Điều nói trên thay cho điều 6 trong Hiến pháp 1992: “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ quan nhà nước là gì? Nội hàm của nó thế nào là vấn đề cần trao đổi.
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ quan nhà nước không chỉ được nêu trong Hiến pháp 1992 mà trong cả nhiều luật quan trọng khác như: luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (điều 4 “Quốc hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số”); luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 (điều 6: “Chính phủ tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ... Chính phủ thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng được quy định tại Điều 19 của luật này”); luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 (điều 4: “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”).
Tuy được đề ra nhiều như vậy, nhưng ngoài một ý cụ thể kèm theo "làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số" như trên, không thể tìm thấy nội dung của nguyên tắc này được minh định trong một văn bản quy phạm pháp luật nào. Chỉ có thể tìm thấy những nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Điều lệ Đảng (Điều 9):
“Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
1- Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử mà lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đai hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).
3- Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
4- Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
5- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét các ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
6- Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”.
Đảng và nhà nước là những thực thể chính trị có vị trí, vai trò, chức năng, tính chất khác nhau, nên đương nhiên không thể áp dụng hoặc “diễn dịch” một cách đơn giản nguyên tắc tổ chức của Đảng sang Nhà nước, dù cho đó Đảng duy nhất lãnh đạo - cầm quyền. Muốn làm như vậy cũng không thể. Chỉ cần “áp” thử sáu nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong Đảng vào các cơ quan nhà nước, sẽ thấy ngay sự khiên cưỡng mà lý trí thông thường khó chấp nhận.
Có thể xem đây là một trường hợp cụ thể về việc trong dự thảo Hiến pháp có những điều khoản, những khái niệm chưa xác định được nội hàm, điều mà chúng tôi đề cập trong bài trước.
Có lẽ Ban soạn thảo cũng cảm nhận thấy phần nào vấn đề này, nên đã tiến hành sửa đổi, điều chỉnh điều 6 Hiến pháp 1992 bằng điều 8 trong dự thảo.
Điều 8 có ba ý chính, trong đó hai ý đầu là thừa vì dự thảo ngay từ đầu đã khẳng định Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì lẽ đương nhiên là “Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” là điều không cần nhắc lại (thậm chí phải xem đây là định nghĩa về nhà nước pháp quyền).
Những người soạn thảo biết rõ điều này hơn ai hết, cho nên khi viết như vậy, chắc chắn không phải vói ý định để nhấn mạnh hay đề phòng nhầm lẫn, mà có lẽ để có thể kèm vào cái câu “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Bỏ qua cách diễn đạt không thật chỉnh về văn phạm, với những lý lẽ trình bày trên đề nghị bỏ hẳn điều khoản này vì nội dung của nó. Giữ lại điều khoản này có thể gây những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc cụ thể hoá Hiến pháp và xây dựng các luật liên quan.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài Quốc hội, Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số (điều mà hiện nay trong thực tế nhiều lúc, nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm chỉnh), còn nhiều cơ quan nhà nước khác không làm việc, hoặc chỉ làm việc một phần theo nguyên tắc này. Chính phủ cũng chỉ quyết định theo đa số trong một số vấn đề, trong khi Hiến pháp 1992 và dự thảo đều vẫn khẳng định một cách đúng đắn vai trò người đứng đầu Chính phủ của Thủ tướng.
Trong điều kiện mới cũng cần đổi mới nhận thức, cách hiểu, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Cách hiểu và thực hành như cũ trên thực tế đã vô hiệu hoá sức sống và tinh thần cách mạng của nó, khiến cho nó không còn “sức mạnh vạn năng” như lầm tưởng. Bằng chứng là nhiều đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và Đông Âu dù về hình thức không ngừng đề cao nó, nhưng đã biến nó thành tập trung quan liêu, làm tê liệt sức chiến đấu của đảng, không ngăn chặn được sự suy thoái toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, dẫn họ đến sụp đổ và bị loại khỏi vũ đài chính trị.
Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương)
Mời bạn đọc theo dõi các bài viết
về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-
Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn |