Thời báo Ấn Độ hôm nay dẫn các nguồn tin chính thống cho hay, Trung Quốc đang soạn một dự thảo luật về thăm dò đáy biển quốc tế cho phép nước này thăm dò khoáng sản và các tài nguyên nước sâu ở Ấn Độ Dương cùng nhiều vùng biển xa bờ khác.

Ảnh: subseaworldnews

Theo giới phân tích, động thái này có thể khiến New Delhi lo lắng, và tiếp tục dõi theo sát sao các động thái chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Dự thảo luật mới được coi là một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc trở thành một cường quốc hàng hải. Nước này gần đây đã hoàn tất con tàu sân bay đầu tiên, đưa vào phục vụ trong lực lượng hải quân.

Tuần trước, ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc nói trong một báo cáo rằng, sự thiếu vắng một đạo luật đã đặt nước này vào thế bất lợi trong việc thăm dò các khu vực đáy biển quốc tế và dự thảo luật mới sẽ yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế có liên quan.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, động thái mới nói trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trong cơn khát tài nguyên đến mức sẵn sàng vung tiền ra khắp nơi trên thế giới nhằm mang về nhiều nguyên liệu nhất có thể. Với một vị trí địa lý mà 80% nguồn cung năng lượng phải đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương, Trung Quốc quyết tâm tăng cường bảo vệ tuyến đường huyết mạch này, đồng thời tìm kiếm các con đường năng lượng khác thông qua Nga và Trung Á.

Trong khi đó, Ấn Độ cảm thấy bị rào giậu bởi các thỏa thuận của Trung Quốc với một số nước láng giềng, dù những thỏa thuận ấy không nghiêm trọng về mặt quân sự nhưng có thể là đòn bẩy trong một cuộc xung đột. Người Ấn Độ đôi lúc nhắc tới cái gọi là “chuỗi hạt trai” bao gồm việc Trung Quốc triển khai lực lượng ở Tây Tạng, tiếp cận một căn cứ hải quân tại Myanmar và một công trình xây dựng của Trung Quốc ở cảng nước sâu Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan).

Về phần mình, Bắc Kinh lại lo lắng rằng, Ấn Độ đang trở thành một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Thái An (theo indiatimes)