Căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhật đã phản ứng với Trung Quốc về vụ việc này nhưng Bắc Kinh đã gạt đi khi nói rằng, hoạt động của máy bay này là "hoàn toàn bình thường".
Quan hệ Trung - Nhật trở nên xấu đi từ tháng 9 khi Nhật hoàn tất việc mua một số đảo trong nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
Các tàu tuần tra hai nước kể từ đó được triển khai
ngày một nhiều xung quanh vùng biển tranh chấp làm dấy lên quan ngại về việc sự
cố đụng độ có thể trở thành một cuộc xung đột. Vụ việc mới xảy ra là lần đầu
tiên hai bên dùng tới máy bay.
Một máy bay thuộc cơ quan Quản lý đại dương
Trung Quốc bay phía trên một đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Ảnh: Reuters
"Bất chấp nhiều lần cảnh báo của chúng tôi, các tàu chính phủ của Trung Quốc vẫn xâm nhập vào lãnh hải của chúng tôi trong 3 ngày liên tiếp", Chánh văn phòng nội các Nhật Osama Fujimura nói với phóng viên. "Thật đáng tiếc là ngoài việc đó, họ còn xâm nhập vào không phận của chúng tôi", ông Fujimura nhấn mạnh rằng, Nhật đã chính thức phản đối với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Ngay lập tức, 8 máy bay chiến đấu F-15 của Nhật đã cất cánh. Quan chức quốc phòng Nhật cho hay, máy bay Trung Quốc sau đó đã rời đi. Theo bộ Quốc phòng Nhật, đây là lần đầu tiên, một máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận Nhật gần quần đảo tranh chấp.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sau đó đã chỉ thị chính phủ "tăng cường cảnh giác", hãng tin Kyodo đưa tin. Trong khi đó, cơ quan hàng hải Trung Quốc cho hay, 1 máy bay giám sát hàng hải đã cùng với 4 tàu Trung Quốc tuần tra xung quanh quần đảo tranh chấp và đội tàu đã yêu cầu các tàu Nhật Bản rời khỏi khu vực ngay lập tức.
"Điếu Ngư và các đảo liên quan là một phần lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Chuyến bay của Trung Quốc ở khu vực quần đảo là hoàn toàn bình thường", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, động thái này là sự leo thang đáng kể. "Sự xâm nhập nghiêm trọng này vào không phận Nhật Bản là bước đi rất quan trọng nhằm làm suy yếu hiệu quả kiểm soát của Nhật ở khu vực", Kazuya Sakamoto, giáo sư ĐH Osaka nói. "Nếu Trung Quốc điều một máy bay quân sự trong bước đi tiếp theo thì thực sự sẽ khiến quyền kiểm soát của Nhật trở nên bấp bênh".
Toshiyuki Shikata, giáo sư ĐH Teikyo và là một vị tướng nghỉ hưu bình luận, việc sử dụng máy bay của cả hai bên là một diễn biến quan trọng.
Diễn biến mới nhất diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử ở Nhật với dự kiến sự trở lại quyền lực của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe đã thề sẽ giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp quần đảo. Ông cũng cam kết gia tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó có lực lượng phòng vệ bờ biển.
Các quốc gia châu Á khác như Philippines cũng đang ngày một lo lắng hơn về nỗ lực mở rộng quân sự và các hành động quả quyết thậm chí là gây hấn của Trung Quốc trong khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trong chuyến thăm khu vực hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục các nhà lãnh đạo châu Á kiềm chế xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Washington không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khu vực, nhưng tuyên bố theo hiệp ước an ninh chung năm 1960, Mỹ có bổn phận hỗ trợ Nhật nếu Nhật bị tấn công. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "lãnh thổ thiêng liêng". Quần đảo này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định chủ quyền.
Thái An (theo Reuters)