Từ cổ chí kim, trong nhiều trường hợp, người ta đối xử với mình thế nào không chỉ phụ thuộc vào việc mình nói gì với họ, mà còn phụ thuộc vào thân phận của người nói.

Chuyện xưa, có một đại gia giàu có. Một hôm, bức tường bao nhà bị hư một chỗ, làm hở ra một cái khe, người có thể chui lọt. Đứa con bảo: Bố phải cho chít kín lại, nếu không, kẻ trộm có thể vào lấy của cải nhà ta. Đại gia bỏ ngoài tai.

Có anh hàng xóm sang chơi, cũng góp ý: Bác phải bịt kín lại, nếu không, kẻ trộm có thể lẻn vào. Đại gia nghe xong cũng ậm ờ rồi bỏ qua.

Vài đêm sau, nhà đại gia mất trộm thật.

Lúc bấy giờ, đại gia mới ngẫm lại, tấm tắc khen đứa con sớm khôn ngoan, biết khuyên cha những điều thẳng thắn. Nhưng đại gia lại nghi ngờ người hàng xóm chính là kẻ trộm. Từ đó, anh ta thù ghét không chơi với người hàng xóm ấy nữa.

{keywords}
Ảnh minh họa: Báo NLD

Chuyện nay, ở cơ quan nọ, có ông sếp quyền hành lớn lắm. Nhân viên trong cơ quan lúc nào cũng khen sếp là hay, là giỏi. Ông ta rất tự mãn khi nghe những lời xu nịnh. Tin là mình hoàn hảo rồi nên không chịu học tập, rèn giũa đạo đức tác phong hay nâng cao năng lực công tác.

Và giống như một số sếp khác, ông cũng có một cô bồ. Tuy mối quan hệ này là vụng trộm, nhưng cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng tự lòi ra, mọi người biết cả. Sợ sếp, không ai nói ra nên ông cứ đinh ninh che được mắt thiên hạ. Ông vẫn tin rằng, mình rất tốt đẹp trong mắt mọi người.

Trong số các nhân viên của ông, có một đàn em, thấy sếp như thế thì lo lắng lắm. Anh ta hiểu chuyện nên biết chuyện của sếp mà không được ngăn chặn thì kỳ Đại hội tới, kiểu gì cũng sếp cũng có biến. Mà sếp đã bị “biến” đồng nghĩa với việc “dây” của mình bị đứt. Các cụ dạy rồi “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi biết sống chết thế nào. Còn sếp là còn mình, anh ta nghĩ vậy.

Nghĩ là làm, anh tìm đến một nhà “thủ đoạn học” xin lời khuyên. Sau khi kể cho anh ta nghe câu chuyện xưa, nhà “thủ đoạn học” bảo: ông thấy đó, cùng một câu nói như nhau, cùng nói với một người, thế mà một người nói thì được khen được quý, một người khác nói thì bị ghét bị thù.

Nhà “thủ đoạn học” còn khuyên anh ta rằng, từ cổ chí kim, trong nhiều trường hợp, người ta đối xử với mình thế nào không chỉ phụ thuộc vào việc mình nói gì với họ, mà còn phụ thuộc vào thân phận của người nói. Phận sơ mà câu nói thân, tất sẽ làm cho người ta nghi ngờ. Sếp mà nghi ngờ thì quân chỉ còn đường… biến.

Bẵng đi một thời gian, không thấy anh ta làm ở cơ quan ấy nữa. Còn ông sếp thì sau Đại hội cũng được cho về hưu trước tuổi.

Gần đây, anh ta lại ghé thăm nhà “thủ đoạn học”. Khi được hỏi, anh nói đến tạ lỗi. “Em lỗi vì không hỏi thầy làm thế nào để biết được là mình có thân với sếp hay không. Em cứ tưởng là mình thân với sếp rồi nên đã kín đáo gặp riêng mà nói lời tâm huyết. Nào ngờ từ sau hôm đó trở đi, mỗi khi em trình cái gì sếp cũng tìm ra lỗi. Chịu không thấu, em đành tính nước chuồn. Hôm nay đến để xin học bài tiếp theo.

Nhà “thủ đoạn học” bảo: Anh không có năng khiếu học môn này. Muốn nói lời chân thành với sếp cũng cần có đủ thủ đoạn. Thời nay, người làm sếp đánh giá cấp dưới mà vượt qua được sự thân sơ, chỉ coi chân lý là trọng, thì cũng hiếm hoi lắm.

Lời bàn ở đây là, làm sếp mà chỉ thích nghe nịnh, không biết nghe lời góp ý chân thành; chỉ biết nghe người thân, không biết nghe người tốt, người giỏi; để đến khi sai lầm đến mức quá đà, danh dự cả đời xây dựng sụp đổ trong chốc lát, thậm chí thân bại danh liệt, có hối cũng không còn kịp.

Trần Văn Sỹ