- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN trao đổi với Góc nhìn thẳng về “cửa” vay giá rẻ cho người dân mua nhà gói 30.000 tỷ sau khi hết hạn từ 1/6 tới.
Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng |
Mấy ngày qua, hàng nghìn người dân đã ký hợp đồng vay mua nhà gói 30.000 tỷ đồng đều hốt hoảng khi nhận được thông tin sẽ phải trả lãi suất thương mại cao gấp rưỡi hiện nay kể từ 1/6 tới. Mặc dù phía ngân hàng khẳng định toàn bộ thông tin đã được công bố từ trước nhưng sự hợp lý hay chưa của quyết định này cũng cần được xem lại.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước để làm rõ câu chuyện này.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhiều người dân cho rằng, gọi là gói ba mươi nghìn tỷ thì lẽ ra nên căn cứ vào tên gói, giải ngân hết ba mươi nghìn tỷ theo lãi suất ưu đãi thì mới là hợp lý, ông suy nghĩ như thế nào về những ý kiến này?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu, góp phần hỗ trợ người dân, người thu nhập thấp và thu nhập trung bình có điều kiện cải thiện nơi ở, nơi sinh hoạt, NHNN đã ban hành Thông tư 11 về vấn đề này.
Thông tư 11 đã nêu rất rõ, được truyền thông rất rõ cách đây 3 năm và chúng tôi cũng đã chỉ dạo các NHTM phải thông tin rất rõ tới các chủ đầu tư và người dân khi vay gói này. Trong đó, có 2 điều kiện khi vay là, khi tái cấp vốn đủ 30.000 tỷ thì dừng gói này, thứ hai là đến thời điểm 3 năm, tức 36 tháng, đến 1/6/2016 là kết thúc.
Tại sao lại như vậy? Vì quy mô của gói này phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ, phụ thuộc vào chính sách điều hành tiền tệ, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như của NHNN. Trong giới hạn nhất định, các NHTM khi thực hiện cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà thì phải nói rất rõ vấn đề như vậy, thể hiện thông qua các hợp đồng tín dụng và các thông báo về gói vay.
Về phía NHNN, chúng tôi cũng đã thông tin đến tất cả người dân thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, qua việc trả lời các Đoàn Đại biểu Quốc hội qua các kỳ họp và thông tin rộng rãi trên website NHNN. Theo tôi được biết, đến giờ phút này, các NHTM cũng đã thông tin rất rõ tới các chủ đầu tư và người dân nắm bắt đầy đủ chính sách.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, rõ ràng có một hiện trạng chúng ta đều thấy người dân thấy hốt hoảng, hoang mang. Theo số liệu của Bộ Xây dựng đến 31/12/2015, mới có khoảng hơn 17.000 tỷ giải ngân trong gói 30.000 tỷ, số tiền còn lại của gói này rất lớn. Đối tượng vay chủ yếu là người lao động khó khăn và thị trường bất động sản cũng chưa thực sự hồi phục vững chắc. Tại sao, NHNN không cho kéo dài thêm chương trình này?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Chúng tôi đang yêu cầu các NHTM báo cáo số liệu này. Nhưng chắc chắn, tôi được biết đã giải ngân được mức trên 20.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng trở lại đây, tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ cao gấp gần 5 lần so với thời điểm trước. Nghĩa là, về nguồn cung nhà ở xã hội, các chủ đầu tư hiện đang gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho người dân mua nhà theo tiến độ cam kết.
Chúng tôi cũng hi vọng từ nay đến 1/6, các cam kết của NHTM với các chủ đầu tư cũng sẽ xấp xỉ mức mục tiêu ban đầu đặt ra.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy tại thời điểm này, NHNN đã có những dự trù như thế nào về các khó khăn hệ lụy nào đối với người dân vay tiền và các doanh nghiệp bán căn hộ trong gói 30.000 tỷ sau khi hết hạn và NHNN sẽ được xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Vừa qua, thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản cũng như Nghị định 100 hướng dẫn về Luật này, NHNN đã ban hành Thông tư 25 để hướng dẫn, triển khai thực hiện vấn đề này.
Trong Thông tư 25, chúng tôi đã có các giải pháp căn bản, lâu dài của đối tượng nhà ở thu nhập thấp. Các chủ đầu tư sẽ được vay với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, chúng tôi cũng đang trình Chính phủ mức lãi suất ưu đãi cũng là 5%/năm.
Đối với người thu nhập thấp, sẽ chuyển sang vay ở NH Chính sách xã hội. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo NH Chính sách xã hội xây dựng các quy trình, quy chế, đề nghị Chính phủ về nguồn lực tài chính và lãi suất. Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến trình lên Chính phủ mức lãi suất cho vay thấp hơn 5%/năm.
Như vậy, chính sách xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ đối với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có cải thiện về chỗ ở, điều kiện sinh hoạt là chính sách lâu dài, theo chương trình, theo Luật, Nghị định 100 và Thông tư 25. Sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ, việc cho vay theo các đối tượng này sẽ chuyển sang các văn bản hướng dẫn tiếp theo. NHNN đã hướng dẫn cụ thể tới các NHTM và NH Chính sách xã hội để triển khai.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về các thông tin hữu ích!
VietNamNet