- Cuối tháng 4 năm nay, khi người viết đến thăm ông và đặt lại yêu cầu kể chuyện về Trung Quốc và mối quan hệ giữa 2 nước. Với chất giọng đã không còn khỏe nữa, ông kể về những gì ông nhớ trong quãng đời làm nghiên cứu về Trung Quốc của mình.
Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 2 (11/2010) tại TP HCM, có một sự kiện gây ầm ĩ trước thềm hội thảo. Vietnamnet cho đăng bài phỏng vấn TS Vương Hàn Lĩnh,từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh), và trên các mạng đã nổi lên cơn bất bình của các học giả Việt Nam. Lý do là vì TS Vương Hàn Lĩnh đã mạng dạn tuyên bố rằng nếu Việt Nam không chấp nhận đàm phán song phương về những tranh chấp trên Biển Đông sẽ phải chịu “xung đột về vũ lực, thậm chí chiến tranh”, hay “cho đến năm 1885 Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy. Ảnh: Huỳnh Phan |
Đặc biệt nhất, trên Vietnamnet đăng bài “Lịch sử đâu phải thích bẻ cong, uốn thẳng là được” của nhà nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dy, phản bác mạnh mẽ những luận điểm của TS Vương Hàn Lĩnh với những chứng cứ vô cùng xác đáng. Sau khi bài đăng, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã gọi điện cho người viết, tác giả bài phỏng vấn trên và nói rằng: “Cám ơn cậu đã nâng bóng cho tôi đập.”
Người viết, với tư cách là phóng viên báo Vietnamnet và trước đó là phóng viên báo Sài gòn Tiếp thị, có nhiều dịp được phỏng vấn hay chủ yếu chỉ đến nghe ông kể chuyện về Trung Quốc và mối quan hệ giữa 2 nước. Nhưng mỗi lần người viết đề nghị viết về ông với tư cách nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông lại nói: “Chưa đến lúc.”
Cuối tháng 4 năm nay, khi người viết đến thăm ông và đặt lại yêu cầu cũ, tự nhiên ông đồng ý. Với chất giọng đã không còn khỏe nữa, ông kể về những gì ông nhớ trong quãng đời làm nghiên cứu về Trung Quốc của mình.
Con đường trở thành nhà nghiên cứu về Trung Quốc
Ông Dương Danh Dy xuất phát không phải nhà ngoại giao. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân công làm đại diện thương mại Việt Nam ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Những vốn liếng kiến thức về Trung Quốc của ông khiến cho một cán sự ở sứ quán là ông Lưu Đoàn Huynh rất thích, hai người sau đó trở thành bạn thân.
Khi về nước, ông Huynh có giới thiệu ông Dy với Vụ trưởng Vụ Trung Quốc là ông Hoàng Bảo Sơn. Sau khi nói chuyện với ông Dy, ông Hoàng Bảo Sơn có nói lại với ông Huynh (và ông Huynh có nói lại với ông Dy) rằng: “Tay này ghê gớm lắm, nhưng mình dùng được. Chứ để hắn lọt vào tay người khác, họ trù hắn chết”. Và ông Dy đã theo về Bộ Ngoại giao.
Ông Dy nói rằng ông vốn xuất thân là dòng dõi nhà nho, có cụ là Tuần phủ Thái nguyên và Đốc học Hà Nội Dương Đình Lập, và ông ngoại (học trò và con rể cụ Dương Đình Lập) là Cử nhân Đông tác Nguyễn Hữu Cầu, một trong những sáng lập viên của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tính ông Dy tương đối ngang bướng, cãi cho bằng được để bảo vệ ý kiến của mình.
Nhưng khi về Bộ Ngoại giao, người trực tiếp ảnh hưởng đến con đường tiến thân, với tư cách một chuyên gia về Trung Quốc, của ông Dy chính là Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Sau một lần gọi ông lên nói chuyện về tình hình Trung Quốc, ông Thạch mê ông luôn.
Ông Dy kể rằng phong cách nghiên cứu về Trung Quốc của ông khác với những người đi trước là nghiên cứu tổng thể, từ lịch sử, chính trị, kinh tế đến quan hệ song phương, chứ không kiểu “đợi trên gõ xuống cái gì mới nghiên cứu cái đó”.“Chẳng hạn, về các đại hội Đảng của TQ đại hội nào giải quyết vấn đề gì tôi đều nắm hết,” ông Dy nói.
Vì vậy, hễ có việc gì liên quan đến Trung Quốc, ông Thạch lại gọi ông lên trao đổi trực tiếp. Ông Thạch nói: “Làm việc với những lãnh đạo khác, không hiểu biết gì, chán lắm. Có việc gì cậu cứ lên đây, anh em mình trao đổi, bàn bạc.”
Kỷ niệm ông Dy nhớ nhất là năm 1966, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bị Chủ tịch Mao Trạch Đông kết tội là tên tư bản số 2 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cách tuột hết chức vụ. Ông Nguyễn Cơ Thạch có hỏi ông Dy rằng liệu Mao Trạch Đông có giết Đặng Tiểu Bình không, ông Dy nói rằng “chắc là không, vì Mao biết Đặng là người giỏi, có lúc vẫn dùng”. Kết quả đúng như vậy, đến năm 1973 Đặng được phục chức. Ông Thạch rất nể những phân tích và tiên đoán của ông Dy.
Dù ông Thạch muốn đề bạt ông Dy lên cấp vụ, nhưng nhiều người không thích vì tính ngang bướng của ông, và ông Dy vẫn chỉ làm cán sự, rồi chuyên viên Bộ Ngoại giao.
Điều duy nhất khác biệt là dưới thời ông Thạch, làm thứ trưởng rồi bộ trưởng, ông Dương Danh Dy và ông Lưu Đoàn Huynh là hai cán sự rồi chuyên viên duy nhất được tham dự giao ban cấp vụ của Bộ Ngoại giao. Ông Dy vẫn kiên trì làm tư vấn cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao về tình hình Trung Quốc, và tham gia vào các đề tài lớn về Trung Quốc.
Cuộc gặp với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Khoảng năm 2006, ông Dương Danh Dy bổng nhận được cuộc gọi từ thư ký của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đề nghị được gặp ông ở Biệt thự Tây Hồ. Ông Dy không biết ông Kiệt muốn hỏi gì nhưng vẫn nhận lời.
Đến nơi ông Dy mới biết ông Kiệt đã đọc xong cuốn Hồi ức của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, và muốn hỏi chi tiết về những gì ngành ngoại giao làm trong thời kỳ bị cấm vận và bình thường hóa với Trung Quốc.
Trong hai tiếng đồng hồ, ông Dy trả lời một cách cặn kẽ những câu hỏi cụ thể của ông Kiệt về những gì ngành ngoại giao và bản thân ông Nguyễn Cơ Thạch đã làm hòng thoát dần khỏi thế bao vây cấm vận và nhất là vị thế của ông Thạch trong quá trình bình thường hoá quan hệ với với TQ.
Cuối buổi nói chuyện, ông Kiệt ngậm ngùi nói: “Bây giờ tôi mới hiểu ngành ngoại giao và anh Nguyễn Cơ Thạch đã làm gì giai đoạn đó.”
Đặc biệt, khi về nhà, ông Dy lại nhận được điện thoại của ông Kiệt, nói xin cám ơn bà vợ ông Dy vì đã đèo xe máy chở chồng mình về. “Khi ông ấy về hưu cũng chẳng còn quyền gì nữa, đến điều xe chở tôi về cũng không được, và bà vợ tôi đã biết ý chở tôi đến và đợi chở tôi về”, ông Dy mỉm cười.
Còn người viết lại không ngờ rằng đó là lần cuối cùng được nghe ông kể chuyện, và nhìn thấy nụ cười của ông. Ông đã ra đi ngày 17/9…
Huỳnh Phan
Mời độc giả đọc lại một số bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Dương Danh Dy của nhà báo Huỳnh Phan:
"Họ cũng đạt được một vài mục tiêu, nhưng cơ bản là thất bại”
“Tôi nghĩ việc TQ tấn công Việt Nam vào ngày 17/2/1979 là một sự kiện lớn, phải giải thích từ nhiều nguyên nhân… Họ cũng đạt được một vài mục tiêu, nhưng cơ bản là thất bại” – TS Vũ Dương Huân.
Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa
"Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của VN đều không bao giờ cắt đất cho TQ cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử...".
Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Lòng vả cũng như lòng sung
Tuanvietnam lại có cuộc trao đổi với ông Dương Danh Dy về kết quả hội đàm Mỹ - Trung, diễn ra cuối tuần trước tại California (Mỹ).