Sức tiêu thụ ở các dự án mới luôn đạt ở mức 80%, số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực bất động sản tăng 78,7%, số doanh nghiệp giải thể giảm 30%, FDI vào lĩnh vực bất động sản cấp mới thêm là 1,81 tỷ USD.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong tháng 9 có khoảng 1.600 giao dịch thành công, giảm 16% so với tháng trước, tăng gần 40% so với cùng thời điểm năm 2014.
Hà Nội có 5.300 giao dịch thành công, tăng 70% so với số giao dịch thành công của cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường khu vực phía Tây Hà Nội đã và đang có dấu hiệu phát triển mạnh trở lại với hàng loạt các dự án căn hộ tại các phân khúc khác nhau. Từ nhà thu nhập thấp, chung cư thương mại giá rẻ tới cao cấp được bung ra thị trường như HP Landmark Tower, Goldsilk Complex, Gemek Tower, Thăng Long Victory, The Vesta, PCC1 Complex, The Crown Mulberry Lane... ồ ạt bung hàng.
Thị trường bất động sản đang có những phục hồi tích cực (Ảnh minh họa) |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh phân khúc biệt thự và nhà liền kề tính đến quý 3/2015 có khoảng 1.680 căn, tăng 47% so với quý 2/2015, tập trung chủ yếu ở quận 9 và Gò Vấp. Cũng chỉ tính riêng trong một tuần lễ đồng loạt các dự án căn hộ cao cấp được tung ra thị trường như Sarica Condominium (quy mô 175 căn), Sadora Apartment (621 căn), Sarimi (368 căn), Creed Group (480 căn), Hưng Phát Silver Star(447 căn),…
Về giá bán, tại một số dự án đang hoàn thiện, có vị trí tốt, giá tăng khoảng 2% - 4% so với hồi đầu năm. Các dự án có căn hộ nhỏ, chủ đầu tư có uy tín, tiến độ tốt có số lượng giao dịch nhiều. Ngoài ra, dự án căn hộ chung cư trung, cao cấp đang triển khai có vị trí đẹp, với tiến độ nhanh được nhiều khách hàng quan tâm, nhất là ở các dự án mới mở bán. Sức tiêu thụ tại các dự án mới luôn đạt công suất trên 80%.
Thị trường bất động sản phục hồi tích cực kéo theo lượng tồn kho bất động sản giảm theo. Tính đến cuối 9/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 59.395 tỷ đồng (giảm 69.153 tỷ đồng so với quý I/2013; giảm 904 tỷ đồng so với thời điểm 20/8/2015). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương có lượng tồn kho bất động sản giảm sâu nhất: Hà Nội lượng tồn kho còn khoảng 7.550 tỷ đồng (giảm 218 tỷ đồng so với tháng 8/2015); Thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 11.368 tỷ đồng ( giảm 290 tỷ đồng so với tháng 8/2015).
Bức tranh thị trường tươi sáng đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng loạt doanh nghiệp bất động sản mới được khai sinh. Trong 9 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tăng vượt trội đến 78,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp giải thể giảm đến 30%, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng chung của nền kinh tế là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản. Hiện tại tăng trưởng GDP Việt Nam đạt tốc độ khá nhanh với 6,5% - mức cao nhất kể từ năm 2010. Thị trường ổn định tạo bàn đạp vững chắc cho các chủ đầu tư tự tin phát triển các dự án mới.
Niền tin của người mua vào thị trường góp phần thúc đẩy sức mua tăng và xu hướng tích cực này sẽ còn tiếp tục cho đến hết năm 2016. Việt Nam đang có những thuận lợi rất rõ ràng so với các thị trường khác trong khu vực. Sức hút lớn của thị trường BĐS Việt Nam thể hiện rõ qua việc nguồn vốn đầu tư FDI đổ vào trong 9 tháng đầu năm tăng cao. Lượng vốn FDI giải ngân cho BĐS cũng tăng thêm 1,81 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm nay các hiệp định thương mại mới được ký kết sẽ còn mang lại nhiều thuận lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên Việt Nam cần phải giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng từ trước đến nay như sự thiếu minh bạch trong các chính sách quản lý của nhà nước, tình trạng nợ xấu, nợ công, thiếu các chính sách hướng dẫn và còn nhiều bó buộc đối với nhà đầu tư quốc tế.
Quang Thậm