-Cứ đến thời điểm cuối năm, thị trường lại nóng thông tin thưởng Tết. Đây cũng là dịp để một số doanh nghiệp tranh thủ tung chiêu trò thưởng khủng để đánh bóng thương hiệu.
Trở lại một vài năm trước, khi thị trường bất động sản còn rất khó khăn, một Tập đoàn tự giới thiệu có hơn 30 dự án hoành tráng khắp cả nước, có trụ sở tại TP.HCM, gây choáng khi công bố mức thưởng Tết cho cán bộ xuất sắc một căn hộ cao cấp 8 tỷ đồng. Từ chỗ ít người biết đến, Tập đoàn này đã nhanh chóng nổi như cồn.
Cũng chỉ một thời gian ngắn sau vụ thưởng Tết khủng này, lần lượt các dự án của doanh nghiệp này trở thành tâm điểm của các vụ tranh chấp, chậm tiến độ… Đến nay, sau gần 5 năm thi công, căn hộ 8 tỷ vẫn còn nằm trên giấy.
Thưởng Tết khủng hay chiêu trò PR?
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản thưởng bằng bất động sản mà ngay cả doanh nghiệp ngoài ngành cũng lấy đó để làm câu chuyện truyền thông cho doanh nghiệp. Năm 2014, một doanh nghiệp trong ngành hóa mỹ phẩm gây sốc khi công bố phần thưởng dành cho 18 cán bộ nhân viên xuất sắc là nền nhà có trị giá tương đương 500 triệu đồng.
Thông tin đã làm nóng các mặt báo. Người nhận thưởng hầu hết là công nhân, tài xế, tạp vụ, bảo vệ... chỉ có một số ít là lãnh đạo cấp trung như trưởng phòng, giám đốc khu vực với tiêu chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, có xem xét tới thâm niên công tác và ưu tiên cho những người chưa có nhà ở.
Cũng một điều rất lạ là khi phóng viên VietNamNet liên hệ để tìm hiểu những nền đất được thưởng này thuộc dự án nào thì đại diện công ty từ chối trả lời và cho rằng tất cả thông tin cần thiết đã được cung cấp cho báo chí?!
Tại sao những doanh nghiệp làm ăn uy tín, lợi nhuận cao hiếm khi khoe thưởng, trong khi những doanh nghiệp ít tên tuổi lại thường nổi lên với thưởng Tết khủng?
Theo các chuyên gia, việc công bố thưởng Tết với con số khủng của một doanh nghiệp bất động sản sẽ có tác động đến 2 nhóm đối tượng là khách hàng tiềm năng và nhân sự trong kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp đó. Đây là “lá bài” truyền thông có sức lan tỏa và thông điệp ngầm hiểu là doanh nghiệp này đang ăn nên làm ra mới thưởng như vậy.
Anh Nhật Phạm, một nhà môi giới có thâm niên tại TP.HCM, chia sẻ: “Những công ty làm ăn tốt thì mức thưởng có thể từ 4 - 6 tháng lương. Nhưng lương môi giới thì không phải là cao. Con số này không phải là số khủng để PR. Có trường hợp công ty nợ lương thường xuyên, chậm trả hoa hồng vài tháng là chuyện thường nhưng vẫn công bố thưởng lớn để dụ khách hàng và môi giới”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng luật sư Trường, không khó để doanh nghiệp tạo ra chuyện thưởng “ảo”. Đó là những khoản thưởng mà như không thưởng, kèm theo điều kiện để được nhận. Do vậy, không nên đánh giá uy tín, năng lực của doanh nghiệp chỉ dựa trên việc công bố thưởng Tết.
Năm 2015 đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường bất động sản với lượng giao dịch gần gấp đôi năm trước. Câu chuyện thưởng Tết sẽ còn nóng hơn và thu hút sự quan tâm của dư luận. Liệu đại gia nào sẽ gây sốc về thưởng Tết năm Bính Thân?
Quốc Tuấn