- Nên xóa bỏ tình trạng Đảng bao biện, làm thay để chấm dứt việc khi có sai sót, không biết quy trách nhiệm cho ai - đề xuất của PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn.


PGS.TS Trần Thành: Vấn đề Đảng bao biện, làm thay là câu chuyện phức tạp

Tại hội thảo về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hôm qua, một số đại biểu đã làm rõ điểm nghẽn đầu tiên cần tháo gỡ trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là việc chưa cụ thể hóa được cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của đoàn thể chính trị - xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện, làm thay.

Xác định rõ 'sân'

Nói như PGS.TS Trần Thành (Viện Triết học), vấn đề Đảng bao biện, làm thay là câu chuyện phức tạp và đầy nhạy cảm vốn đã được đặt ra từ Đại hội Đảng 6 và lại tiếp tục được nhắc đến tại Đại hội 11.

“Vì sao đặt ra mãi mà vẫn không giải quyết được? Tôi nghĩ rằng không phải do Nhà nước yếu kém nên Đảng phải làm thay. Phải chăng nếu Đảng không bao biện, làm thay thì sẽ không đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước?”, ông Thành nêu vấn đề. Theo ông, đây sẽ còn là vấn đề cần phải tiếp tục mổ xẻ phân tích để hiểu cho đúng.

Như phát biểu của PGS.TS Trần Khắc Việt (Học viện Xây dựng Đảng), càng xuống cơ sở thì tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay việc của chính quyền càng thể hiện rõ. Tình trạng chính quyền ỷ lại vào cấp ủy càng rõ hơn.

Đến từ Học viện Hành chính - Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn (GĐ Trung tâm Thông tin khoa học) bổ sung, tình trạng bao biện, làm thay chính quyền hay buông lỏng chức năng lãnh đạo của không ít tổ chức đảng đang làm hạn chế sức mạnh, uy tín của Đảng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn đề xuất, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị phải được cụ thể hóa về chức năng, nhiệm vụ và phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đó. Nói cách khác là phải xác định rõ “sân” của mình ở đâu để không tái diễn tình trạng chồng chéo, lấn sân.

Ông Tuấn phân tích, Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo đất nước chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Mà mọi hoạt động của Nhà nước (từ cơ quan lập pháp, hanh pháp, tư pháp) đều tuân theo pháp luật. Hoạt động của Nhà nước có hiệu quả hay không là thước đo năng lực cầm quyền của Đảng. Chính vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không nhằm hạ thấp vai trò mà là để cho hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước mạnh lên. “Nếu không hiểu đúng, không làm được điều này thì chắc chắn sẽ còn hiện tượng chồng lấn quyền lực giữa Đảng và Nhà nước”, ông Tuấn nhận định.

Ông cũng chỉ ra, dù nghị quyết của cấp ủy có đúng đắn đến đâu thì vẫn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa bằng việc ban hành các văn bản pháp quy để tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngoài công việc liên quan đến xây dựng nội bộ, Đảng nên tập trung trí tuệ vào việc đề ra chủ trương đúng đắn, khả thi thể hiện khát vọng và lợi ích của đa số nhân dân. Ông Tuấn khẳng định, nếu dừng lại ở phạm vi công việc nói trên, và chú trọng kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng cũng như thực hiện pháp luật nghĩa là đã xác định đúng được “sân” của Đảng.

Như vậy, trong chỉ đạo, điều hành, cấp ủy không thể dùng công văn, thông báo ý kiến kết luận, ý kiến chỉ đạo - mà thực chất là các quyết định để cho cơ quan nhà nước làm căn cứ triển khai.

“Điều đáng nói là trong những trường hợp như vậy, nếu có sai sót khuyết điểm thì không biết quy trách nhiệm cho ai. Trong một số trường hợp đã có biểu hiện nôn nóng, duy ý chí, sử dụng công cụ quyền lực siêu nhà nước để lấn lướt làm thay cơ quan nhà nước”, ông Tuấn khái quát.

Nhất thể hóa chức danh

Cũng theo ông Tuấn, nhiều cấp ủy vẫn đang cho rằng nếu không ra được nghị quyết, kết luận về những công việc cụ thể để dựa vào đó chính quyền ra quyết định thì không lãnh đạo được chính quyền, là buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về lâu dài, theo ông Tuấn, cần đổi mới tổ chức của hệ thống chính trị theo hướng thông qua đảng viên trong các vị trí quan trọng của cơ quan nhà nước để thực thi ý chí chính trị của Đảng. Như vậy, nhất thể hóa chức danh đứng đầu Đảng, chính quyền là một giải pháp hữu hiệu. Ông Tuấn cũng gợi ý, có thể nhất thể hóa chức danh người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Đảng đồng thời là người đứng đầu Thanh tra Nhà nước. Và người đứng đầu cơ quan tổ chức của Đảng cũng phải đồng thời là người đứng đầu tổ chức nhân sự của chính quyền.

“Đó là cách tốt nhất để Đảng hóa thân vào Nhà nước, thực thi đường lối chủ trương của Đảng trong các cơ quan nhà nước nhanh và thuận lợi nhất. Đội ngũ cán bộ cũng được kiểm tra, giám sát tốt nhất từ phía tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân… Ngoài ra, mọi tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội đều phải có luật nên việc ban hành luật về Đảng không phải trường hợp ngoại lệ", ông Tuấn kết luận.

Tổng kết các thảo luận, Phó GĐ Học viện Hành chính - Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý cho hay, việc đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị nhằm đề xuất những giải pháp với Ban chấp hành TƯ, góp phần đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp.

Lê Nhung