- Không hề khó để GĐ Sở Nội vụ Hà Nội xử lý thông tin vụ chạy công chức mà Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy tiết lộ.

Việc nói đi đôi với làm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thực hiện những vấn đề như nhức nhối mà xã hội và cộng đồng dư luận đang quan tâm như: tệ nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền hay việc chạy công chức ở Thủ đô Hà Nội làm nóng các trang báo những ngày qua.

các nước có nền hành chính tiến bộ, trách nhiệm giải trình đã trở thành bắt buộc bởi quy định pháp luật. Trước một vấn đề mà xã hội quan tâm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước đó phải có trách nhiệm họp báo để làm cho công luận hiểu và đồng thuận với cách làm, cách xử lý của cơ quan nhà nước. Ở Việt Nam thì khác.

Sẽ khó "chạy" công chức nếu thi tuyển công khai, minh bạch. Ảnh chụp thí sinh thi vào Bộ Nội vụ ngày 6/1 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi các vấn đề đang được xã hội quan tâm, người đứng đầu cơ quan thường tìm cách “đùn đẩy” và người quan tâm thường ít biết được vấn đề sẽ đi đến đâu.

Việc nói và làm của người đứng đầu ngành nội vụ Hà Nội chẳng hạn. Thông tin về tiêu cực trong vụ tuyển công chức tưởng rõ như ban ngày, ai cũng biết, nhiều người đều hiểu như phát biểu của Chủ nhiệm UB Kiểm tra của Thành ủy nhưng không có câu trả lời từ Giám đốc Sở Nội vụ, với trách nhiệm quản lý nhà nước.

Trong khi, tổ chức một cuộc họp báo để công khai, minh bạch thông tin thiết nghĩ cũng đâu phải là công việc quá khó khăn đối với người đứng đầu ngành nội vụ - người có trách nhiệm giải trình về chủ trương và lối ra để giải quyết vụ việc.

Tới đây, chúng ta có thể cùng tham mưu cho Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đưa ra giải pháp, chẳng hạn treo giải thưởng cho những người phát hiện có tiêu cực trong thi cử công chức, viên chức thành phố với hình thức ẩn danh.

Thưởng luôn giá trị bằng 30% hoặc 50% số tiền chi cho tiêu cực mà người tố cáo nêu ra nếu qua điều tra thấy đó là sự thật.

Việc thi mà chép không sai một dấu phẩy so với đáp án thì chỉ cần lấy toàn bộ số bài thi từ 8/10 điểm (hoặc 80/100) trở lên của 3 kỳ thi công chức, viên chức vừa qua của thành phố gửi cho một nhóm giáo sinh của trường sư phạm (chứ không cần đến hoặc không nên dùng cán bộ trong bộ máy) xem là có kết quả ngay để chia sẻ với công luận.

Mọi vấn đề sẽ trở thành vấn đề nóng và quan tâm của xã hội còn tiếp tục tiếp diễn nếu Chính phủ chưa có những quy định chế tài cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Cảnh Thơ (bạn đọc Hà Nội)