Nguồn thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng khá lớn trong ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cơ chế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và dễ gây tiêu cực, thất thoát.
Thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng
Trong văn bản kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 về giá đất, HoREA cho rằng, tài chính đất đai là vấn đề rất lớn, rất quan trọng trong pháp luật đất đai, trong đó có vấn đề xác định giá đất. Nguồn thu từ đất chiếm khoảng trên dưới 10% ngân sách địa phương là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nhưng hiện nay, trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, có hiện tượng nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai còn bị thất thu trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở.
Việc chỉ định nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, nhất là các dự án hợp tác công - tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có nhiều quỹ đất giá trị cao cũng đã phát hiện nhiều trường hợp thất thoát ngân sách.
Theo HoREA nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách nhà nước. Hoạt động thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp còn nhiều bất cập. Đề án Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính nghiên cứu...
Đối với các đô thị lớn, mà điển hình là TP.HCM là đô thị có tốc độ và tỷ trọng đô thị hóa rất cao và đang thực hiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thì nguồn thu từ đất sẽ là một nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn phục vụ đầu tư phát triển, và thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đề xuất đổi cách tính tiền sử dụng đất
Theo HoREA, Nghị định 44/2014/NĐ-CP đã quy định 05 phương pháp định giá đất. Trong đó, việc xác định giá đất cụ thể được thực hiện theo 04 phương pháp: So sánh trực tiếp; Chiết trừ; Thu nhập; Thặng dư. Kết quả thực hiện theo 04 phương pháp này đã có sự chênh lệch về kết quả định giá đất, đặc biệt đối với các loại đất có giá trị thương mại cao như đất ở, đất thương mại, dịch vụ tại khu vực đô thị hoặc các khu vực đang được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dẫn đến kết quả công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất thiếu tính chính xác, thiếu độ tin cậy, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện và dễ phát sinh tiêu cực dẫn đến việc "bắt tay, thỏa thuận ngầm, cưa đôi, cưa ba".
Chính vì vậy, HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất hiện nay vẫn là ẩn số, là gánh nặng của chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà, và cũng là tác nhân gây cản trở cho nỗ lực kéo giảm giá nhà về mức hợp lý.
Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất của UBND TP.HCM, đã trình Chính phủ, như sau: “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.
Quốc Tuấn
Hà Nội lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn thành phố
Chủ tịch UBND TP.HCM gỡ rối tiền sử dụng đất
Ngày 19/12/2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo một số nội dung quan trọng để chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá đất trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp nào nợ tiền sử dụng đất 'khủng nhất' Hà Nội?
Công ty trách nhiệm hữu hạn Đá quý Thế giới có địa điểm đất thuê Toà nhà hỗn hợp AZ SKY tại lô đất CN1 khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, nợ tiền sử dụng đất hơn 97 tỷ đồng.