Việc các doanh nghiệp đua nhau làm nhà ở thương mại với diện tích tối thiểu 25m2 (dù Luật Nhà ở không cho phép) gây nhức nhối cho cơ quan chức năng trong nhiều năm qua. Thế nhưng mới đây, Bộ Xây dựng lại đồng ý cho một doanh nghiệp xây dựng căn hộ thương mại diện tích nhỏ kiểu này, khiến dư luận lo ngại việc phá vỡ quy hoạch và biến các khu nhà thành dạng “ổ chuột” kiểu mới…
Dự án Nhà ở sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp (Hà Nội) xin chuyển đổi, điều chỉnh cơ cấu căn hộ làm nhà ở xã hội. Ảnh: Như Ý. |
Sửa luật, quy chuẩn vì… doanh nghiệp
Nhiều năm liền, Bộ Xây dựng không cho phép xây nhà ở thương mại với diện tích tối thiểu 25m2. Cấm là vậy nhưng thực tế, doanh nghiệp xây dựng và cả cá nhân vẫn đua nhau xây những căn hộ diện tích nhỏ dưới 25m2 tại các ngóc ngách ở các đô thị lớn. Những căn hộ này không được cấp sổ đỏ, nhưng chủ đầu tư vì lợi nhuận nên cứ xây, người dân có nhu cầu vẫn mua, bất chấp luật pháp không cho phép.
Dường như cấm không được nên Bộ Xây dựng ngày càng thả lỏng hơn với căn hộ 25m2 kiểu này. Bắt đầu bằng việc Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014 (thay thế Luật Nhà ở ban hành năm 2005) đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu 45m2 đối với căn hộ chung cư thương mại. Trong đó, về tiêu chuẩn đối với nhà ở được quy định tại khoản 2 điều 24 như sau: “Đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn căn hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng”.
Liên tiếp sau đó, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 20/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016). Lần đầu tiên, căn hộ 25m2 được phép chấp thuận cho nhà ở xã hội. Cho phép là vậy, nhưng chính doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cũng chỉ dám xây diện tích 35m2 tại một số nơi, như: Khu Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) vì nhu cầu người dân không cao.
Gần đây nhất, trong công văn trả lời một doanh nghiệp ở TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) ký ngày 26/4/2017 đã chính thức cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ 25m2 với dự án thương mại. Ông Ninh lý giải trong công văn rằng: Do có nhiều địa phương, doanh nghiệp gửi văn bản đến Bộ Xây dựng, đề nghị cho phép đầu tư nhà ở thương mại với diện tích 30-40m2. Theo đó, Bộ Xây dựng thừa nhận nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 45m2) rất lớn. Loại nhà ở này nhằm phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ có 2-3 thành viên tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển công nghiệp.
“Hiện, Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Trong thời gian chờ ban hành, đối với căn hộ chung cư thương mại có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2 (tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội) và đảm bảo thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín”, công văn nêu rõ.
Việc cơ quan chức năng chạy theo doanh nghiệp để sửa, ban hành các quy định trước đó không phải hiếm trong xây dựng. Mới đây, chính Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất với Hà Nội việc chuyển đổi 2 tòa nhà thuộc dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội. Từ trước đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để “cứu nguy” cho doanh nghiệp bất động sản khi dự án không bán được. Giờ đây, cơ quan chức năng lại tiếp tục giải cứu cả doanh nghiệp đầu tư bằng vốn ngân sách vào nhà ở sinh viên. Với lý do không bố trí được vốn cho dự án, nhà ở sinh viên không có người thuê, doanh nghiệp tiếp tục nhận được “phao cứu sinh” từ chính cơ quan quản lý đó.
Quy hoạch kiểu thụt lùi?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội trước đây có những căn hộ có 18 - 24 m2 (không tính khu nhà bếp, nhà vệ sinh, hành lang, ban công) tại các khu tập thể cũ nên người dân có thể ở được. Bây giờ, căn hộ 25m2 mà tính cả tường bao bên ngoài sẽ rất nhỏ (chỉ phù hợp với gia đình dùng nội thất tiện nghi). Sống trong căn hộ vậy rất bất tiện, không khả thi.
Ông Đạm lấy ví dụ: Khu thí điểm nhà ở xã hội ở Long Biên, Hà Nội, nhiều người chuyển đi đã trả lại căn hộ nhà ở xã hội và đa phần trả căn 36m2. Theo ông Đạm, tại Hà Nội, việc xây dựng căn hộ 25m2 gặp phải khó khăn khi xây trong nội thành vì vướng hạ tầng, liên quan đến chất tải đô thị. “Từ trước đến nay, Hà Nội chưa từng cấp phép xây dựng cho dự án nào làm căn hộ 25m2”, ông Đạm nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phân tích: Tại Việt Nam, quản lý đô thị phải căn cứ vào luật pháp, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn và thị trường. “Không phải chỗ nào cũng cho xây căn hộ 25m2. Ví dụ như xây căn hộ 25m2 ở Thạch Thất chắc sẽ không ai ra mua. Người dân mua nhà, kể cả căn hộ 25m2 cũng phải chọn nơi có hạ tầng tốt”, ông Hà nói.
“Hiện, nhiều người cho rằng, phát triển chung cư 25m2 sẽ biến thành các khu ổ chuột. Tôi xin nói ổ chuột hay không ổ chuột nằm ở chất lượng sống của người dân trong chung cư đó. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng, bước tiếp theo sẽ phải xây dựng quy trình quản lý các chung cư 25m2 này sao cho phù hợp. Quan trọng là làm sao đảm bảo nhu cầu hiện tại”. Nguyên Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà |
Theo Tiền phong
Căn hộ 25m2: Không phải cứ xây lên đều bán hết!Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ chung cư thương mại 25m2 được doanh nghiệp đánh giá là bước ngoặt quan trọng của thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ 25m2Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời một doanh nghiệp địa ốc liên quan đến căn hộ diện tích 25m2 |