Mới đây, chủ đầu tư dự án Hattoco 110 Trần Phú (Hà Nội) kêu gọi cư dân tiếp tục đóng tiền sau nhiều năm dự án bỏ hoang.

Nếu khách hàng không đóng tiền, chủ đầu tư dọa thanh lý hợp đồng. Việc này đặt ra vấn đề, chủ đầu tư sau nhiều lần thất hứa về tiến độ dự án, khách hàng đã mất niềm tin và không đóng tiền, làm sao để thúc đẩy dự án tiếp tục.

{keywords}
Dự án Hattoco sau nhiều năm đắp chiếu

Ngày 12.4, hơn một trăm khách hàng kéo đến công trường dự án Hattoco tại 110 Trần Phú yêu cầu gặp chủ đầu tư. Hơn một giờ chờ đợi, đa số khách hàng chán nản bỏ về, một nhóm nhỏ ở lại cuối cùng cũng vào được phòng bà Tổng GĐ dự án.

Trong gần 30 phút tiếp theo chỉ là cuộc tranh cãi bất tận về các yêu cầu của mỗi bên. Chủ đầu tư dự án - bà Đoàn Thị Yến Châu (GĐ Cty CP Đầu tư Ba Đình) - than vãn, dự án bỏ hoang nhiều năm khi xây tới tầng 10, từ cuối năm 2015 đến giữa tháng 4, chủ đầu tư đã nỗ lực xây tới tầng 35. Việc này thể hiện quyết tâm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư cho rằng, nếu khách hàng không đóng tiền thì dự án không thể tiếp tục thi công vì thiếu vốn.

Nhưng với đa số khách hàng thì việc chủ đầu tư có xây tới 35 tầng cũng không có gì bảo đảm chủ đầu tư sau khi thu tiền xong, dự án lại tiếp tục đắp chiếu. Bởi vậy, khách hàng kiên quyết chỉ tiếp tục đóng tiền khi có đại diện là người của khách hàng giám sát nguồn tiền đóng vào. Đến nay, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất.

Bỏ qua những tranh cãi bất tận từ hai phía, từ vụ việc, khi đưa Hợp đồng mua bán ra làm vật bảo chứng thì cả hai phía đều sai. Tất nhiên chủ đầu tư sai trước và là ngọn nguồn dẫn đến cái sai của khách hàng. Vật bảo chứng duy nhất cho tranh chấp này là Hợp đồng mua bán nhà chỉ có giá trị như tờ giấy lộn. Việc này, nếu truy nguồn đến tận cùng thì bắt đầu bằng chính quy định chỉ có ở Việt Nam, cái gọi là “Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai” (tức bán nhà trên giấy) từ lâu đã là khởi nguồn của kiện cáo.

Tuy nhiên, để khắc phục thì không dễ với nhiều lý do, mà quan trọng nhất là các tiềm lực của doanh nghiệp bất động sản nằm phần lớn ở tiền khách hàng và ngân hàng. Nghĩa là, doanh nghiệp BĐS không có tiền và lấy tiền của khách hàng để triển khai dự án.

Để khắc phục nguồn cơn này, Bộ Xây dựng tính tới phương án khả dĩ hơn là Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1.7.2015) đặt ra yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở của chủ đầu tư. Nói nôm na là, trước khi bán nhà, chủ đầu tư phải ký kết hợp đồng bảo lãnh dự án với ngân hàng, trường hợp chủ đầu tư không có tiền tiếp tục dự án thì đã có ngân hàng có bỏ vốn để dự án hoàn thiện.

Tuy vậy, quy định ngân hàng bảo lãnh dự án BĐS cũng không có quy định hồi tố. Nghĩa là, các dự án bỏ hoang nhiều năm nay tái khởi động trở lại không nằm quy định này. Và nghiễm nhiên, hàng trăm dự án bỏ hoang tràn lan tại Hà Nội và TPHCM, khi khởi động trở lại cũng không có bất cứ ngân hàng nào vào bảo lãnh.

Quay trở lại với dự án bỏ hoang vừa mới tái khởi động ở 110 Trần Phú, yêu cầu của khách hàng được giám sát nguồn tiền đóng vào là chính đáng khi dự án không được ngân hàng bảo lãnh thì khách hàng cần phải biết nguồn tiền của mình được sử dụng như thế nào. Ngược lại, phía chủ đầu tư, việc vớt vát lại niềm tin bằng việc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công là không đủ. Trừ khi, chủ đầu tư có tiền hoàn thiện bàn giao nhà. Bởi vậy, khi niềm tin bị mắc kẹt, chủ đầu tư đã đánh mất niềm tin thì tranh cãi vẫn tiếp tục. Và có thể, dự án Hattoco chỉ mới là khởi đầu trong thời gian tới.

Theo Lao động