Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành buổi tập trận nước sâu giữa lúc tranh chấp với Nhật Bản gia tăng xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.


Trung Quốc tập trận ở Hoàng Hải. Ảnh: Nhật báo Thượng Hải
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua tuyên bố, buổi diễn tập dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới ở Thái Bình Dương, ngoài khu vực có đảo và là vùng nước sâu - lý tưởng cho tập trận chống ngầm.

Hải quân Trung Quốc - đơn vị đã nhận chiếc tàu sân bay đầu tiên - đã tiến hành 7 cuộc tập trận tương tự trong năm ngoái, mỗi cuộc có sự tham dự của nhiều tàu nổi và tàu ngầm. Hoạt động diễn tập phản ánh mong muốn bấy lâu của Trung Quốc là xây dựng một lực lượng hải quân có thể hoạt động xa bờ.

Các tàu tham gia các cuộc tập trận trước đây có lần từng đi sát phía bắc quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hoạt động tập trận ở vùng nước sâu lần này không được xác định rõ.

Trong khi đó, Tân hoa xã đưa tin, ba tàu chiến gồm một tàu khu trục tên lửa và hai tàu khu trục nhỏ đã rời Thanh Đảo hôm thứ ba chuẩn bị cho tập trận ở tây Thái Bình Dương. Hãng này cho hay, các tàu sẽ thực hiện 20 cuộc diễn tập mô phỏng các hoạt động tác chiến, thực thi luật pháp hàng hải khác nhau.

Theo Tân hoa xã, khu vực diễn tập sẽ bao gồm các vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông, cũng như vùng phía bắc, nam và đông Đài Loan. Mặc dù trải rộng ở những vùng biển lớn, nhưng thông tin đưa ra không đề cập cụ thể tới các đảo tranh chấp.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã điều động tới máy bay chiến đấu ngăn chặn lẫn nhau ở khu vực gần quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông. Tàu tuần tra hai bên cũng thường xuyên đụng độ tại Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng đụng độ quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, thì Nhật Bản gần đây đã thực thi những nỗ lực ngoại giao để xoa dịu căng thẳng. Cựu thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đã có cuộc gặp "thân thiện" với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong buổi họp báo hôm thứ tư mô tả, quan hệ Trung - Nhật đang "ở giai đoạn quan trọng".

"Cả hai bên nên có thái độ trách nhiệm với lịch sử, xử lý phù hợp vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, hướng tới cải thiện và phát triển quan hệ song phương", vị phát ngôn nhấn mạnh.

Mặc dù Trung Quốc nhiều lần kêu gọi đối thoại về vấn đề này, nhưng họ vẫn chưa gửi phái viên tới Nhật hay trả lời đề xuất của Tokyo về một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên.

Thái An (theo cbsnews)