Trong mỗi dự án đươc tung ra thị trường người ta vẫn thường thấy bóng dáng của đội ngũ nhân viên kinh doanh bất động sản hay còn gọi với cái tên khác thân quen hơn “cò” bất động sản (BĐS). Mỗi khi có nhu cầu, người mua vẫn thường tìm đến những sàn giao dịch BĐS nơi mà khách hàng có thể biết được đầy đủ những thông tin về dự án. Dư luận từng có nhiều ý kiến trái chiều về “cò” nhà đất: tốt cũng có, mà dở cũng không thiếu. Song, dường như đã có một luật bất thành văn trong giới “cò” BĐS rằng: những bí mật nghề nghiệp của “cò” thì chỉ những người trong giới “cò” mới biết.

Để trở thành một nhà môi giới nhà đất hợp pháp, thông thường các nhân viên kinh doanh phải tham gia khóa học bắt buộc và thi để được nhận chứng chỉ. Chứng chỉ này không chỉ thể hiện trình độ của nhà môi giới mà còn chứng tỏ môi giới là một nghề nghiệp thực thụ và không phải lừa đảo.

Nhưng không phải nhân viên kinh doanh BĐS nào cũng trải qua như vậy như vậy. Thế nên mới có những câu chuyện thú vị về giới kinh doanh BĐS – giới “cò”.

{keywords}

Những dự án mới mở luôn tấp nập những nhà môi giới BĐS

Ai cũng biết rằng “cò” nhà đất sống bằng tiền phần trăm và tiền chênh lệch trong việc làm trung gian mua bán nhà đất. Trên thực tế thì tiền phần trăm và tiền chênh lệch là nguồn thu chính của “cò” nhà đất. Vì vậy, thị trường nhà đất càng sốt, những dự án “hot” càng nhiều, càng nằm ở vị trí đắc địa, người mua nhà càng nhiều thì “cò” nhà đất càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

Bởi ngoài tiền phần trăm thu được từ cả bên bán lẫn bên mua, khi thị trường đang trong cơn sốt, “cò” dễ dàng khống chế, nâng mức giá bán để ăn tiền chênh lệch.

Tuy nhiên, thị trường nhà đất không phải lúc nào cũng trong cơn sốt để “cò” nhà đất có thể “ngồi mát ăn bát vàng”. Bởi sốt nhà đất có khi chỉ diễn ra trong một thời điểm rất ngắn trong năm. Qua cơn sốt, giao dịch ít đi cũng là lúc sự cạnh tranh giữa “cò” diễn ra khốc liệt nhất.

Chị P.L.C – một nhân viên kinh doanh bất động sản trên đường Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, thực chất cái nghề môi giới BĐS chính là bán trên sự từ chối của người khác. “Một nhân viên môi giới BĐS đôi khi không cần bằng cấp, không phải đỗ đại học này, cao đẳng kia chỉ cần dẻo mồm là được. Công ty môi giới BĐS họ cũng chẳng cần nhân viên của họ có bằng cấp, chỉ cần bán được hàng cho họ mà thôi. Thế nên người đời họ mới gọi cho cái tên ngắn gọn là “cò”.”

Ở bất cứ một công ty môi giới BĐS nào cũng chia nhân viên thành 3 mức: dự bị, thử việc, và chính thức. Nếu một nhân viên mới vào không bán được hàng sẽ không có lương – gọi là nhân viên dự bị. Khi đã bán được một căn hộ sẽ được lên thử việc còn khi bán đủ doanh số sẽ được lên nhân viên chính thức và có lương cứng.

Sau khoảng 3,4 tháng nếu không bán được sản phẩm nào sẽ bị đẩy xuống vị trí nhân viên thử việc và nhân viên dự bị. Chính vì vậy trong mỗi công ty môi giới thì việc cạnh tranh, giành giật khách của thế giới “cò” càng trở nên khốc liệt.

Sự cạnh tranh trong nghề tập trung vào hai đối tượng nhân viên cũ và nhân viên mới. Và thường là nhân viên cũ sẽ thắng thế bởi những mánh khóe, chiêu trò mà chính họ đã phải “nếm” qua để có được ngày hôm nay.

Chị H. – nhân viên của một công ty cũng nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ cho hay, 5 năm làm nghề chị trải qua đủ mọi thứ chuyện.

Từ chuyện bị khách hàng bỏ bom vì hẹn gặp nhưng không tới là chuyện bình thường như cơm bữa. Đôi khi đi tư vấn khách hàng lại bị chính những khách hàng đó tư vấn ngược lại mất hàng tiếng đồng hồ: "Có lần chị giới thiệu khách đến xem dự án, thay vì mình tư vấn cho họ về dự án họ lại quay sang tư vấn cho mình về bán hàng đa cấp với những lời lẽ còn đẹp hơn trong tranh như: “sang bên này em hoàn toàn có thể kiếm được hàng tỷ đồng chỉ sau chưa đầy một năm làm việc”. Đó là chưa kể có những khách mời đi café nhưng thực chất là muốn việc khác chứ không phải việc tìm hiểu căn hộ. Ai đời 11h đêm còn rủ đi café với xem dự án thì ai dám đi đành phải từ chối khéo để không mất lòng khách” – chị H. chia sẻ.

Đó là đối với khách hàng, còn trong công ty, không được lòng sếp sếp dí cho bán những dự án hóc búa rồi áp lực doanh số phải bán bao nhiêu căn trong 1 tháng. Rồi những chiêu trò mà nhân viên với nhau để cạnh tranh nhau. Trong mỗi sản phẩm bán được thì “cò” luôn được chiết khấu phần trăm tùy theo giá trị sản phẩm, thông thường những căn hộ trung bình rơi vào khoảng 0,5 – 0,6%. Có những khách hàng vừa gặp một môi giới xong thì ngay sau đó một môi giới khác cùng công ty lợi dụng tiếp cận, chấp nhận cắt phế hoa hồng của mình để trả cho khách – hay trong giới “cò” gọi là “cắt máu”. “Được 6 triệu đồng từ một căn hộ thì nhân viên đó sẵn sàng cắt phế luôn cho khách thêm 2 triệu đồng từ chính tiền hoa hồng của mình, thử hỏi có khách nào lại không chọn nhân viên đó.” – Chị H. kể. – “Làm cái nghề này phụ thuộc vào cái duyên, nó cũng là cái duyên bán hàng chứ không phải cứ có kiến thức là bán được đâu. Có đứa chỉ 6-7 tháng đã là nhân viên cứng, có người đến cả năm cũng chả bán được cái nào. Cũng vừa là cái lộc trời cho cũng vừa là sự khéo mồm của mỗi người, đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra.”

Có một thực tế đó là việc đẩy giá nhà đất lên cao chót vót không chỉ một mình nhân vật chính “cò” nhà đất có thể làm được. Bởi tham gia "thổi" giá nhà đất còn có cả sự góp sức của nhân vật phụ - giới truyền thông.

Hiện có rất nhiều công ty quản lý và kinh doanh BĐS lúc nào cũng rất hào hứng trả lời báo chí về thị trường BĐS. Thế nhưng, không phải câu trả lời nào của những công ty quản lý, kinh doanh BĐS này cũng vô tư, minh bạch và công bằng so với những diễn biến thực tế của thị trường. Ngoài cái việc PR tên tuổi cho chính công ty, sàn giao dịch BĐS đó thì họ luôn hướng câu chuyện đến những dự án, những căn hộ mà họ đang phân phối. Hay chỉ nghe qua vài ba câu chuyện của một số chuyên gia nhận định khu vực nào đang “hot” thì chỉ một thời gian sau bài báo đó thị trường BĐS khu vực đó lại “sốt xình xịch“ như lời bài báo đã đưa.

Minh Cường