Quan tâm đến vận mệnh đất nước là quyền, nhu cầu chính đáng của mỗi người dân; đồng thời đó cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc. Nhưng sự quan tâm, tình yêu đối với đất nước chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân tham gia phản biện, đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, thái độ chuẩn mực, động cơ lành mạnh và hướng đến những mục tiêu chung, lợi ích chung của quốc gia dân tộc.

Lắng nghe nhân dân để hoàn thiện chính sách, luật pháp

Sự kiện Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thực ra, khi đưa ra dự thảo quy định cho nhà đầu tư thuê đất lên đến thời hạn 99 năm trong Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Chính phủ cũng mong muốn tạo ra một ưu đãi nổi trội, đủ sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn lâu dài tại khu vực này. Tuy nhiên, nội dung dự thảo nêu trên đã được nhiều nhân sĩ, tri thức, chuyên gia, nhà khoa học, luật sư phân tích ở nhiều góc độ, khía cạnh có lý, có tình và đều có chung nhận định: Thời gian cho thuê đất như vậy là quá dài, chưa phù hợp với quy định của luật đất đai hiện hành và có thể dẫn đến những hệ lụy không đáng có cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Thành tâm lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo người dân thuộc các giai cấp, thành phần trong xã hội, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một quyết định đúng đắn, hợp thời, hợp lòng dân. Điều đó chứng tỏ cơ quan hành pháp, lập pháp của nước ta không chỉ quán triệt, thực hiện đúng phương châm “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) trong suốt quá trình hoạt động của mình, thực sự là một Chính phủ, Quốc hội của dân, do dân, vì dân, mà còn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Qua sự việc này cho thấy, rất nhiều người trong xã hội ta, dù hằng ngày phải tần tảo lo toan sinh kế của gia đình và thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với cơ quan, đơn vị nơi công tác, nhưng vẫn không nguôi trăn trở với những việc hệ trọng liên quan đến quốc gia đại sự của đất nước. Với một thái độ trung thực, thẳng thắn, tư duy phản biện có cơ sở khoa học, có lý lẽ thuyết phục, có chiều sâu văn hóa, có sự cân nhắc lợi- hại trước sau, có sự cảnh tỉnh, cảnh báo cần thiết, nhiều ý kiến đóng góp đã thể hiện tâm- tầm- tài của một công dân có trách nhiệm đối với vận mệnh chế độ và tương lai đất nước. Đó là tư duy phản biện khoa học, vì nước, vì dân, nên đã được cơ quan thẩm quyền và người có trách nhiệm chắt lọc, tiếp thu để đưa ra những quyết định hợp thời, đúng lúc.

Cảnh giác trước những ý kiến “mập mờ đánh lận con đen”

Nhưng cũng qua sự việc này cho thấy, trong xã hội ta vẫn còn một số người hoặc là thiếu tỉnh táo, hoặc là thiếu động cơ trong sáng, nên đã đưa ra những ý kiến phản biện theo kiểu “phản bác”, không những không đưa ra được những cơ sở, lý lẽ có sức thuyết phục, mà còn cố ý làm nghiêm trọng hóa vấn đề nhằm làm nhiễu nhương dư luận, gây phân tâm lo lắng. Đáng nói hơn, có những kẻ “ăn leo, nói theo”, chứa đựng động cơ “phá bĩnh” hơn là “phản biện”.

Thậm chí có những kẻ đã lợi dụng sự việc này để tung ra những luận điệu sai trái, hằn học, xuyên tạc, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và hoạt động, công tác lập pháp của Quốc hội. Ví như họ rêu rao rằng: “Bán rẻ đất đai tổ tiên cho người khác”, “Gần năm trăm dân biểu không đủ thẩm quyền để thông qua một đạo luật đã được Đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị sẵn”…(!)

Cha ông ta có câu “Nói phải củ cải cũng nghe”. Hàm ý câu này muốn nói lên sức mạnh, sức sống của chân lý, lẽ phải luôn có giá trị bởi tính thuyết phục của nó. Đến “vô tri vô giác” như củ cải mà cũng nghe lời nói phải, thì không có lý do gì mà những người cầm cân nảy mực, những cơ quan có trách nhiệm quyết định đến vận mệnh của hàng triệu con người lại không lắng nghe, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, chuẩn xác. Nhưng đồng thời với sự tôn trọng những góp ý vì quốc kế dân sinh, vì quốc gia đại sự, chúng ta cũng phải tỉnh táo nhận diện những ý kiến “mập mờ đánh lận con đen”, bóc mẽ những chân tướng đội lốt “yêu nước” mà thực chất là “hại dân” và lật tẩy các chiêu trò lợi dụng tình hình khó khăn của đất nước, lợi dụng những ý kiến trái chiều trong xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Quan tâm đến vận mệnh đất nước là quyền, nhu cầu chính đáng của mỗi người dân; đồng thời đó cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc. Nhưng sự quan tâm, tình yêu đối với đất nước chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân tham gia phản biện, đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, thái độ chuẩn mực, động cơ lành mạnh và hướng đến những mục tiêu chung, lợi ích chung của quốc gia dân tộc. Còn những ý kiến “biện” ít, “phản” nhiều, thiếu tính xây dựng và mang tính kích động, không đem lại lợi tích cho cộng đồng, cũng không hề là biểu hiện của lòng yêu nước mà chỉ làm rối ren thêm tình hình.

Thiện Văn