường bất động sản, hầu hết chủ đầu tư đều bán nhà ở hình thành trong tương lai theo từng đợt, thanh toán cũng theo tiến độ thực hiện dự án, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương thức vận dụng thích hợp khi thực hiện bảo lãnh ngân hàng, không để việc bảo lãnh ngân hàng trở thành gánh nặng cho chủ đầu tư, hoặc làm phát sinh thêm chi phí mà có thể người tiêu dùng là người phải gánh chịu khi mua nhà.

Thứ 5: Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho thí điểm các công ty bảo hiểm có năng lực được tham gia thực hiện bảo hiểm rủi ro trong giao kết hợp đồng mua bán (hoặc thuê mua) nhà ở hình thành trong tương lai. Việc cho phép công ty bảo hiểm tham gia sẽ làm tăng thêm nguồn lực để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời với phương thức hoạt động bảo hiểm (không cần tài sản đảm bảo, chỉ thu phí bảo hiểm) sẽ không là gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Quốc Tuấn