Năm 2012, Mỹ tuyên bố "bắt đầu trở lại châu Á". Nói một cách cụ thể hơn, điều đó có nghĩa là Washington nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực nam châu Á - Thái Bình Dương.
Ảnh: wordpress |
Theo giới phân tích, đó là phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở các khu vực biển tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông.
Mỹ sẽ sắp xếp lại lực lượng, điều chuyển tới 60% nguồn lực hải quân tới châu Á - Thái Bình Dương. Điều này sẽ khiến sự hiện diện quân sự Mỹ ở đây tăng gấp ba lần so với hiện tại.
Tính đến thời điểm này, khoảng 60-70 tàu chiến và 200-300 máy bay quân sự Mỹ có mặt thường xuyên ở những căn cứ hải quân Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ít nhất hai tàu sân bay cũng không ngừng bám sát các diễn biến trong khu vực. Giờ đây, theo chỉ thị của Tổng thống Obama, lực lượng hải quân Mỹ đang tăng cường ở Australia, Singapore và Philippines.
Tại Australia, số lượng lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tăng lên 10 lần và đạt 2.500 người. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ mở rộng tiếp cận với căn cứ hải quân Australia bên bờ biển Ấn Độ Dương. 4 tàu hải quân Mỹ sẽ được triển khai gần bờ biển của Singapore.
Mỹ cũng có kế hoạch triển khai 500 quân nhân và các máy bay trinh sát ở Philippines, đồng thời thiết lập một trung tâm sửa chữa tàu hải quân Mỹ tại đây. Hơn thế nữa, Mỹ không bác bỏ đồn đoán rằng, Philippines có thể trở thành một trung tâm chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
“Trước các diễn biến này, người Trung Quốc bắt đầu cảm thấy bị lực lượng Mỹ vây quanh mọi phía”, chuyên gia người Nga Yuri Tavrovsky nói. "Sau tất cả, Mỹ không giấu diếm lý do họ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương là vì Trung Quốc đang tăng dần ảnh hưởng ở đây".
“Đáp lại, Trung Quốc đang tích cực phát triển hải quân của mình", ông Tavrovsky tiếp tục cho biết. “Thật khó để phủ nhận rằng, chỉ trong ít năm qua, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện cho họ gia tăng sức mạnh quân sự. Có thể là cường điệu khi nói Trung Quốc ngày một gây hấn, nhưng rõ ràng mọi người bắt đầu hiểu rằng, họ đã đủ mạnh để đủ khả năng áp đặt ý chí của mình với các quốc gia khác".
Một chuyên gia Nga khác, Evgeny Kanaev, dự đoán, quan hệ Mỹ - Trung có thể trở nên trầm trọng hơn. “Tôi không nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay muốn thỏa hiệp với Mỹ. Không chắc là Trung Quốc sẽ nhất trí tạo lập một lực lượng hải quân đang trỗi dậy để hài lòng Mỹ. Đổi lại, Mỹ cũng không muốn bị Trung Quốc hất cẳng khỏi vị thế vốn có ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh sự hiện diện quân sự, Mỹ cũng muốn duy trì sự kiểm soát đối với toàn bộ lộ trình vận chuyển trong khu vực, và Trung Quốc hiện nay đang trở thành một đối thủ của Mỹ nhìn từ phương diện này".
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy tình hình khu vực vào chỗ nguy hiểm.
Thái An (theo albanytribune)