Hai từ “chiến tranh” mấy ngày gần đây liên tục xuất hiện tại những vị trí nổi bật của các tờ báo chính thống ở Trung Quốc.

Theo báo Bình quả của Hong Kong ngày 17/1, tần suất đăng tải cụm từ này cũng như những lời kêu gọi đi cùng với nó khiến độc giả cảm thấy dường như chiến tranh đang đến rất gần, phải chăng báo chí Trung Quốc đang làm nhiệm vụ chuẩn bị dư luận và tâm lý cho một cuộc chiến có thể xảy ra?
 
Đầu tiên là Báo Giải phóng quân ngày 14/1 đăng tải ngay trên trang nhất “Chỉ thị huấn luyện 2013”, yêu cầu toàn quân cần “tăng cường tư tưởng chiến tranh, tăng cường ý thức tai họa, ý thức nguy cơ, ý thức sứ mệnh; nâng cao năng lực chiến đấu…”.

Ngày hôm sau, Thời báo Hoàn cầu - phụ bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc - cũng đăng bài xã luận với tựa đề “Sau gần 30 năm hòa bình, chúng ta cần nhìn nhận chiến tranh như thế nào”, trong đó cho rằng đã hơn 30 năm kể từ cuộc chiến tranh gần đây nhất của Trung Quốc, cảm giác về chiến tranh đã là chuyện quá xa xôi, nay cũng cần phải để xã hội một lần suy nghĩ lại nên nhìn nhận như thế nào về vấn đề chiến tranh.
 
Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đưa ra rất nhiều điểm quan trọng để công chúng suy nghĩ.

Một là, chiến tranh không phải là chuyện tốt, không thể khinh xuất “mở mồm” là nói khai chiến được. Hai là, Trung Quốc trở thành nước lớn chiến lược tất nhiên phải đối mặt với tranh chấp lãnh thổ cũng như những cọ sát to nhỏ, xa gần. Ba là, cần sắp xếp rõ chiến lược chiến tranh, xác định cái gì là phạm vi có thể chịu đựng, cái gì cần kiên quyết chống lại. Bốn là, nhấn mạnh cạnh tranh kinh tế mới là chiến trường chính, quân đội chỉ khi cần thiết mới sử dụng. Năm là, Trung Quốc là cường quốc hạt nhân, nước khác không thể chinh phục Trung Quốc, cũng không muốn khai chiến với Trung Quốc. Sáu là, thắng bại trong chiến tranh được quyết định bởi việc xã hội có thể chấp nhận bao nhiêu tổn thất.
 
Ngôn từ bài xã luận trên có thể thấy là khá bình thường, không mang câu từ đằng đằng sát khí, cũng không nói rõ cụ thể về lãnh thổ tranh chấp, không chỉ đích danh quốc gia nào, thậm chí ngay cả Mỹ cũng chỉ được đề cập đến là một nước lớn ở xa.

So với ngôn từ trong bài viết trên Báo Giải phóng quân, bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu dường như không thể hiện thái độ mạnh mẽ hay “chói tai, chướng mắt", có thể nói là bài viết này không muốn chọc giận Mỹ, Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào khác.
 
Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp bài xã luận không mang đậm mùi thuốc súng này. Cần nhớ rằng chủ đề bài xã luận đưa ra để độc giả suy nghĩ chính diện chính là vấn đề chiến tranh, và rằng bài xã luận này thực chất là sự chuẩn bị về dư luận và tâm lý cho xã hội trước một cuộc chiến có thể xảy ra.
 
Kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, giai điệu chủ đạo trong quan hệ đối ngoại của chính phủ Trung Quốc là trỗi dậy hòa bình, thường nhấn mạnh Trung Quốc không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Nay, các báo chính thống ở Trung Quốc nhắc đi nhắc lại cụm từ "chiến tranh", nhấn mạnh việc làm tốt công tác chuẩn bị tư tưởng và thực chất cho “chiến tranh”, điều này hoàn toàn khác với sách lược đối ngoại mấy chục năm qua của Trung Quốc, là sự xoay chuyển 180 độ so với chiến lược “giấu mình” của Đặng Tiểu Bình.

Rốt cuộc, đây là phản ứng của Chính phủ Trung Quốc khi đối mặt với thách thức bên ngoài hay là đội ngũ lãnh đạo mới đưa ra sách lược mới nhằm giải quyết khó khăn tạm thời?

Tuy nhiên, việc đưa “chiến tranh" vào chương trình nghị sự chắc chắn là một tín hiệu quan trọng, chắc chắn là tín hiệu không tốt lành, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản không ngừng tăng cường các hoạt động trong khu vực, tăng cường các áp lực lên Trung Quốc, nguy cơ nổ súng rõ ràng đang gia tăng.
 
Theo Bình quả, bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc đánh nhau cần phải đánh “có lý, có lợi”. Tuy nhiên, chiến tranh là chiến tranh, những tổn hại và biến động mà nó mang lại khó có thể dự tính, Trung Quốc hô hào chuẩn bị chiến tranh như vậy, song liệu có thực sự muốn chiến tranh hay không?

Theo Vietnam+