Trong nhiều năm qua, Michèle Alliot-Marie đã xây dựng cho mình một hình ảnh đầy ấn tượng trong số các bộ trưởng của Pháp và tránh xa những vụ bê bối làm lu mờ chính phủ nước này. Rồi sau đó, cuộc nổi dậy của người Tunisia đã xảy ra.

Trước vụ bê bối Tunisia, Michèle Alliot-Marie - thường được gọi là MAM theo ba chữ cái đầu tiên của tên bà - đã trở thành cô gái vàng của những người bảo thủ Pháp.

Lý lịch của Alliot-Marie cho thấy bà là một trong những người có nền tảng chính trị hoàn hảo nhất của lịch sử nước Pháp hiện đại, và là một người thách thức truyền thống trọng nam trong hoạt động chính trị của đất nước.


Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie đã tuyên bố từ chức. Ảnh: wn
Là một luật sư, MAM bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1983 như một thành viên trong hội đồng nhân dân tại Ciboure, một ngôi làng ở tây nam nước Pháp. Năm 1986, bà được bầu vào hạ viện, đại diện cho khu vực Pyrénées-Atlantique. Cùng năm ấy, bà phụng sự trong chính quyền của Thủ tướng Jacques Chirac với vị trí Bộ trưởng Giáo dục. Năm 1993, Thủ tướng Edouard Balladur bổ nhiệm bà vào nội các mới ở tư cách là Bộ trưởng phụ trách thể thao và thanh niên.

Khi phe Xã hội lên nắm quyền vào năm 1997, Alliot-Marie đã chạy đua vào ghế Chủ tịch Đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) của đương kim Tổng thống Jacques Chirac. Và, bà đã gây bất ngờ cho tất cả mọi người khi đánh bại đối thủ được ông Chirac ủng hộ để trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch một đảng chính trị lớn.

Người luôn thắng thế

Alliot-Marie, 64 tuổi, là chính trị gia duy nhất có được vị trí hàng đầu trong những bộ chủ chốt của nước Pháp.

Năm 2002, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ cao nhất của Bộ Quốc phòng và duy trì địa vị của mình trong suốt 5 năm. Là một Bộ trưởng Quốc phòng quyết đoán, bà đã đương đầu với cuộc khủng hoảng ở Bờ biển Ngà và bảo vệ lập trường của nước Pháp chống lại cuộc chiến Iraq. Năm 2006, tạp chí Forbes xếp bà ở vị trí 57 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007, bà dự định chạy đua với Nicolas Sarkozy để đại diện phái hữu Liên minh Phong trào Dân túy UMP, nhưng cuối cùng thay vào đó lại quyết định ủng hộ Sarkozy. Tuy nhiên, bà đã cụ thể hóa và tăng cường sự ủng hộ vững chắc của mình với đảng bằng cách khởi xướng “Le Chêne” (Cây Sồi), một phong trào làm sống lại những giá trị Gaullist (cuộc vận động chính trị, chính sách của Charles de Gaulle).

Sau khi Sarkozy đắc cử tổng thống, Alliot-Marie được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của Thủ tướng François Fillon, trước khi được điều chuyển sang đảm trách Bộ Tư pháp năm 2009. Năm tiếp theo đó, bà đã thay thế Bernard Kouchner trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Pháp.

Lánh xa bê bối

Khi đảm nhận chức vị cao nhất từ bộ này tới bộ khác, Alliot-Marie đã chứng tỏ là một chính khách đặc biệt tài giỏi, tránh xa những vụ việc kịch tính hay bê bối từ lâu đã trở thành một “đặc điểm” của chính trị Pháp. Song, tất cả đã chấm dứt với kỳ nghỉ Giáng sinh của bà tại Tunisia.

Tháng 1 năm nay, thông tin khiến rất nhiều người chú ý là Alliot-Marie đã sử dụng máy bay riêng của một doanh nhân có quan hệ gần gũi với Tổng thống Tunisia vừa bị lật đổ Zine al-Abidine Ben Ali trong một chuyến đi tới quốc gia Bắc Phi cùng ông Patrick Ollier (người bà có quan hệ nhưng không kết hôn) cũng là một bộ trưởng.

Trong thời gian này, người dân thường Tunisia ngày càng bất bình về nạn tham nhũng lan tràn của chế độ Ben Ali đã sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy, và chỉ hai tuần sau đó, họ lật đổ được vị tổng thống cầm quyền 23 năm.

Những biện minh của Alliot-Marie chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn. Nữ Ngoại trưởng Pháp nhiều lần buộc phải sửa đổi nhìn nhận của bà về các sự kiện xảy ra. Người ta cũng biết nhiều tới thông tin cha mẹ bà đã ký một thỏa thuận với doanh nhân người Tunisia trong suốt kỳ nghỉ ấy.

Trong một cuộc phỏng vấn với France 24 hồi tháng 2, Alliot-Marie nói: “Tôi không làm gì để đáng bị khiển trách về chính trị”. Bà khăng khăng khẳng định rằng, trong kỳ nghỉ bà "không còn là ngoại trưởng”. Nhưng ngay sau đó, bà đã rút lại lời nói và tuyên bố: “Đúng là ai đó khi làm bộ trưởng thì phải là bộ trưởng quanh năm suốt tháng”.

Gom củi ba năm….

Hôm 27/2, Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie tuyên bố từ chức. Bà đã gửi thư cho Tổng thống Nicolas Sarkozy đổ lỗi cho những đối thủ chính trị và truyền thông trong các vấn đề của mình. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, bà là điển hình của các chính khách Pháp, những người không suy nghĩ gì khi tiếp nhận sự hiếu khách và các đặc quyền khác từ lãnh đạo các nước Ảrập.

Nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Pháp bị coi là người thường xuyên nhận sự hiếu khách tiếp đón nồng nhiệt tại Tunisia trước khi Ben Ali bị lật đổ trong tháng 1. Sau khi sử dụng máy bay riêng của một trong những đối tác kinh doanh với Ben Ali vào dịp Giáng sinh, bà đã thừa nhận sở hữu cổ phần tại một trong số các công ty của doanh nhân này.

Trong những ngày “Cách mạng hoa lài” diễn ra ở Tunisia, Alliot-Marie đã đề xuất điều cảnh sát chống bạo động của Pháp tới xử lý tình hình, và còn muốn gửi hơi cay tới Tunisia để giải tán người biểu tình. "Michele Alliot-Marie sụp đổ và kéo theo tất cả mọi người. Điều này phải dừng lại”, một bộ trưởng Pháp cho biết. Theo một nguồn tin, bà Alliot-Marie cuối cùng đã bị sa thải vì là nguyên nhân khiến tỉ lệ tín nhiệm của ông Sarkozy bị sụt giảm.

Thay thế vị trí của bà là Bộ trưởng Quốc phòng Alain Juppé, người từng bị án tù treo sau bê bối sử dụng sai công quỹ. Tổng thống Pháp Sarkozy dự kiến có bài phát biểu xác nhận cải tổ nhân sự trong nội các.

Thủ tướng Pháp François Fillon đã thừa nhận vào dịp Giáng sinh và năm mới đã cùng vợ và 5 con tới Ai Cập, trước khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Cùng thời điểm đó, ông Sarkozy cũng có một kỳ nghỉ với vợ tại Morocco - đất nước đang có những cuộc biểu tình đòi dân chủ. Khi làn sóng biểu tình tại thế giới Ảrập bắt đầu, Tổng thống Sarkozy đã chỉ thị cho các bộ trưởng: “Kể từ bây giờ, hãy nghỉ ở Pháp”.

  • Thái An (Theo France24, Dailymail)