Tờ "Tạp chí chính trị thế giới" (Mỹ) nhận định sau hàng loạt cuộc trao đổi ngoại giao bất thành, Philippines và Trung Quốc đứng bên bờ vực đối đầu quân sự trong cuộc tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông.
>> Philippines ngừng đóng dấu vào hộ chiếu 'lưỡi bò' TQ
>> Philippines kêu gọi giải pháp quốc tế cho Biển Đông
>> Philippines kêu gọi giải pháp quốc tế cho Biển Đông
Hải quân Philippines |
Sau gần 7 tháng can dự ngoại giao căng thẳng với Trung Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục gia tăng.
Hiện nay, đứng trước một Trung Quốc có khả năng ngày càng quyết đoán hơn và khu vực không có cách tiếp cận hiệu quả để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra, Philippines dường như không còn lựa chọn ngoại giao. Philippines bị yếu thế trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc về một số hòn đảo và bãi đá tranh chấp ở Biển Đông.
Đối mặt với lực lượng hải quân ngày càng hiện đại của Trung Quốc, Manila đang tìm kiếm các cam kết lớn hơn của Oasinhtơn về nguyên tắc tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương cũng như nghĩa vụ của Mỹ trong các hiệp ước phòng thủ chung với các nước đồng minh khu vực, trong đó có Philippines, đặc biệt khi xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Philippines cũng thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển và xoa dịu Bắc Kinh. Philippines cam kết duy trì mối quan hệ kinh tế và đầu tư với Trung Quốc. Để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với nước láng giềng khổng lồ, Chính phủ Philippines tích cực tìm kiếm sự ủng hộ cách tiếp cận đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp, chủ yếu dưới sự bảo trợ của ASEAN.
Bế tắc hiện nay bắt đầu từ tháng 4/2012, khi lực lượng bán quân sự Trung Quốc, được sự hỗ trợ của lực lượng hải quân, áp đảo hải quân Philippines vốn được triển khai để ngăn chặn các tàu thuyền Trung Quốc đánh cá trái phép ở đảo Hoàng Nham nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Sau đó, bất chấp một thỏa thuận yêu cầu hai bên rút tất cả tàu thuyền để giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc tăng cường kiểm soát và không cho phép tàu thuyền của Philippines ra vào bãi đá ngầm Scarborough.
Trước hành động đó, chính quyền Philippines không còn nhiều sự lựa chọn ngoài việc phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao. Giải pháp đầu tiên của Philippines là thuyết phục và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, buộc Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; chuẩn bị cơ sở pháp lý để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong tương lai, đơn phương đổi tên Biển Đông thành “Biển Tây Philippines” và tổ chức Diễn đàn Hàng hải đầu tiên của khu vực ASEAN để tập hợp sự ủng hộ chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Philippines cũng thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để xoa dịu các bất đồng với Trung Quốc, đồng thời ra sức thuyết phục ASEAN thành lập một mặt trận chung nhằm tháo gỡ các căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông.
Tháng 6/2012, chính quyền Philippines ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vận động hậu trường do nghị sĩ và các nhà lãnh đạo kinh doanh Philippines đi đầu để tiếp cận với Trung Quốc. Khi các nỗ lực bị phản tác dụng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào Cẩm Đào từ chối gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tháng 9/2012, chính quyền Philippines cử Bộ trưởng Mar Roxas đến gặp nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình của Trung Quốc.
Trong khi đó, tháng 7/2012, lợi dụng chức chủ tịch ASEAN, Campuchia không đưa các bất đồng Biển Đông nào vào thông cáo cuối cùng của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, từ đó gây nên cuộc tranh cãi ngoại giao với Philippines. Tổng thống Aquino cảnh báo các quan chức tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, đặc biệt là Campuchia và Trung Quốc, rằng “ASEAN không phải là con đường duy nhất của chúng tôi".
Do các biện pháp ngoại giao thất bại, Manila buộc phải theo đuổi giải pháp sức mạnh hiếu chiến hơn như khôi phục hơn nữa các mối quan hệ quân sự chiến lược với Mỹ và các cường quốc Thái Bình Dương khác.
Tuy nhiên, chính quyền Aquino lại vấp phải nhiều trở ngại lớn trong việc thắt chặt quan hệ quốc phòng hơn nữa với Mỹ vì hiến pháp không cho phép và dư luận trong nước phản đối mạnh mẽ các kế hoạch triển khai lực lượng Mỹ ở Philippines; bên cạnh đó là tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của Trung Quốc với Philippines. Vì vậy, mặc dù giải pháp ngoại giao chưa đạt được những đột phá quan trọng, nhưng đây có thể vẫn là lựa chọn tốt nhất cho Manila.
Theo Vietnam+