- “Đằng sau cái cười cởi mở hết mình ấy là những nỗi buồn. Là nỗi buồn lớn mang tên Phan Văn Khải đấy nhé.”
… Ngày quốc tang đầu tiên, trong những miên man nghĩ chợt trong tôi lóe lên một cái tên. Cò Quỳnh!
Cò Quỳnh ấy là tên gọi gần gụi kiêm chút thân thương của cánh báo chí để chỉ vị Đổng lý Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Trọng Quỳnh thời điểm hơn mười năm trước.
Cò Quỳnh người mập, thấp đậm. Nguyên ủy ông cùng lứa xung phong lên vùng rừng Sơn La những năm đầu 1960 dạy học cùng trường với Nguyễn Huy Thiệp. Trời chưa (hay không?) ban cho cái tài phát về đường viết văn sau này như Nguyễn Huy Thiệp nhưng bù lại, lão lại có cái khiếu lẫn vốn hài hước vô cùng tận. Khiếu hài, người đời có ối. Nhưng Cò Quỳnh chả giống ai. Tóm lại là độc đáo, đặc sắc.
Lẩn mẩn nhớ lại thời điểm nhập vào đám ký giả tháp tùng chuyến đi công tác dọc miền Trung của Thủ tướng Phan Văn Khải mùa hè năm 2001. Sáng ấy, thoáng nghe được người phụ trách hậu cần hay lễ tân chi đó của Đoàn rành rẽ thông tin là làm việc xong với Hà Tĩnh không dự cơm trưa với địa phương mà ra Thanh Hóa mới dùng bữa. Loáng ngay một con tính. Ra Thanh Hóa thì hơi bị muộn? Tầm ấy cũng phải non một giờ chiều? Nhưng sau mới biết quyết định ấy là của ông sáu Khải!
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải |
Xe vừa dừng ở UB tỉnh Thanh Hóa thì trong số người bắt tay thân thiết với ông Sáu Khải có Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Quỳnh. Ngạc nhiên khi xiết chặt tay Cò Quỳnh, ông Sáu cười thoải mái là tao muốn dừng ở Thanh Hóa để nghe mày nói chuyện…
Ra thế! Thì ra ông Sáu đã từng chịu những chuyện hài hước, tếu táo vui vẻ của Cò Quỳnh từ hồi nào rồi?
Vào bữa. Lúc sắp đặt vị trí ngồi, tôi thấy ông Sáu cười hết cỡ và kêu lên bằng chất giọng vui vẻ biểu Trạng Quỳnh ngồi đây…
"Trạng Quỳnh mới xứ Thanh" là cái tên thân mật do ông Sáu đặt. Các cung bậc cười lan nhanh khi Đổng lý văn phòng Nguyễn Trọng Quỳnh giọng tưng tửng mặt lạnh tanh buông thõng vâng thì các anh có ghế hết phải nhường thằng em cái đôn này chứ…
Chao ôi chuyện của cò Quỳnh thì là cái thứ chả đầu cuối, không chủ đề nào hết. Nói như các cụ là vô tiền khoáng hậu. Tiếu lâm mới cũ có tất. Có chiếc cầu con con kêu bằng cầu Bố. Những là Thanh Hóa chúng em đi lên bằng 7 e lờ. Đó là Lúa. Lang. Lợn. Lạc. Lim. Lát… Đến khúc này chợt Cò Quỳnh bỏ lửng, ngưng lại… Ông Sáu cười gạn còn cái e lờ nữa đâu mày? Dạ đó là luồng, cây luồng ạ.
Thế rồi trong mâm lại dậy lên các cung bậc vui vẻ khi ông Sáu ôn lại những kỷ niệm thời mới tập kết năm 1954. Vợ chồng ông Sáu cùng công tác một thời gian ở đất Thanh. Như người Xứ Thanh, cây luồng cây lim cây lát từng mới mẻ lạ lẫm và sau này trở gần gụi thân thương như thế nào.
Rồi v.v… và v.v…
Lại giọng Cò Quỳnh: Dạ thưa anh Sáu, Thanh Hóa chúng em có cái đức nói như nhà thơ Nguyễn Duy là giễu mình mà cứ như không có mình nên không sợ phê bình đâu ạ…
Nếu không có buổi làm việc kế tiếp với lãnh đạo địa phương thì tiếng cười trong bữa trưa vội ấy còn là kéo dài! Mà thú thực, hiếm khi nào tôi thấy ông Sáu có cái cười thoải mái hết cỡ như vậy?
Thoáng nhanh một ý nghĩ, những cái cười vui hết cỡ mà còn gọi là cả cười như thế dường như đem lại cho ông không ít những sinh khí năng lượng cho một nhịp độ, một cường độ công việc mà phần nhiều là liên tục và căng thẳng? Phải vậy chăng mà tôi cảm nhận như chất lượng của buổi làm việc chiều với cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa dường như chất hơn? Trung ương lẫn địa phương dường như cùng mở lòng rộng hơn thì phải?
Sau này trò chuyện thêm với Cò Quỳnh mới biết. Trước đây trong một chuyến tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải lên miền Tây Thanh Hóa, khi ấy đường sá lẫn đời sống còn khó khăn, dằng dặc hàng ngày đường cái khiếu hài hước, tiếu lâm của Cò Quỳnh được dịp phát tác làm thuyên giảm bao mệt nhọc căng thẳng.
Riết rồi nhiều dịp khác nữa, ông Sáu rất ấn tượng với cái khiếu hài hước của Cò Quỳnh. Phần anh em cán bộ Thanh Hóa trong đó có Cò Quỳnh rất ấn tượng và xúc động trước sự quan tâm cụ thể sâu sát tình hình của địa phương của người đứng đầu Chính phủ. Trong những chuyến vi hành ấy, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời nhằm ổn định tình hình. Chỉ thị 135 về xóa đói giảm nghèo đã ra đời trong những chuyến thị sát vùng sâu vùng xa của nhiều địa bàn khác nhau trong cả nước trong đó xuất phát điểm là từ Thanh Hóa!
Năm tháng vùn vụt qua. Cái đôn trong hệ thống các ghế mà Cò Quỳnh nói vui năm ấy hóa ra không có! Sự thể là thế này. Ông Sáu trong một lần vô Thanh đã hỏi thẳng ông Quỳnh là có khó khăn chi không? Có nguyện vọng gì không, ông sẽ giúp? Cụ thể là gợi ý cho ông Quỳnh ra công tác ở Văn phòng Chính phủ! Nhưng Cò Quỳnh sau một lúc ngần ngừ đã cảm ơn anh Sáu, hoàn cảnh gia đình nhà em chưa cho phép ạ.
Không chứ chẳng phải chưa. Vì sau đó ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Chánh văn phòng UB tỉnh Thanh về hưu đúng chế độ.
Đậm sâu mãi trong tâm trí người cán bộ văn phòng ấy là lần có chút quà xứ Thanh cho ông Sáu vào một dịp Tết. Nhưng cả thày trò Cò Quỳnh bị ông Sáu thân ái xạc cho một trận. Thấm thía nhưng vui vẻ cả. Mãi cho đến hơn một năm sau thời điểm ông Sáu dõng dạc trước Quốc hội việc từ nhiệm chức Thủ tướng và nghỉ hưu, anh em Thanh Hóa bàn đi tính lại mãi mới có một quyết định, như ông Quỳnh nói là phải bí mật bất ngờ!
Lần đó một doanh nhân địa phương có công trình triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thày trò Cò Quỳnh nhờ xe của doanh nhân ấy rinh lên mấy gốc luồng chính cống của Lang Chánh (giống luồng từng được đem ra trồng quanh Lăng Bác năm xưa) và mấy cây lim. Chưa hết còn có bộ bàn đá nho nhỏ dùng để trà nước chế tác bằng đá xanh chính cống Núi Nhồi nổi tiếng của đất Thanh làm quà tặng ông Sáu Khải.
Thời khắc xúc động gặp lại ấy, vừa nom thấy mấy gốc luồng ông Sáu đã cười với Cò Quỳnh có phải cái e lờ mầy nói hồi nọ đó không… Vậy mà ông Sáu khi ấy còn la Cò Quỳnh bày đặt quá trời làm khổ người chuyên chở! Nhưng thày trò Cò Quỳnh vui lắm bởi mấy gốc luồng và lim ông Sáu đã quyết định đem về trồng tại quê nhà Tân Thông Hội ở Củ Chi cùng bộ bàn đá cũng để trong vườn nhà. Nay luồng lẫn lim xứ Thanh đã xanh tốt ở đất vườn nhà ông Sáu ở Củ Chi Phương Nam.
…Thẫn thờ nhớ lại, tôi thử bấm máy cho Cò Quỳnh. May ông vẫn khỏe. Lâu rồi vẫn nguyên chất giọng líu tíu, trẻ trung vui vẻ dạo nào. Hóa ra Cò Quỳnh đang trên đường ra sân bay để vô Thành Phố Hồ Chí Minh dự đám tang ông Sáu Khải.
Trong điện thoại, thoắt giọng ông Quỳnh như chùng xuống khi chúng tôi cùng ôn lại những tháng ngày vui vẻ năm xa. Rằng nhà báo có biết đằng sau những cái cười thoải mái của ông Sáu mà anh em mình từng chứng kiến không? Rồi không đợi cho tôi trả lời, chất giọng Cò Quỳnh bữa nay tự nhiên như lấn sang một cung bậc khác? Rằng đằng sau cái cười cởi mở hết mình ấy là những nỗi buồn. Là nỗi buồn lớn mang tên Phan Văn Khải đấy nhé.
Chất giọng ông Quỳnh như gấp gáp. Rằng làm sao mà ông Sáu phải cầm tờ giấy khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ nếu ông không phải là người phải chấp hành những nguyên tắc ngặt nghèo của tổ chức quy định? Là người ham việc, luôn lăn xả vào việc mà tại làm sao Anh Sáu của chúng ta, Thủ tướng của chúng ta lại phải rành rẽ trước Quốc hội việc từ nhiệm trước hơn một năm? Buồn và đau lắm chứ? Nhưng Anh Sáu của chúng ta nói như mẫu người dạng như quân tử, lương đống mà ông cụ tôi ngày trước học chữ Nho vẫn nói là biết dừng, biết đủ. Ấy là Tri chỉ và Tri túc!
“Đủ” thì chưa hẳn là đầy đặn những cống hiến. Nhưng có lẽ ông Sáu thấy quá đủ những nỗi buồn khi suốt 15 năm tham gia điều hành Chính phủ những 6 năm làm Phó Thủ tướng, 9 năm làm Thủ tướng nhưng kinh tế vẫn chậm đi lên, cán bộ vẫn bết bát, nạn tham nhũng vẫn hoành hành mặc dù thành tích nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Sáu bây giờ, dân vẫn không ít người nhắc nhớ! Những lời chân thành khiêm nhường cùng động thái xin lỗi dân của ông Sáu trước Quốc hội 12 năm trước như nỗi buồn đã lây lan và thấm thía cho các thế hệ người Việt bây giờ. Một trong những nỗi buồn ấy là cực hiếm những quan chức biết tri túc và tri chỉ như ông Sáu của chúng ta?
Nói thật với nhà báo nhé. Chắc trong số các anh có người hiểu lầm cứ nghĩ tôi tính khí tếu táo, bởi từng mang danh Trạng Quỳnh mà? Rồi gần chùa gọi Bụt bằng anh nữa chứ? Nhưng không nhiều trong số lãnh đạo cấp trên về xứ Thanh dành cho tôi nhiều cảm mến như ông Sáu. Từ thực tế những chuyến đi, thái độ ứng xử và tình cảm của ông dành cho dân tôi từ kính, trọng đến cảm mến, thương mến. Trong môi trường tử tế gần gụi vui vẻ ấy đã khiến bản tính hài hước của tôi phát lộ. Ấy là cũng chỉ một mục đích tạo ra không khí vui vẻ cho ông Sáu và anh em thư giãn một chút mà thôi. Và cũng là thứ tình cảm riêng với ông Sáu kính mến của chúng ta.
…Tôi có hỏi Cò Quỳnh còn giữ được tấm ảnh nào với ông Sáu thì ông nói sắp đến giờ bay đang để ở nhà trong Thanh không đem theo. Thôi nhà báo để dịp khác nhé.
Xuân Ba
Tổng bí thư: Xin vĩnh biệt Anh Sáu Khải!
Đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sáng nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, QH đã viết vào sổ tang những lời chia buồn, tiếc thương…
Thủ tướng viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại quê nhà
Ngay sau khi về nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vội vã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại quê nhà ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua góc nhìn của ông Nguyễn Công Khế
“Khi tôi còn làm Tổng biên tập báo Thanh niên, nhiều khi gặp, ông nói như trách: “mầy chống chính phủ vừa phải thôi nghe mậy? Làm báo mà. Không phản biện với chính phủ thì phản biện với ai”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bây giờ, chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi”
“Hôm lên chuyên cơ đi New Zealand, tôi có hỏi ông Phan Văn Khải: “Tình hình BTA thế nào hả chú?”, ông thở dài và nói: “Bây giờ, tao chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi.”
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: "Người luôn nói ít, làm nhiều"
Nghe ông ra đi, chúng tôi tìm kiếm trong google chỉ thấy vài bức ảnh của ông vào ngày gõ chuông mở cửa Sở giao dịch chứng khoán tại New York.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bảy Nhị giấu mà bà con khai hết rồi”
Sau Tết Nguyên đán 2002, ông về thăm An Giang, gặp dân, Thủ tướng hỏi ăn Tết ra sao, dân nói “có bắn pháo hoa vui lắm”....