-Đằng sau hào quang của nghề môi giới bất động sản được tung hô từ một số nhân vật đặc biệt là biết bao nước mắt và cạm bẫy. Là người làm nghề lâu năm nhưng nếu dễ tin người thì tôi đã bị tay chủ nhà, cũng là giám đốc 1 công ty bất động sản, cho ăn đòn.

Dưới đây là câu chuyện của anh Lê, một môi giới có thâm niên tại TP.HCM chia sẻ đến báo VietNamNet.

Làm bất động sản đến nay cũng gần 10 năm, kiếm đồng tiền từ môi giới cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt chứ không sung sướng như nhiều người nghĩ. Có nhiều khi miếng ăn đến miệng còn bị kẻ khác cướp mất. Bán hàng cho công ty thì còn đỡ, chứ bán hàng lẻ, môi giới ngoài thì bị “cắt cò” thường xuyên. Buồn nhất là bị chính những đồng nghiệp quen biết trở mặt.

{keywords}

Môi giới xuống đường bắt khách

Tôi kể chuyện này để những người làm bất động sản cảnh giác khi giao dịch, tránh phải trả giá quá đắt.

Vài ngày trước tôi có làm việc với 2 vợ chồng khách hàng gửi bán căn hộ. Anh là giám đốc 1 công ty bất động sản. Người này từng mời tôi về làm và dân trong nghề cũng không lạ mặt.

Anh chị có 1 căn hộ, rao bán nửa năm trên mạng nhưng không ra hàng được. Thấy anh chị nhắn tin, gọi điện đủ kiểu nhờ bán nên tôi nhận ra hàng. Khi có khách hàng tôi tư vấn đã OK.

Tôi gọi điện thoại kiểm tra các thông tin, và thỏa thuận bán. Chủ nhà thống nhất trả phí 1% là 12 triệu. Mình xin chủ nhà 15 triệu, tại chi phí tìm khách quá nhiều, chủ nhà không đồng ý, bảo mình tự kê phí và mình đã đồng ý.

Gọi điện cho anh chồng, anh rất nói nhẹ nhàng, tình cảm, em cứ nhận cọc 100 triệu của khách rồi sáng mai mang tiền qua cho anh. Tôi báo chủ nhà: OK anh, em nhận cọc luôn rồi nhé!

Khoảng 1 h sau, anh chủ nhà gọi lại cho tôi.

- Em nhận cọc chưa?

- Dạ em nhận 100 triệu rồi, chút em chạy qua đưa cho anh.

- Em có kê giá không vậy?

- Dạ có anh.

- Em kê bao nhiêu?

- Em kê bao nhiêu là kệ em, anh em mình thỏa thuận giá cả xong rồi anh.

Chủ nhà nhất định hỏi bằng được kê giá bao nhiêu, tôi thấy không ổn mới trả lời: “Em kê 30 triệu anh ạ”.

Lúc này chủ nhà bảo: “Vợ anh không đồng ý bán em ơi. Em thông cảm, nếu được thì thỏa thuận lại phí chia đôi 50/50”.

Câu chuyện đến lúc căng thẳng:

- Anh chị đã OK mọi thứ em mới nhận cọc. Giờ bảo không bán, tiền đâu em đền cọc 100 triệu cho người ta?

- Anh không biết chuyện đó, giờ em đồng ý thì anh bán, không thì thôi.

- Em nói anh chị nghe, trước hết em gọi anh chị vì anh chị lớn hơn em.

Thứ 2: Anh chị làm nghề lâu hơn em, trong giới nói tên ai cũng biết.

Thứ 3: Anh là luật sư, dù em và anh không có hợp đồng môi giới nhưng cùng làm nghề , anh hiểu, phải tôn trọng chứ.

Thứ 4: Anh chị rao bán mấy tháng trời không bán được. Em bán cho anh chị giá cao hơn mong muốn, so với giá các chủ nhà khác gửi bán, nhưng chỗ anh em, em bán trước cho anh chứ không thiếu hàng.

Thứ 5: Anh chị cũng có công ty, nhân viên chi phí cả đống. Anh chị cũng thừa hiểu mấy triệu/hợp đồng sống sao nổi?

Thứ 6: Đó là nguyên tắc trong nghề không nói anh cũng hiểu chuyện uy tín về phí. Đã đi làm là phải có công, không ai làm không công. Giả sử hôm nay em làm Giám đốc em còn có thể có tiền đền cọc cho khách, gặp nhân viên bọn nó lấy đâu đền, bán xe không đủ, và anh ép không trả phí đúng không?

Thứ 7: Em nói với anh, em có kê nhưng là 10 triệu, chứ không phải 30 triệu. Chẳng qua em đưa cao để thử anh thế nào, có đàng hoàng hay không. Và quan trọng nhất, em chưa nhận cọc vì em nghi ngờ con người anh chị sẽ trở mặt.

Thứ 8: Em nói luôn, cái kiểu làm ăn thế này chẳng có đứa nào thèm hợp tác đâu.

- Anh xin lỗi, anh hiểu để anh bàn lại với chị.

Đến đây, tôi tắt máy. Nếu hôm đó tôi không cẩn thận thì giờ đã ôm cục nợ. Những cạm bẫy tương tự khi môi giới lẻ rất nhiều nên làm môi giới lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.

Quốc Tuấn